Một tỉ phú Nga vừa chấp nhận trả lại hai bức tranh của Picasso – có giá 30 triệu USD – cho thân nhân của nhà danh họa, người cho rằng cả hai bức đều thuộc sở hữu của bà nhưng bị đánh cắp. nhưng đằng sau vụ này là câu chuyện ly kỳ về một thương vụ nghệ thuật phi pháp hàng trăm triệu USD.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được thực hiện hồi trung tuần tháng Chín vừa qua, tỉ phú Dmitry E. Rybolovlev, 48 tuổi, chủ nhân của một trong những bộ sưu tập tranh có giá trị hàng đầu thế giới cho biết ông đã mua hai bức tranh Picasso nói trên vào năm 2013 hoàn toàn với thiện ý, không chút nghi ngờ nào về nguồn gốc của tác phẩm. Thế nhưng bà Catherine Hutin-Blay, 67 tuổi, con riêng của người vợ thứ hai của Picasso là Jacqueline Roque, đã tố cáo cả hai bức tranh đều bị đánh cắp từ sưu tập của bà.
Nhắm tới một cuộc chiến lớn hơn
“Tôi cảm thấy gắn kết với bà Catherine Hutin-Blay, đặc biệt vì có một sự liên hệ mạnh mẽ về mặt cảm xúc giữa các chân dung của bà ấy và người mẹ”, ông Rybolovlev nói trong cuộc phỏng vấn diễn ra tại căn hộ penthouse sang trọng nhìn ra Địa Trung Hải. Tuy nhiên, quyết định trả lại hai bức tranh Picasso cho sở hữu chủ đích thực các tác phẩm không đơn giản chỉ là nghĩa cử hào hiệp của một đại gia. Khi công khai vụ trả tranh, tỉ phú người Nga đã hướng dư luận chú ý tới một cuộc chiến khác có tầm mức rộng lớn. Số là, từ năm 2014, ông Rybolovlev đã khởi kiện ông Yves Bouvier, doanh nhân Thụy Sĩ 52 tuổi tại các tòa án ở Paris, Monaco, Singapore và Hongkong với lý do: trong thời gian tư vấn, hỗ trợ nhà tỉ phú Nga tích lũy bộ sưu tập tranh của mình thì ông Bouvier đã dùng các thủ đoạn gian trá để “moi” thêm cả tỉ USD!
Theo lời tỉ phú Rybolovlev, ông chỉ mới biết các thương vụ lừa đảo của thương nhân Thụy Sĩ Bouvier từ năm ngoái khi được gặp một nhà tư vấn nghệ thuật có uy tín trong một bữa ăn trưa nhân đi nghỉở vùng biển Caribê. Qua tiếp xúc với nhà chuyên môn, tỉ phú Nga đã bật ngửa khi biết mình đã phải trả tới 118 triệu USD để mua một tác phẩm của họa sĩ người Ý Amedeo Modigliani thuộc bộ sưu tập của tỉ phú Mỹ Steven A. Cohen, trong khi bức tranh này ông Cohen chỉ bán với giá 93,5 triệu USD, điều đó có nghĩa ông Bouvier đã “ẵm” tới… trên 20 triệu USD chỉ nhờ làm trung gian, mối lái vụ mua bán, trong khi theo thỏa thuận thì ông chỉ nhận được 2% giá trị của bức tranh! Và ông Bouvier không chỉ kiếm bạc triệu với một bức tranh của Modigliani.
Người tố cáo và kẻ bị tố cáo trước tòa gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2003. Khi đó, ông Bouvier bắt đầu giúp nhà tỉ phú trẻ Rybolovlev gây dựng bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật. Học ngành y nhưng Rybolovlev mau chóng có được cơ nghiệp khổng lồ nhờ sản xuất và xuất khẩu phân bón sau khi Liên Xô tan rã. Theo tạp chí Forbes, tài sản hiện nay của Rybolovlev lên đến hơn 8 tỉ USD và ông đang sở hữu một hòn đảo ở Hy Lạp cùng nhiều bất động sản ở khắp thế giới, trong đó có một dinh thựở Florida mà tỉ phú Donald Trump từng là chủ nhân. Chưa hết, Rybolovlev còn mua cả câu lạc bộ bóng đá Monaco! Có quá nhiều tiền, tỉ phú Nga bắt đầu chơi tranh. Qua mối lái của ông Bouvier, ông đã mua tác phẩm của El Greco, van Gogh, Matisse và nhiều bậc thầy hội họa khác từ cổ điển tới hiện đại, với tổng chi tiêu cho lĩnh vực này lên đến gần 2 tỉ USD. Còn ông Bouvier được giới mua bán tranh quốc tế biết đến như “ông vua của freeport”, người điều hành ba trong số các freeport quan trọng chuyên giúp các nhà sưu tập giàu có lưu giữ, bảo quản các tác phẩm mỹ thuật quý giá mà không bị đánh thuế. Công ty của ông Bouvier làm dịch vụ vận chuyển các tác phẩm quý giá đã được mua, đưa chúng đến nơi lưu giữ là ba nhà kho được quản lý bằng công nghệ hiện đại nhất tại Thụy Sĩ, Luxembourg và Singapore để khi có cơ hội thuận tiện chúng sẽ được đưa đến nơi trưng bày an toàn hoặc sẽ được mua bán tiếp. Với công việc của mình, ông Bouvier tham gia vào hoạt động mua bán tác phẩm mỹ thuật toàn cầu, trở thành trung gian cho các thương vụ với các khách hàng giàu có nhưng thiếu kinh nghiệm như tỉ phú Rybolovlev. Cả hai, theo lời ông Rybolovlev, đã từng rất thân thiết, từng cùng nhau nghỉ dưỡng trên hòn đảo ở Hy Lạp hay đến xem những trận đấu của câu lạc bộ Monaco và tỉ phú Nga khi ấy đã “hoàn toàn tin tưởng” doanh nhân Thụy Sĩ.
Câu chuyện ly kỳ có thể dựng thành phim
Nay khi bị tố cáo lừa đảo và bán tranh ăn cắp, ông Bouvier không vì thế mà tỏ ra nao núng. Trong một cuộc phỏng vấn tại Geneva, khi được hỏi về vụ kiện tụng, thương nhân Thụy Sĩ nói: “Đó là cách (hoạt động) của thị trường nghệ thuật” và “đó là cách săn thông tin” mà ai đã sưu tầm tranh đều phải trả chi phí. Mặt khác ông ta phản pháo, cho rằng chưa bao giờ thân thiết với tỉ phú Nga: “Tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông ta quá hai phút” và chỉ nói chuyện với ông Rybolovlev thông qua một người phiên dịch bởi tỉ phú Nga chỉ biết chút ít tiếng Anh, tiếng Pháp.
Trong vụ kiện mà ông Rybolovlev là nguyên đơn, vào tháng 1-2015 ông Bouvier đã bị nhà chức trách Monaco bắt giữ nhưng sau đó được tại ngoại nhờ đóng tiền bảo lãnh và vẫn bị điều tra tiếp. Song ở Singapore, nơi ông Bouvier đang cư trú, tòa án đã không đóng băng tài sản trị giá 1 tỉ USD của ông theo yêu cầu của tỉ phú Nga. Còn với hai bức tranh Picasso bị tố cáo đánh cắp, theo lời bà Catherine Hutin-Blay khi trả lời các điều tra viên người Pháp hồi đầu năm nay thì bà đã sử dụng dịch vụ lưu giữ tranh ở ngoại vi Paris từ một đối tác kinh doanh với ông Bouvier. Không ngờ vài năm sau, một chuyên viên phục chế tranh làm việc cho freeport của ông Bouvier ở Thụy Sĩ cho bà hay rằng hai bức tranh ấy đã được đưa từ Pháp sang Geneva để phục chế và sau đó bán cho ông Rybolovlev. Tháng 3-2015, bà nhờ luật pháp can thiệp để đòi lại hai bức tranh. Nhưng ông Bouvier lại cho rằng ông đã mua hai tác phẩm ấy với giá 8 triệu USD vào năm 2010 từ Quỹ Nobilo với chứng từ hẳn hoi: “Tôi không điên tới mức bán tranh ăn cắp cho một người đã mua tới 2 tỉ USD tiền tranh từ chính tôi. Ông ta là một khách hàng lớn và tôi không ngu dại”. Vụ điều tra vẫn được nhà chức trách Pháp tiến hành nhưng trước mắt, theo lệnh của tòa án, doanh nhân Thụy Sĩ bị buộc phải ký quỹ 30 triệu USD, là giá bán hai bức chân dung của Picasso cho tỉ phú Nga.
Chung quanh vụ việc này, ông Larry Gagosian – một nhà mua buôn tranh nổi tiếng và là chủ nhân của hệ thống 14 gallery mang tên ông tại New York, London, Paris, Beverly Hills, Rome, Athens, Geneva và Hongkong đã bày tỏ sự hoài nghi về hoạt động của ông Bouvier với vai trò vừa buôn bán vừa lưu giữ tác phẩm mỹ thuật: “Có sự xung đột khủng khiếp về mặt lợi ích (giữa hai hoạt động) và không bao giờ nên lưu giữ tranh lâu dài trong các nhà kho của một người buôn tranh”. Còn bà Karen Boyer, một nhà tư vấn nghệ thuật ở New York bình luận: “Sẽ có một bộ phim được thực hiện từ vụ việc này”.
- Lê Bản