Theo Reuters, ngày 18-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ấn định tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức 6,3306 NDT/USD trước khi thị trường mở cửa giao dịch, thấp hơn so với mức tỷ giá đóng cửa 6,2298 NDT/USD vào ngày thứ Ba 17-8 và là mức thấp nhất kể từ tháng 10-2012. Hành động này gây ra một phản ứng đồng loạt ở khu vực các nước Đông Á. Ngay lập tức, đồng ringgit của Malaysia chạm đáy mới trong tám năm, đôla Singapore, đồng Tân Đài tệ của Đài Loan và đồng peso của Philippines cũng rơi xuống mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây, còn đồng rupiah của Indonesia tụt sâu nhất so với các đồng tiền châu Á khác, rớt xuống mức thấp kỷ lục trong vòng tám năm. Tình hình này khiến nhiều người tin rằng một cuộc khủng hoảng hay thậm chí một cuộc chiến tiền tệ đang nổ ra và có nguy cơ lan rộng. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động phá giá của Trung Quốc sẽ tạo ra một cơ hội lạ lùng chưa từng có về mặt tiền tệ – giống như một tiếng hét hay một cú đập gậy trong Thiền môn – vô hình trung giúp cho giới lãnh đạo tiền tệ các nước châu Á đột nhiên thức tỉnh, từ bỏ não trạng tâm lý duy trì một tỷ giá cao cho đồng nội tệ để “giác ngộ” sâu sắc về một chủ nghĩa tiền tệ thực dụng kiểu Trung Quốc nhằm mục tiêu thống lĩnh thị trường thế giới. Mitul Kotecha, trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Barclays nhận xét: “Cách thức ấn định tỷ giá đồng nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã gây thêm nhiều bất ổn cho thị trường tiền tệ châu Á. Người ta đặt câu hỏi, liệu họ có thực sự muốn điều chỉnh tỷ giá theo tín hiệu thị trường hay không?”. Điều hiển nhiên là một đồng nhân dân tệ được cố tình làm suy yếu đã tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa các nước châu Á khác, khiến cho các quốc gia trong khu vực không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc phá giá đồng nội tệ của họ như là một biện pháp phòng vệ cần thiết, đặc biệt với thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp nâng lãi suất cơ bản đồng USD lần đầu tiên sau gần một thập niên giữở mức thấp.
Trong bối cảnh đó, sáng 19-8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải quyết định điều chỉnh giảm tỷ giá bình quân liên ngân hàng của đồng bạc thêm 1%, đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Trước đó, ngày 12-8, Ngân hàng Nhà nước đã nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%. Như vậy, trong thời gian tám tháng của năm 2015, đồng bạc Việt Nam đã giảm giá thực tế từ mức 21.246 đồng lên 22.450 đồng/ USD (-5,6%).
Quyết định của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm tỷ giá của đồng bạc Việt Nam vào thời điểm hiện nay được đánh giá là hợp lý và cần thiết. Hãng tin Bloomberg nhận xét đây là một bước đi nhanh chóng và tích cực nhằm phản ứng việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á đều giảm giá đồng tiền của họ, đồng thời đón đầu khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD vào tháng 9 năm nay. Báo cáo của ANZ lưu ý “tiền đồng của Việt Nam nằm trong số những đồng tiền vững giá hơn trong bối cảnh đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á liên tục giảm giá trong những tháng gần đây”, trong khi hãng tin Reuters cảnh báo rằng “Đồng nhân dân tệ yếu đã làm dấy lên những lo ngại về việc hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, gây thêm áp lực đối với cán cân thương mại”.
Mặc dù việc điều chỉnh giảm giá đồng bạc rất cần thiết và nhiều chuyên gia còn cho rằng đó là việc chẳng đặng đừng, quyết định này vẫn gặp phải những phản ứng khó chịu thường thấy. Người ta lo rằng các khoản nợ gốc và lãi ngoại tệ của Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước quy ra tiền đồng Việt Nam sẽ tăng lên, một khoản nợ ngoại tệ 10 tỉ USD quy ra tiền đồng trả vào cuối năm 2015 sẽ cao hơn đầu năm một số tiền không nhỏ là 12 ngàn tỉ đồng, hơn 500 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, không nên lo lắng quá vì nợ ngoại tệ của Việt Nam bằng euro và yen chiếm tỷ trọng khá cao và các đồng tiền này cũng đang giảm giá. Ngoài ra, nỗi lo đồng bạc giảm giá sẽ đẩy lãi suất vay vốn bằng ngoại tệ của Việt Nam lên cao là có cơ sở. Theo thông tin của Bloomberg, lãi suất trái phiếu USD của Việt Nam đáo hạn năm 2020 tăng 6 điểm cơ bản trong tuần này, lên mức 4,15%. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có hàm lượng nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ lệ cao cũng e ngại chịu áp lực tăng giá thành sản xuất, nhưng trên thực tế với việc giá dầu thô tụt giảm đến mức 40 USD/thùng và tình hình giảm giá đồng loạt các đồng tiền tại những quốc gia bán hàng cho Việt Nam, nguy cơ này là rất thấp. Về phía nhà xuất khẩu, một sự giảm giá 5% đồng Việt Nam vào thời điểm hiện tại có vẻ như chưa đủ liều lượng. Trước áp lực cạnh tranh ngày càng đè nặng trên vai họ khi đồng tiền của nhiều nước đối thủ cạnh tranh xuất khẩu đồng loạt giảm giá sâu (tính từ đầu năm, đồng ringgit của Malaysia đã mất giá 15%, đồng rupiah của Indonesia mất giá 14,7%), hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị dội chợ nếu tỷ giá đồng Việt Nam không giảm thêm. Trong vòng 12 tháng qua, đồng USD tăng giá bình quân đến 15% so với các ngoại tệ mạnh khác trong khi đồng Việt Nam chỉ mới giảm giá 5% so với đồng USD. Hậu quả là đồng Việt Nam đã “bị” nâng giá 10% một cách giả tạo so với các đồng tiền khác khiến cho giá hàng xuất khẩu của Việt Nam bỗng nhiên đắt hơn so với nhiều nước. Nguy cơ này càng rõ rệt hơn từ những nước cạnh tranh xuất khẩu trực tiếp với Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, gây tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (Mỹ và EU). Quả vậy, trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam thâm hụt thương mại 3,53 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi so với mức thặng dư 1,59 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 9%, thấp hơn mục tiêu 10% do Chính phủ đề ra. Trong khi đó, nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc đã lên đến con số kỷ lục là 19,3 tỉ USD chỉ trong sáu tháng đầu năm 2015 và Tổng cục Hải quan Việt Nam dự báo mức nhập siêu này vào cuối năm có thể lên đến con số khó tưởng tượng là 35 tỉ USD, mức cao nhất chưa từng có từ trước đến nay.
Đánh giá về động thái điều chỉnh tỷ giá ngày 19-8 của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không còn “bò trườn” với tỷ giá mà đã phản ứng nhanh, chuẩn xác và thông minh. Tuy nhiên động thái điều chỉnh giảm 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và tăng biên độ +/-3% của đồng Việt Nam so với đồng USD có vẻ hướng đến những mục tiêu ngắn hạn từ nay đến đầu năm 2016 mà chưa mang tầm chiến lược, với mong muốn là sẽ không phải giảm giá lần nữa kể cả khi FED có tăng lãi suất đồng USD vào tháng 9 tới (nguồn tin mới nhất cho hay động thái này của FED có thể không xảy ra do không muốn làm ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ). Mục tiêu ổn định tỷ giá được khẳng định qua việc Ngân hàng Nhà nước cam kết sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Cần thấy rằng thời điểm hiện nay chính là một cơ hội hiếm hoi để chúng ta mạnh dạn thực hiện những thay đổi cơ bản trong chính sách tỷ giá. Chính sách tỷ giá là công cụ của chiến lược phát triển kinh tế đất nước, một chiến lược dài hạn. Duy trì một tỷ giá đồng bạc cao, điều chúng ta đã làm từ trước đến nay, là phù hợp với chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, một chiến lược hướng vào thị trường nội địa, dựa vào việc thiết lập hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhằm ngăn cản sự xâm lấn của hàng hóa nước ngoài, thực hiện tốn kém các chính sách bảo hộ công nghiệp và những chính sách ưu đãi khác, với hậu quả là lãng phí việc sung dụng các nguồn lực quốc gia, hiệu quả và năng suất lao động sụt giảm, năng lực cạnh tranh quốc gia suy yếu. Chiến lược đó không còn phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu mà Việt Nam đang tích cực tham gia. Chúng ta là một thành viên năng động của AFTA, đang kết thúc lộ trình quá độ để trở thành một thành viên đầy đủ của WTO và đang sẵn sàng tham gia TPP. Một chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp cho nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng của nước ta phải là chiến lược phát triển qua con đường xuất khẩu. Để thành công trong chiến lược đó, chúng ta phải có những chọn lựa ưu tiên. Giữa nhập khẩu và xuất khẩu, chúng ta phải đứng về phía xuất khẩu. Giữa vay nợ để phát triển và đầu tư để phát triển chúng ta phải đứng về phía đầu tư. Bên cạnh nhiều chính sách kinh tế vĩ mô đồng bộ khác, việc duy trì một tỷ giá đồng Việt Nam thấp trong một thời gian dài là điều tối cần thiết để khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài, hỗ trợ cho chiến lược phát triển kinh tế thông qua xuất khẩu, giúp tăng năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam để trụ vững trên thị trường nội địa và đưa hàng hóa sản xuất từ Việt Nam chinh phục thị trường thế giới.
Huỳnh Bửu Sơn (DNSGCT)