Trong thời gian gần đây, tại các kỳ họp, Quốc hội đã tập trung vào việc ban hành các đạo luật nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013. Đã có nhiều điều, khoản tiến bộ thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 2014, Luật đầu tư 2014. Thế nhưng, để các văn bản quy phạm pháp luật thực sự quán triệt tinh thần và lời văn của Hiến pháp, sát thực tế cuộc sống của dân và doanh nghiệp, có tính khả thi cao, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.
Cần những cải cách trong thể chế
Luật về Hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Biểu tình, v.v… là những đạo luật rất quan trọng thể hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Nhưng khi thảo luận những luật này, tại nhiều diễn đàn, vẫn còn có những ý kiến không những không quán triệt Hiến pháp, mà còn quá xa rời thực tiễn cuộc sống. Có ý kiến cho rằng do “dân trí còn thấp”, cho nên không nên có Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý. Lại có luật cứ bị đẩy lùi, dự thảo đến 14 lần mà vẫn chưa được đưa ra thông qua, như Luật về Hội, vì có phần “tế nhị”! Vấn đề đáng bàn ở đây là “dân trí” thấp hay là “quan trí” thấp?
Khi thảo luận về Luật Tố tụng hình sự, liên quan đến lĩnh vực kinh tế, vẫn còn khuynh hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, như tội “kinh doanh trái phép”,“thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trái với quy định “Công dân có quyền kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm” của Luật Doanh nghiệp. Cũng có ý kiến cho rằng quy định “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc phải buộc nhận mình có tội” (thường được gọi là “quyền im lặng”) là gây khó khăn cho công tác điều tra, mặc dù đây là quyền đương nhiên của công dân, thế giới đã quy định từ lâu.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cũng còn quá chậm (thường gọi là “nợ văn bản”) phổ biến là sáu tháng, có trường hợp đến 12 tháng, thậm chí 24 tháng và hơn nữa: việc thi hành luật phải chờ nghị định, thi hành nghị định phải chờ thông tư… là khá phổ biến. Cũng không ít trường hợp luật thì mở, nhưng nghị định bó lại, và thông tư thì càng bó tiếp (cũng có phần là nhằm bảo vệ lợi ích của bộ, ngành ban hành), mà thông tư lại chính là văn bản mà doanh nghiệp phải chấp hành.
Tháng 6 vừa qua, VCCI đã tổ chức hội nghị công bố MEI (chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ) trong năm 2014 chấm điểm và xếp hạng 14 bộ; kết quả cho thấy chỉ số về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là chỉ số duy nhất có điểm số bình quân của các bộ giảm sút so với cách đây hai năm. Bộ Giao thông Vận tải đứng đầu trong Công bố MEI 2014 về rà soát, công bố, tổng kết thi hành pháp luật; Bộ Y tế xếp hạng chót. Có thể thấy, việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn yếu kém vẫn là một nguyên nhân chủ yếu đang hạn chế hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Xóa những thủ tục “hành… là chính”
Theo công bố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho đến năm 2014, trước khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được sửa đổi, vẫn còn đến 51 ngành nghề cấm kinh doanh và 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đến nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chỉ còn sáu ngành nghề cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cũng đã quy định: từ nay, chỉ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền quy định các ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Từ ngày 1-7-2015, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và nhiều đạo luật khác có hiệu lực thi hành, sẽ có rất nhiều quy định trong các nghị định, thông tư ban hành trước đây sẽ phải bãi bỏ, thế nhưng, việc này còn nhiều khó khăn. Đến nay, vẫn còn 3.299 điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành, ủy ban nhân dân ban hành trái thẩm quyền cần được bãi bỏ, đây chính là một thử thách đối với những cơ quan nói trên trong việc chấp hành pháp luật, song đây lại là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp phát triển: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nếu cải cách được các thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy phép không cần thiết, thì GDP có thể tăng 1 – 2%, tương đương 1,5-2,5 tỉ USD.
Trong các thủ tục của các ngành đang ảnh hưởng xấu đến kinh doanh của doanh nghiệp, trước hết phải kể đến ngành thuế, hải quan. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của WB năm 2014, số giờ nộp các loại thuếở Việt Nam là 872 giờ, gấp hơn năm lần bình quân của ASEAN-6 (171 giờ) với tổng mức thuế phải nộp chiếm đến 40,8% lợi nhuận, cao hơn nhiều so với các nước xung quanh. Các khoản phí, lệ phí cũng đang là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Cục Thuế và Hải quan TP. Hồ Chí Minh ngày 26-6-2015, hàng loạt vướng mắc trong các thủ tục thuế, hải quan đã được nêu lên, nổi bật nhất là ngành thuế ban hành quá nhiều thông tư mà “tuổi thọ” quá ngắn, chỉ khoảng hai năm, doanh nghiệp chưa kịp “thấm” thì đã thay đổi. Không những thế, đối với hộ kinh doanh cá thể, nạn “chung chi” với cán bộ thuế khá phổ biến, song thu vào ngân sách nhà nước thì không được bao nhiêu, mà khu vực này vẫn được coi là thất thu nhiều!
Thực trạng nêu trên đã được nhiều văn bản của Chính phủ nhắc đến và đề ra những biện pháp chấn chỉnh. Trước mắt, đó là giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, năm 2015 phải đạt mức các nước ASEAN-6 và năm 2016 đạt mức các nước ASEAN-4.
Cần sự giám sát có hiệu lực
Môi trường kinh doanh còn nhiều khiếm khuyết do chính chúng ta gây ra là điều không thể chấp nhận được. Nhất là trong năm nay, với nhiều FTA có hiệu lực thi hành, AEC hình thành và TPP có khả năng ký kết, nước ta hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trước, cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Năng lực cạnh tranh quốc gia không thể mạnh nếu như sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành hàng không được nâng lên. Chính vì thế, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp là yêu cầu bức thiết, là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản mà mỗi bộ, ngành phải quan tâm thực hiện.
Thế nhưng, thực tế đáng buồn là nhiều chủ trương, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của Nhà nước chậm đi vào doanh nghiệp, nhiều văn bản trái thẩm quyền vẫn được ban hành, nhiều “giấy phép con”, rồi “giấy phép cháu” tiếp tục xuất hiện. Mới đây, Bộ Y tế lại chuẩn bị một văn bản đặt thêm giấy phép kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu, mà theo doanh nghiệp, mỗi container sẽ tăng thêm 2,2 triệu đồng chi phí, nếu mỗi năm có 500.000 container nhập hàng này, thì doanh nghiệp phải mất thêm 11.000 tỉ đồng (Tuổi trẻ, 7-6-2015). Phải chăng, như thực trạng được nêu trong các phần trên của bài này, đang có vấn đềở tất cả các khâu của quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật? Phải chăng có “lỗi hệ thống” từ soạn thảo đến thẩm định, thông qua, ban hành và thi hành văn bản, trong đó có những khiếm khuyết như: thiếu nhất quán về quan điểm, đường lối; xa thực tế cuộc sống; thiếu trách nhiệm cá nhân; và không loại trừ có sự tác động của nhóm lợi ích làm sai lệch những chủ trương đúng đắn của Nhà nước.
Riêng về thi hành văn bản, một vấn đề rất đáng quan tâm là: mấy năm gần đây, nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp đã được ban hành, nhưng việc thi hành quá chậm chạp. Cuộc cải cách hành chính luôn được nhắc đến, song các thủ tục “hành… là chính” vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển. Cải cách thủ tục hành chính đương nhiên xóa bỏ những lợi ích phi pháp của tổ chức, cá nhân; vì một lẽ “không ai tự đập vỡ niêu cơm của mình”, cho nên vẫn còn những tổ chức, đơn vị muốn níu kéo quyền ban phát, xin-cho của mình, vì có quyền là có tiền và đồng tiền có khi làm mờ mắt công chức. Sự nể nang, né tránh giữa các bộ, ngành cũng là một nguyên nhân dẫn đến sai phạm tiếp tục tồn tại. Cuối cùng, đó là do sự chỉ đạo của Chính phủ còn thiếu chặt chẽ, chưa đến nơi đến chốn: khi văn bản đã được ban hành, còn thiếu sự theo dõi, đôn đốc việc thi hành; và nếu như văn bản không được thi hành hoặc bị lái theo hướng khác, thì người đứng đầu cũng không bị truy cứu trách nhiệm.
Thực tiễn đang đặt ra một cách nghiêm túc: cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp đang rất bức thiết, không thể để chậm. Phải có cơ chế theo dõi, giám sát việc soạn thảo, thẩm định, ban hành và thi hành văn bản, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những yếu kém, những vi phạm của các bộ, ngành, đó là sự giám sát (i) trong nội bộ mỗi bộ, ngành; (ii) giám sát chéo giữa các ngành lập pháp, tư pháp, hành pháp; (iii) giám sát của dân, của các tổ chức xã hội. Sự giám sát có hiệu lực sẽ bảo đảm tính trong sạch, lành mạnh của bộ máy nhà nước, phục vụ tốt sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Vũ Quốc Tuấn (DNSGCT)