Công bố xếp hạng nói trên được thực hiện với 3.290 trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế cho thấy Việt Nam đứng hạng 14 trong 21 quốc gia ở khu vực Đông Á, xếp sau các nước như Malaysia (hạng 8), Thái Lan (hạng 9), Philippines (hạng 11).
Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật làm thủ tục nhập học, tháng 9-2012
Số lượng bài nghiên cứu về giáo dục của Việt Nam chỉ bằng 1/37 so với Đài Loan (hạng nhất) và 1/30 so với Hongkong (hạng nhì), với tổng số các bài báo khoa học trong ngành khoa học giáo dục của Việt Nam được công bố quốc tế là 39 trong khoảng thời gian 14 năm được so sánh từ 1996-2010 và có chỉ số trung bình là hai bài mỗi năm.
Xếp hạng của SCImago về việc được trích dẫn công bố quốc tế của bài báo, công trình khoa học cho thấy chỉ số này của Việt Nam đứng thứ 13 với 4 điểm, xếp dưới Philippines đứng thứ 10 với 6 điểm, sau Thái Lan đứng hạng 9 với 8 điểm và chỉ đứng trên Campuchia vốn xếp hạng 14 với 2 điểm.
Báo cáo xếp hạng cho hay có bốn tổ chức của Việt Nam lọt vào danh sách được xếp đợt này, nhưng đứng ở vị trí khiêm tốn, là Viện Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Xếp hạng của SCImago trong báo cáo năm 2012 về mặt công bố khoa học được bổ sung chỉ báo “lãnh đạo” ngầm chỉ định về tỷ lệ phần trăm tác giả chính của công trình khoa học công bố quốc tế là người trong biên chế của một cơ sở, trường viện được xếp hạng.
Chỉ số này đặt bên cạnh một số tiêu chí được đem ra so sánh, đánh giá khác đã biết như đầu ra, hợp tác quốc tế (với đồng nghiệp quốc tế), chỉ số tác động (đo ảnh hưởng của nghiên cứu), chỉ số chất lượng khoa học (nhắm vào tỷ lệ bài báo được công bố trên các tập san, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới), chỉ số chuyên biệt hóa, chỉ số xuất sắc…
PGS-TS Đặng Thị Thanh Huyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý cho rằng đây là một kết quả rất tệ đối với lĩnh vực nghiên cứu giáo dục nói riêng, nghiên cứu khoa học và ngành giáo dục nói chung của Việt Nam. Bà nói: “Với tư cách là người đứng đầu một viện nghiên cứu về giáo dục, tôi thấy đây là một nỗi đau mà chắc chắn chúng ta phải sớm khắc phục”.
Tuy nhiên, một chuyên gia về kiểm định chất lượng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng bảng xếp hạng của SCImago chỉ nhằm mục đích xếp hạng, không sử dụng đầy đủ các chỉ báo tổng quát cho phép đánh giá khách quan cũng như kiểm định về giáo dục hay nghiên cứu khoa học.
Trước việc một số nhận định cho rằng đại học Việt Nam chưa đạt được các kỳ vọng đặt ra, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã nói rằng: “Việt Nam cần xem lại quy hoạch phát triển đại học và bài toán chất lượng”.