Ngay từ khi ra đời, chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự ủng hộ của người dân, nhất là khi có quá nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất hiện trong nước. Nhưng thành công này chỉ đạt được ở ngành hàng tiêu dùng, còn ngành sản xuất thiết bị công nghiệp nội địa vẫn chịu áp lực cạnh tranh lớn trên sân nhà. Chính vì vậy, thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20-4-2010 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước nhằm vận động thực hiện chủ trương dùng hàng Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp.
Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá kết quả năm năm thực hiện cuộc vận động trên.
Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong thực hiện
Để triển khai thực hiện chỉ thị, các Bộ, ban ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Bộ Công thương xây dựng và công bố danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu trong nước sản xuất được vào năm 2010 gồm 35 sản phẩm, nhóm sản phẩm là máy móc, thiết bị và 60 sản phẩm là vật tư nguyên liệu. Danh sách này vẫn đang tiếp tục cập nhật bổ sung và con số hiện nay là 215.
Cuộc vận động này đã được các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp hưởng ứng, bước đầu có được một số kết quả đáng ghi nhận. Trước đây công tác bọc ống và sản xuất ống thép cho các dự án đường ống dẫn khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam đều phải thuê nước ngoài thực hiện thì nay đã chủ động được hoàn toàn 100% việc bọc ống thép và cung cấp một phần ống thép. Đơn vị thực hiện việc này là Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí Việt Nam. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong công tác đấu thầu, trừ trường hợp do yêu cầu của nguồn vốn, nếu năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu trong nước đáp ứng được, các dự án của EVN luôn ưu tiên sử dụng các vật tư, thiết bị trong nước sản xuất. Nhiều nhất là khối các đơn vị phân phối điện, khối các công ty cổ phần cơ điện… Với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, do đặc thù của ngành sản xuất hóa chất nên phần lớn các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất chính đều phải nhập khẩu. Khả năng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng cho phần phụ trợ của dây chuyền công nghệ, phần thiết bị điện hoặc một số phụ tùng thay thế có giá trị không lớn. Hầu hết các gói thầu EPC (Hợp đồng thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị, xây lắp) của các dự án đầu tư thuộc ngành sản xuất hóa chất đều do nhà thầu nước ngoài thực hiện, giá trị các gói thầu tập trung chủ yếu ở phần thiết bị công nghệ trong nước chưa sản xuất được. Vì vậy, giá trị máy móc, thiết bị, vật tư trong nước sản xuất được sử dụng trong các dự án đầu tư là không đáng kể.
Những kết quả đạt được và hạn chế
Nhìn chung trong công tác đấu thầu, phần lớn các gói thầu xây lắp thuộc các dự án đều sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước. Sau năm năm thực hiện chỉ thị, việc tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu trong nước sản xuất có những chuyển biến khả quan, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, phát triển sản xuất trong nước, góp phần giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích quốc gia của việc sử dụng hàng hóa trong nước, đồng thời thay đổi nhận thức của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp về máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, đặc biệt trong các đơn vị sử dụng vốn nhà nước. Các doanh nghiệp có động lực để tích cực triển khai các hoạt động tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để cung cấp các sản phẩm máy móc, thiết bị đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực mua sắm hàng hóa, do tính chất đặc thù của một số ngành nên một số loại hàng hóa trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu từ nước ngoài. Bởi vậy, dù việc sử dụng nguyên liệu, thiết bị trong nước thời gian qua có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa được như mong muốn do sản phẩm, hàng hóa chưa đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng chưa ổn định, không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả chưa cạnh tranh…
Điểm lại những khó khăn, vướng mắc khiến chủ trương khuyến khích dùng hàng nội địa bị hạn chế được doanh nghiệp phản ánh đầu tiên là vấn đề cơ chế, chính sách. Hầu như chưa có hàng rào kỹ thuật (nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ sức khỏe người sử dụng, tiêu chuẩn tiêu hao năng lượng…) đối với hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm cơ khí. Chưa có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được, trong khi đó cần thiết phải có chính sách và biện pháp thúc đẩy ngành cơ khí phát triển để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án đầu tư. Cũng chưa có chính sách hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bán bản quyền thiết kế, nhất là trong đầu tư các phần mềm thiết kế chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất các ngành thủy điện, xi măng, hóa chất, dầu khí, khai khoáng…
Về triển khai thực hiện cũng có những bất cập, ông Võ Thanh Tuấn – Giám đốc chi nhánh Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) nhận định rằng ngành chế tạo máy nông nghiệp phải cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm nhập khẩu. Nhiều hồ sơ mời thầu đặt điều kiện tiên quyết ưu tiên cho hàng nhập khẩu, yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển như G7 hay Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… hoặc quy định sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ, loại bỏ hàng sản xuất trong nước ngay cả khi sản phẩm đã được Bộ Công thương phê duyệt. Các gói thầu này không tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng lại đưa ra các yêu cầu gây cản trở đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Cùng ý kiến như ông Tuấn, ông Trần Thành Trọng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai cho rằng đó là những vi phạm trong Luật đấu thầu và cần phải có biện pháp xử lý. Việc đánh giá, xếp hạng hồ sơ dự thầu tại Luật đấu thầu là hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, nhưng lại yêu cầu nhà thầu phải nêu cụ thể về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ dự thầu.
Ngân An (DNSGCT)