Thời gian qua, không chỉ nước ta mà cả thị trường chứng khoán toàn cầu phải đối mặt với khó khăn. Chỉ số của nhiều thị trường chứng khoán lớn tại Mỹ, Nhật, châu Âu đều đi xuống. Sau giai đoạn lao dốc mạnh, thị trường bước vào vùng “giảm xóc”, với những phiên giao dịch trầm lắng để chờ đợi thông tin mới. Chưa có thông tin nào thực sự đáng chú ý, để buộc thị trường phải thay đổi, bất kể theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Trong giai đoạn chờ đợi này, đà tăng hay giảm của hai chỉ số không phản ánh được xu thế, vì không dựa trên một cơ sở vững chắc. Tuần từ 7 đến 11-9 đã trôi qua như vậy. VN-Index tăng 1,78%, lên 566,74 điểm, còn HNX-Index cũng tăng 1,59%, lên 77,53 điểm, nhưng thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục đi xuống, chứng tỏ có một bộ phận dòng tiền đang đứng ngoài quan sát. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tuần qua trên sàn HSX giảm thêm 9% so với tuần trước. Trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh trung bình còn giảm mạnh hơn (17%).
Việc quỹ FTSE công bố kết quả cơ cấu danh mục quý III-2015, thêm vào BID, PDR, TTF là tác nhân tốt cho thị trường. Giá cổ phiếu BID được đẩy lên và lan tỏa sang các cổ phiếu dòng ngân hàng. Cũng có lúc, dòng tiền đổ nhiều vào các cổ phiếu dẫn dắt và đầu cơ, giúp thị trường tăng điểm khá trong một quãng ngắn. Tuy nhiên, khi VN-Index tiến đến mức kháng cự mạnh 575 điểm thì thị trường hạ nhiệt. Những cổ phiếu có vài phiên tăng điểm nhanh chóng chịu áp lực chốt lời, giảm giá mạnh sau đó. Thậm chí, có lúc lực bán tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt, khiến các chỉ số sụt giảm nhanh.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng trong tuần qua với lực mua chủ yếu nhắm vào các cổ phiếu ngân hàng. Tính ra trong tuần, khối ngoại mua ròng gần 160 tỉ đồng trên cả hai sàn. Dù sao, động thái này của khối ngoại cũng là một tín hiệu tích cực, giúp cho giới đầu tư trong nước không quá bi quan. Trong bối cảnh dòng vốn ngoại tại các thị trường phát triển còn bị rút ra để chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn, các thị trường mới nổi như nước ta không thể trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của dòng tiền này.
Những ngày giữa tháng 9, thế giới tài chính thận trọng chờ đợi quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong kỳ họp 17-9 để đưa ra những phản ứng phù hợp. Dù đã đủ điều kiện để FED tăng lãi suất cơ bản đồng USD, nhưng nhiều chuyên gia dự đoán trong bối cảnh hiện nay, FED phải cân nhắc kỹ để đảm bảo sựổn định hơn của kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán thế giới. Nhưng dù cho quyết định là thế nào, giữ nguyên hay tăng lãi suất cơ bản của đồng USD, thì tác động của nó đến thị trường nước ta cũng sẽ không lớn. Sau một giai đoạn “cuốn theo cơn lốc từ bên ngoài”, đây là thời kỳ mà thị trường sẽ điều chỉnh theo tín hiệu từ trong nước. Nhiều cổ phiếu – đặc biệt là cổ phiếu thuộc dòng ngân hàng và dầu khí – đã có mức giá hợp lý, thậm chí nhiều trường hợp rơi vào vùng khá thấp. Tất nhiên, đó chỉ là giá so với thời điểm “đỉnh” đạt được từ tháng 7. Còn nếu chiếu theo giá hiện tại (tăng hơn 30% so với đầu năm), các cổ phiếu ngân hàng cũng không quá hấp dẫn, khả năng tăng mạnh (trừ BID với tác động tích cực từ việc mua vào của các quỹ ETF) là khá thấp. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn chưa có dấu hiệu cho nhịp tăng mới. Trước đó, nhóm cổ phiếu này đã giảm sâu theo giá dầu thế giới và rủi ro ngắn hạn vẫn còn do biến động của giá dầu thế giới là rất khó lường. Nếu xét về hiệu quả kinh doanh, nhóm cổ phiếu dầu khí được đánh giá là tích cực, bởi ngay cả những năm mà giá dầu tạo đáy, những doanh nghiệp dầu khí vẫn làm ăn có lãi và mức cổ tức trên thị giá khá hấp dẫn. Bởi vậy, dưới góc nhìn dài hạn, đây vẫn là nhóm cổ phiếu có thể đầu tư và những sóng hồi phục có thể đến cùng nhịp với diễn tiến tăng của giá dầu thế giới.
Phiên giao dịch khởi đầu tuần mới (14-9), mức độ thu hẹp của thị trường càng trở nên rõ ràng. Người mua và người bán đều không mấy mặn mà, trong bối cảnh sắc đỏ chiếm ưu thế. Trong những cổ phiếu chịu sựảnh hưởng của lần đảo danh mục của hai quỹ ETF, chỉ có BID và NT2 giữ được sự hứng khởi khi tiếp tục có một phiên tăng trần. Với 158 mã giảm điểm trong khi chỉ 64 mã tăng giá, VN-Index giảm 4,57 điểm, lui về 562,17 điểm. Thanh khoản chỉ đạt 1.403,791 tỉ đồng. Có thể nói, tìm kiếm động lực đầu tư chính là điểm nhấn của giai đoạn hiện nay. Nhà đầu tư nào kiên trì tìm kiếm và tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu xa sẽ nhìn ra cơ hội từ thị trường. Triển vọng trong dài hạn của thị trường chứng khoán vẫn còn, bởi thị trường sẽ vận hành theo xu hướng đi lên, cùng với sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.
Thành Huân (DNSGCT)