Bệnh nhân mắc bệnh nan y giai đoạn cuối như ung thư, HIV/AIDS, suy tim… không chỉ bị những cơn đau hành hạ về thể xác mà còn những đau khổ về tinh thần. Họ rất cần những bác sĩ có chuyên môn trò chuyện, giúp vượt qua những nỗi đau dễ dàng hơn. Lĩnh vực điều trị, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng này tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng rất được Bộ Y tế chú trọng.
Đặc biệt cần thiết cho bệnh nhân ung thư và HIV
Chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng là cách phối hợp nhiều biện pháp y tế nhằm giảm bớt sự đau đớn, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chương trình này có thể áp dụng rộng rãi cho những người bị mắc bệnh mãn tính như ung thư, HIV, suy tim, suy thận, tiểu đường, lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, Alzheimer, Parkinson… từ lúc bệnh được chẩn đoán đến khi người bệnh qua đời. Chăm sóc giảm nhẹ giúp làm dịu sự đau đớn, giảm cảm giác mệt mỏi do nôn ói, tiêu chảy, chán ăn, suy kiệt, táo bón…, làm nhẹ những triệu chứng về tâm lý như trầm cảm, lo lắng, cảm giác đau khổ về mặt xã hội cô đơn, không người chăm sóc hay cảm giác hoài nghi, sợ hãi…
Trong các bệnh mãn tính thì ung thư và người nhiễm HIV/AIDS là hai bệnh có triệu chứng đau nghiêm trọng nhất, đặc biệt là trên những người bệnh ở giai đoạn cuối. Đau là yếu tố làm cho bệnh nhân khổ sở nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng cuộc sống, cần được phát hiện, đánh giá đúng mức và điều trị phù hợp. Tuy nhiên các biện pháp xử lý cơn đau còn rất hạn chế. Nhân viên y tế hầu như rất ít có cơ hội tiếp cận với các thuốc cần thiết dùng trong chăm sóc giảm nhẹ để xử trí đau và các triệu chứng khác. Những đau đớn về tinh thần cũng vô cùng nghiêm trọng trên các bệnh nhân ung thư và AIDS nhưng bệnh nhân thường phải tự chịu đựng chứ hiếm khi được chia sẻ cùng ai. Vì vậy, tư vấn và hỗ trợ về mặt thể chất lẫn tinh thần là rất cần thiết ở những trung tâm điều trị cho bệnh nhân ung thư và HIV/AIDS.
Đối với những bệnh nhân giai đoạn nặng thì chăm sóc giảm nhẹ là những buổi trò chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ từ những câu chuyện đời thường, gần gũi đến tạo sự đồng cảm, chia sẻ nỗi đau bệnh tật cho họ. Qua đó, tuy bệnh không điều trị khỏi nhưng người bệnh dường như được giải tỏa tâm lý ức chế, trầm cảm mà cảm giác đau đớn, vật vã, khó thở vì bệnh tật giày vò cũng dễ dàng vượt qua hơn. Ngoài ra, bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ còn thực hiện việc tư vấn, trấn an tinh thần cho thân nhân rồi tế nhị đưa ra những tình huống xấu nhất để họ chấp nhận sự thật, dặn dò họ cách chăm sóc người bệnh, chỉ dẫn số điện thoại nóng của bệnh viện để gọi khi xảy ra bất trắc…
Chương trình chăm sóc sức khỏe mang ý nghĩa nhân văn
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (thuộc Bộ Y tế), đánh giá chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng là một chương trình mang đậm tính nhân văn, đặc biệt là chương trình này luôn chú trọng về mặt tinh thần, giúp người bệnh thấy nhẹ nhàng, không có cảm giác bị bỏ rơi. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đối với những người mắc những bệnh đe dọa cuộc sống thì cần phải áp dụng những nguyên tắc về chăm sóc giảm nhẹ ngay từ khi chẩn đoán bệnh cho đến cuối đời, đồng thời hỗ trợ người nhà sau khi người bệnh qua đời. Ngoài Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Bộ Y tế đang đẩy mạnh triển khai chương trình này trên toàn quốc nhằm góp phần giảm tải cho các bệnh viện.
Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ không phải kéo dài cuộc sống bệnh nhân mà chỉ là cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, để người bệnh chấp nhận dễ dàng sự thật, không phó mặc cuộc sống mà luôn tìm kiếm ý nghĩa của những ngày sống cuối đời trong sự nhẹ nhàng về thể xác lẫn tinh thần. Vì vậy, quy tụ các bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành như ung thư, hồi sức, tim mạch, lão khoa, y học gia đình, y học cổ truyền và cả những chuyên viên tâm lý hay công tác xã hội. Đội ngũ này tiếp cận chăm sóc bệnh nhân toàn diện, không chỉ thể chất mà còn tinh thần, thậm chí kết hợp cả yếu tố tâm linh nếu bệnh nhân có nhu cầu.
Những nguyên tắc quốc tế về chăm sóc giảm nhẹ được ứng dụng ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, bao gồm:
– Cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho tất cả những người mắc bệnh đe dọa đến tính mạng (đặc biệt là người bị nhiễm HIV và ung thư).
– Giúp cho người bệnh thoát khỏi cơn đau và các triệu chứng khó chịu khác.
– Tăng cường tuân thủ điều trị và làm giảm các tác dụng phụ của thuốc.
– Khẳng định chất lượng cuộc sống, coi cái chết là một quá trình tất yếu chứ không phải là nỗi ám ảnh.
– Không cố gắng làm thúc đẩy hoặc trì hoãn cái chết của người bệnh.
– Quan tâm và lồng ghép chăm sóc các vấn đề về tâm lý xã hội và tinh thần cho người bệnh.
– Cố gắng giúp người bệnh có một cuộc sống tích cực, độc lập một cách tối đa cho đến khi cuối đời, nâng cao tính tự chủ cũng như các kỹ năng và kiến thức tự chăm sóc của người bệnh và gia đình.
– Hỗ trợ giúp gia đình người bệnh giải quyết với những khó khăn, kể cả khi người bệnh đã qua đời.
– Lấy người bệnh là trung tâm, làm việc theo nhóm chăm sóc đa thành phần, bao gồm cả người có chuyên môn và không chuyên nhằm giải quyết toàn diện các nhu cầu về thể chất, tâm lý xã hội của người bệnh và gia đình họ kể cả sau khi bệnh nhân qua đời.
– Nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tác động tích cực tới quá trình diễn biến bệnh.
– Cung cấp cho người bệnh sớm được tiếp cận với các phương pháp điều trị đặc hiệu khác (như hóa xạ trị liệu) nhằm kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Động viên, hỗ trợ về tinh thần cho người bệnh giúp họ hiểu tốt hơn về các diễn biến bệnh, các biến chứng và tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
Một số nơi có khoa chăm sóc giảm nhẹ
1. Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 3 Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh. ĐT: (08) 38418469
2. Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5. ĐT: (08)3855 4269
- BS Nguyễn Anh Tuấn