Khoảng 50 năm trước, một giáo sư kinh tế của Đại học Yale danh tiếng đã không ngần ngại chấm điểm C cho bài luận “không tưởng” về dịch vụ vận chuyển bưu kiện trong 24 giờ (điểm cao nhất của thang điểm này là A, thấp nhất là F).
Vậy mà tác giả của bài luận đó vẫn tin tưởng tuyệt đối vào tính khả thi của mô hình kinh doanh này. Cậu sinh viên đó chính là Frederick Smith – nhà sáng lập và CEO của công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới FedEx.
Hiện thực hóa giấc mơ trên ghế nhà trường
Năm 1965, khi còn theo học tại Đại học Yale, Frederick Smith viết một bài tiểu luận theo kiểu ý tưởng kinh doanh về một công ty đảm bảo vận chuyển xuyên đêm những gói hàng nhỏ nhưng nghiêm ngặt về mặt thời gian giao hàng, ví dụ như linh kiện thay thế hay đồ dùng y tế, trên khắp nước Mỹ.
Trái với kỳ vọng của chàng trai trẻ, vị giáo sư không hề cảm thấy ấn tượng với ý tưởng này và cho điểm C. Vào thời điểm đó, hệ thống vận chuyển nhanh chưa phát triển ở Mỹ.
Sau khi gia nhập quân đội và tham chiến ở Việt Nam, năm 1970, Smith trở về Mỹ và quyết định hiện thực hóa ý tưởng khi nhận ra nhu cầu chuyển phát nhanh ngày càng cao trong khi hệ thống bưu chính ở Mỹ không thể đáp ứng nổi.
Nhớ lại khoảng thời gian này, ông đã chia sẻ trong một buổi phỏng vấn: “Tôi phát bệnh với những điều bị lãng phí chỉ vì sự sắp xếp hỗn độn, và quyết định phải bắt tay vào xây dựng một hệ thống trật tự hơn”.
Mặc dù dự án của Smith hứa hẹn sẽ tiết kiệm được 3 triệu USD mỗi ngày cho hệ thống ngân hàng ở Mỹ, rất nhiều quỹ đầu tư vẫn cảm thấy kế hoạch đó là không khả thi.
Vấn đề là mô hình kinh doanh này không thể xây dựng từ từ, từng bước một mà ngay từ đầu phải cần rất nhiều tiền để thuê máy bay, xe cộ và bảo hiểm để xây dựng một hệ thống vận chuyển nhanh đồ sộ trên toàn nước Mỹ và đảm bảo hàng hóa được đưa đến nơi trong vòng 24 giờ – điều mà chưa có một công ty vận chuyển nào dám cam kết trước đó.
Không nhận được lời chấp thuận rót vốn từ Cục Dự trữ Liên bang, Smith quyết định chi tiền vào chiến dịch quảng bá nhằm thuyết phục bất cứ ai quan tâm đến việc đầu tư vào mô hình kinh doanh mạo hiểm của mình.
Smith cũng nhận ra rằng các gói hàng không cần thiết phải vận chuyển trực tiếp từ nơi giao hàng đến nơi gởi hàng, miễn là chúng được giao trong vòng 24 giờ.
Cụ thể, thông qua một trung tâm có nhiệm vụ nhận tất cả các gói hàng từ mọi miền đất nước để chọn lọc và phân loại, sau đó cho chúng lên phương tiện vận chuyển để đưa đến đúng nơi quy định, công ty có thể giảm đáng kể số tuyến đường phải khai thác.
Cuối cùng, vào ngày 18-6-1971, Công ty Federal Express, gọi tắt là FedEx ra đời với 4 triệu USD tiền thừa kế của chính Smith cùng với 90 triệu USD từ những nhà đầu tư khác.
“Tôi không cần hét ra lửa ra lệnh cho nhân viên”
Frederick Smith đã tuyên bố như thế. Thật vậy, một trong những thành công nổi bật nhất của ông chính là xây dựng được một môi trường doanh nghiệp mà ở đó các nhân viên luôn tin tưởng mình là một phần của công việc và luôn hết mình vì công ty.
Nguyên tắc vàng của Smith bao gồm ba thành tố: con người, dịch vụ, lợi nhuận (P-S-P: people, service, profit) gắn kết thành hình vòng tròn để hỗ trợ lẫn nhau.
Smith trả lương cho nhân viên rất cao, chia sẻ lợi nhuận, không tinh giảm nhân công và nhân viên hoàn toàn có quyền đề đạt ý kiến lên giám đốc, thậm chí còn áp dụng mức lương thưởng lên đến 250.000 USD cho những nhân viên có sáng kiến giúp tăng năng suất lao động.
Ngay cả ở những thời điểm khó khăn nhất của công ty, Smith luôn bảo đảm ít nhất là các nhân viên được cung cấp bảo hiểm y tế và dù trong bất cứ tình huống nào, ông cũng không để các nhân viên lo lắng về mặt tài chính. Smith hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề nhân sự trong mô hình kinh doanh của mình.
Quả đúng như vậy. Trong năm 1997, FedEx có cơ hội chứng tỏ thực lực của mình đối với “đối thủ truyền kiếp” UPS – công ty chuyển phát nhanh được mệnh danh là “người khổng lồ màu nâu”.
Đó là vụ đình công tại UPS và ngay sau đó, các văn phòng của FedEx đã phải nhận thêm khoảng 800.000 kiện hàng mỗi ngày. Nhưng hàng ngàn nhân viên FedEx, những người đã làm việc cả ngày, tình nguyện làm thêm vào trước nửa đêm để chọn lọc và phân phối các kiện hàng.
Chính Smith đã cảm ơn những nhân viên của mình bằng bài phát biểu dài cả trang đăng trên các báo lớn toàn quốc kèm theo phần thưởng bằng tiền mặt cho các nỗ lực này.
Cuộc đình công chấm dứt, nhưng nhiều khách hàng của UPS không quay về công ty cũ và FedEx tăng thị phần của mình lên thành 45%.
Thách thức vẫn còn phía trước
Ở tuổi 70, sau hơn 40 năm điều hành FedEx, Frederick Smith vẫn không ngừng nói về sự tìm tòi những hướng đi mới cho tập đoàn.
“Đào tạo và quản lý là hai trong số những vấn đề quan trọng nhất khi doanh nghiệp của bạn ngày càng lớn mạnh. Nhân sự buộc phải thay đổi và trang bị những kỹ năng mới”, Smith chia sẻ.
Tỉ phú Smith, người hiện sở hữu khối tài sản 4,5 tỉ USD, tin rằng sự công bằng là mấu chốt giữ chân nhân sự.
Bước sang thế kỷ mới, ngành vận chuyển nhanh đang đứng trước thách thức mới. Sự bùng nổ công nghệ thông tin là đòn bẩy cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ của FedEx, điển hình như ứng dụng của internet cho phép người dùng có thể theo dõi lịch trình của kiện hàng.
Tuy vậy, sự phát triển của các dịch vụ tin nhắn miễn phí trên mạng đang đe dọa đến sự phát triển của ngành vận chuyển trong khi FedEx và các công ty vận chuyển khác vẫn chưa tìm ra cách giải quyết.
Thêm nữa, đối thủ của FedEx, cụ thể là UPS hay DHL, đang tỏ ra nhanh nhạy không kém trong việc chen chân vào thị trường này.
Năm 1999, FedEx giữ vị trí hãng vận chuyển xuyên đêm số một thế giới, giao hơn 3 triệu bưu phẩm tới gần 210 quốc gia mỗi ngày.
Theo thống kê năm 2012, FedEx đạt doanh số 42,7 tỉ USD, vận hành trên 220 quốc gia với 300.000 nhân viên. Số lượng máy bay được trang bị là 697 chiếc, bên cạnh 80.000 phương tiện vận tải khác.
Đến thời điểm này, cuộc chiến giữa các hãng vận chuyển nhanh để giành giật thị phần cũng như để cạnh tranh với các dịch vụ thay thế khác vẫn đang rất gay go. Vẫn chưa đến lúc để kết luận ai mới là kẻ dẫn đầu.
Chúng ta vẫn còn phải chờ xem kết quả của những bước đi sắp tới, nhưng chắc chắn những nhà quan sát sẽ không cho Smith điểm C quá sớm.