Ngày 17-7 vừa qua, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và Dự án Hỗ trợ chính sách và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) đã công bố báo cáo Đánh giá tác động của RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo kế hoạch, tháng 12-2015, RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) sẽ được ký kết giữa 10 nước ASEAN và sáu nước đối tác (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand). RCEP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực phát triển mạnh mẽ hơn, dần loại bỏ thuế quan và rào cản phi thuế quan (có thể cắt giảm thuế sâu và nhanh hơn) trong các lĩnh vực như: Thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, lao động, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và giải quyết tranh chấp…
Đánh giá tác động của RCEP đối với kinh tế Việt Nam, báo cáo cho thấy: các lợi ích từ RCEP là tương đối nhỏ nhưng cũng đủ quan trọng để tiến hành đàm phán hiệp định này. Cụ thể: tham gia RCEP, xuất khẩu của Việt Nam chỉ thêm khoảng 2,4 – 3,9%. Giá trị xuất khẩu tăng lên nhiều nhất là sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc chứ không phải là Hàn Quốc hay Ấn Độ. Trong khi nhập khẩu tăng khoảng từ 3,7 đến 5,6%, chủ yếu từ đối tác Trung Quốc và Nhật Bản. Theo các chuyên gia của EU-MUTRAP điều đáng chú ý là phần thu từ thuế nhập khẩu của Việt Nam sẽ giảm xuống khoảng 1,5 tỉ USD. Sự sụt giảm thuế nhập khẩu này không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng vì Việt Nam không còn nhập khẩu từ các nước có chi phí thấp nữa.
Tuy nhiên báo cáo cũng cho rằng: Không nên lo ngại quá mức về vấn đề giảm thu thuế nhập khẩu, vì điều này sẽ đi kèm với gia tăng kim ngạch thương mại và mở rộng kinh tế. Từ đó, lại tạo điều kiện tăng thu từ các sắc thuế khác. Điều đáng lo ngại hơn là với việc xuất khẩu không tăng nhiều bằng nhập khẩu, dự tính thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ gia tăng, nhất là khi Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức là thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng lớn. Nghiên cứu nêu rõ: “Vấn đề đối với Việt Nam chính là sự cạnh tranh từ phía Trung Quốc khi tiếp cận thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc”.
Theo tính toán, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 10% khi RCEP được ký kết. Trung Quốc sẽ thu được lợi ích nhờ cơ hội tiếp cận thị trường được cải thiện. Cạnh tranh từ phía Trung Quốc đang trở thành điểm đáng lo ngại, không chỉ bởi vì nước này có sự tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất khu vực mà còn bởi vì sự tương đồng trong cơ cấu xuất khẩu của nước này trong tương quan với Việt Nam. Điều quan trọng là Việt Nam đang nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, nên Việt Nam sẽ ở vào vị thế bất lợi nếu thương mại song phương được tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thì khi gia nhập RCEP, các ngành thủy sản, nông sản, công nghiệp xây dựng… sẽ được hưởng lợi lớn nhất. Bên cạnh đó, điều mong chờ lớn nhất từ RCEP là sự tham gia của các thành viên vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Nền kinh tế khu vực sẽ có được môi trường kinh doanh thân thiện với chi phí giao dịch rẻ hơn nhờ vào sự hài hòa giữa các quy định hiện hành trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do khác nhau của ASEAN. Thêm vào đó, mở cửa có nghĩa hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn, đầu vào cho sản xuất, máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại tạo cơ hội tăng cường hợp tác kỹ thuật và vị thế của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp về thương mại và đầu tư.
“Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi cơ cấu thương mại của Việt Nam khá tương đồng với các nước RCEP, song chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm còn khiêm tốn. Vì vậy, khi cấu trúc RCEP cho phép các nước tự do hóa thương mại với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng đáng kể” – ông Nguyễn Anh Dương nhận xét.
Cẩm Tú (DNSGCT)