Việc làm này sẽ mang lại ý nghĩa mới cho sự gắn bó với doanh nghiệp. Theo đó, mọi người không còn ở lại với chỉ một công ty của bạn suốt đời nữa, nhưng các mạng kết nối họ đã cho phép họ vẫn làm việc cho bạn ngay cả sau khi họ đã rời bỏ.
Đúng là từng có thời mà khi nhân viên rời khỏi doanh nghiệp được xem là cuộc chia tay vĩnh viễn. Quan hệ giữa kẻ ở người đi sớm phôi pha và chìm vào lãng quên. Nay thì mối quan hệ loại này vẫn có đời sống riêng, thay vì tan biến, hình thành nên các kết nối đầy triển vọng của “cựu nhân viên” với doanh nghiệp cũ.
Họ giới thiệu khách hàng, mua các sản phẩm, dịch vụ của công ty cũ, hoặc có những góp ý cực kỳ chất lượng mà chỉ có từng là người trong cuộc mới có hiểu biết sâu sắc như vậy. Họ như vào vai những người tư vấn cho doanh nghiệp cũ của mình.
Câu chuyện trên không mới. Những công ty tư vấn lớn vẫn làm theo cách đó từ lâu rồi. Nhưng nay thì điều này đã trở nên phổ biến. Xu hướng ấy đang mang lại một ý nghĩa mới cho sự gắn bó của nhân viên, từ khuôn khổ một doanh nghiệp lên một cộng đồng có sẵn những mối quan hệ tốt đẹp với nhau.
Dùng người theo mô hình mới
Những nhân viên “trẻ”, sinh khoảng từ 1981 đến 2000, được dự báo là sẽ có từ 12 đến 15 công việc trong đời, theo thống kê của Forrester Research. Như vậy, tâm lý của họ về sự gắn bó với doanh nghiệp xem ra đã rất khác thế hệ trước.
Casnocha, đồng tác giả một quyển sách về quản lý tài năng trong thời đại kết nối, đã đưa ra một mô hình quan hệ mới giữa nhân viên và doanh nghiệp, thay cho làm việc lâu dài bằng một khái niệm gọi là “thời kỳ nghĩa vụ” – là một cam kết của nhân viên từ hai đến năm năm ở một khu vực làm việc nhất định trong doanh nghiệp. Mô hình này phản ánh một thực tế mới là quan hệ giữa hai bên giờ đã khác. Nó xóa đi ý nghĩa là khi bỏ doanh nghiệp ra đi được xem như một sự phản bội.
Kết nối nhân viên cũ phát huy tác dụng
Những kết nối ấy, ít ra là mang lại cho doanh nghiệp năm lợi ích như sau:
- Quảng bá thương hiệu. Nhân viên cũ sẽ lợi hại ra sao với thương hiệu của doanh nghiệp là tùy vào cách mà họ nói về trải nghiệm của mình về doanh nghiệp cũ. Rõ ràng là việc đối xử “đẹp” với nhân viên lúc họ đang làm và lúc chia tay sẽ mang lại lợi ích này.
- Những cơ hội mới. Nhân viên ra đi khi quay lại có thể ở vai một khách hàng mới, mà khi đó doanh nghiệp không phải nói nhiều để khách hàng hiểu về mình nữa.
- Nhận các thông tin mới từ thị trường. Ví dụ khi doanh nghiệp có công việc với đơn vị khách hàng, mà nơi đó có nhân viên cũ của mình đang làm việc, mối thâm giao tốt đẹp với người cũ sẽ mang lại nhiều thông tin thú vị mà doanh nghiệp cần có để ra những quyết định hợp lý nhất với mình.
- Các nhân viên “boomerang”. Mượn hình tượng boomerang là một vũ khí của thổ dân Úc: Khi ném đi mà không chạm vào đâu thì nó sẽ quay về chỗ ban đầu. Các nhân viên cũ có lúc như những boomerang, sẽ quay về nơi cũ, vẫn mang về sự vui vẻ và hào hứng như xưa. Nhưng lần này họ còn mang lại nhiều giá trị mới mà họ lĩnh hội được từ các môi trường khác về làm tăng sự phong phú giá trị của doanh nghiệp cũ của mình.
- Giới thiệu ứng viên. Do am hiểu môi trường, văn hóa của doanh nghiệp nên việc họ giới thiệu ứng viên về làm cho doanh nghiệp cũ của mình, cũng mang một giá trị đóng góp cao nhất định. Cũng có nhiều doanh nghiệp có chính sách rõ ràng cho nhân viên cũ trong những trường hợp này.
- Xem thêm: Nuôi dưỡng văn hóa tương trợ
Với một môi trường kết nối như internet và các dịp không trực tuyến khác, các sáng kiến để có một mạng kết nối nhân viên cũ là vô cùng phong phú và không có một công thức đúng cho tất cả. Vấn đề là khi doanh nghiệp có được định hướng kết nối, phân công người chăm sóc các mối quan hệ quý giá ấy, thì sự kết trái sẽ là điều tất nhiên, đã được nhiều nơi xác nhận và đang trở thành một xu hướng, như một cách định nghĩa mới về sự gắn bó của nhân viên…