Là một trong những doanh nghiệp lớn kinh doanh các sản phẩm văn hóa, Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) đã tạo dựng được thương hiệu có uy tín cao qua nhiều năm hoạt động. Chuỗi nhà sách mang tên Phương Nam có mặt tại nhiều nơi ở TP. Hồ Chí Minh, rồi dần nối dài tầm với về Đồng bằng sông Cửu Long, rồi ra cả miền Trung và miền Bắc. Thế nhưng, trong kinh doanh, mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Mấy năm gần đây, do tình hình kinh tế biến động, PNC đã gặp phải không ít khó khăn do đặc thù ngành kinh doanh dẫn đến thua lỗ và mới đây nhất Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 lần 1 của công ty này (ngày 16-6) không thể tổ chức thành công. Đã có những lo lắng từ phía những cổ đông nhỏ lẻ và những người yêu mến thương hiệu Phương Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng giám đốc PNC, khó khăn chỉ là tạm thời, về cơ bản, công ty vẫn đang đi đúng hướng.
Kinh doanh không thuận lợi…
Kết thúc quý I-2015, doanh thu thuần của PNC là 74,6 tỉ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, công ty vẫn chịu lỗ ròng 3,8 tỉ đồng, dù đã giảm so với mức lỗ 4,7 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2014. Ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng giám đốc PNC cho biết đây là khoản lỗ không nằm ngoài dự tính, bởi nó mang tính mùa vụ. Thông thường quý I hằng năm, công ty đều không có lãi do ảnh hưởng bởi Tết Nguyên đán, mặt hàng văn hóa phẩm đạt doanh số không cao. Vậy nên với PNC, kết quả hoạt động kinh doanh của quý I không phản ánh chính xác hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung. Kể cả nhìn vào bản cân đối kế toán hằng năm của PNC thời gian qua, dường như hoạt động kinh doanh cũng không mấy sáng sủa, khi có những năm lỗ đến 10-15 tỉ đồng. Theo ông Hoạt, những khoản lỗấy một phần do PNC phải trả lãi vay ngân hàng quá cao và đầu tư vào một số dự án mới mà hiệu quả chỉ có được sau một thời gian như kế hoạch đã vạch ra, chẳng hạn dự án sách điện tử ebook (2014), dự án kinh doanh trực tuyến…
Trên thực tế, doanh thu của hệ thống bán lẻ vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của PNC. Và dù thị trường bán lẻ nước ta luôn được đánh giá là đầy tiềm năng, thì trong tình hình hiện nay, việc kinh doanh các mặt hàng sách báo, văn hóa phẩm vẫn gặp không ít khó khăn. Nếu như trước đây, chỉ cần khoảng sáu tháng kể từ khi đi vào hoạt động, một nhà sách đã bắt đầu kinh doanh có lãi, thì nay phải cần hai năm. Càng ngày, yêu cầu của người đọc càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn để giữ được thị phần.
…nhưng tiềm năng là rất lớn
Trong hoạt động kinh doanh, nhất là với những doanh nghiệp có bề dày hàng chục năm như PNC với nhiều khoản đầu tư dài hạn, những kết quả hoạt động trong ngắn hạn không có nhiều ý nghĩa, bởi không phản ánh được bản chất của vấn đề. Chẳng hạn, nếu chỉ đưa ra những con số thua lỗ của PNC theo quý, theo năm trong thời gian gần đây, tức là đã bỏ qua khoản lợi nhuận lũy kế mà công ty này có được từ liên doanh với Tập đoàn CGV (trước đây là MegaStar). Theo định hướng kinh doanh của CGV, các khoản lợi nhuận (trong đó có phần lẽ ra được chia cho PNC) được giữ lại tiếp tục đầu tư, để đến năm 2018 sẽ có 60 cụm rạp chiếu phim. Dự kiến sau năm 2018, cổ tức do khoản đầu tư này đem lại sẽ chiếm khoảng 50% tổng lợi nhuận của PNC. Còn đến thời điểm hiện tại, lãi lũy kế của CGV đã đạt được 185 tỉ đồng. Riêng giá trị cổ phiếu của PNC tại CGV hiện được định giá khoảng 15 triệu USD (hơn 330 tỉ đồng), lớn hơn nhiều so với vốn góp ban đầu (12,6 tỉ đồng). Trong nửa cuối năm 2014, PNC đã tái cơ cấu nợ vay bằng cách chấm dứt hoàn toàn các khoản vay lãi suất cao từ ngân hàng, chuyển sang vay của Cross Junction Investment Pte, Ltd với lãi suất thấp hơn.
Ngoài ra, không thể không kể đến giá trị thương hiệu PNC mà doanh nghiệp đã xây dựng từ hơn 33 năm nay, một thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao do đã tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng tốt. Hiện Công ty TNHH MTV Phương Nam Phim (PNF) và Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam (PNB) đang sở hữu độc quyền tác phẩm của các nhạc sĩ Phạm Duy, Tuấn Khanh, Vũ Thành An,… và các nhà văn Tô Hoài, Bà Tùng Long, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc, Lê Hoàng, cũng như đang cộng tác với một số nhà văn trẻ như Anh Khang, Tùng Leo, Phan Ý Yên, Jun Phạm,… Đặc biệt, thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã trao quyền sản xuất các tác phẩm của thầy tại Việt Nam cho PNB. Đây là những tài sản có giá trị vô hình rất lớn. Ngoài ra, Công ty PNMEG chuyên nhập khẩu và phân phối phim chiếu rạp đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5-2015, dự kiến phát hành bộ phim đầu tiên vào trung tuần tháng 7 này. Với sự hợp tác, cam kết hỗ trợ phát hành từ CGV, đây hứa hẹn sẽ là mảng hoạt động đột phá của PNC trong thời gian tới.
Hướng tới tương lai
Đại hội đồng cổ đông thường niên PNC lần 1 ngày 16-6 vừa qua không thành vì tỷ lệ tham dự chỉ đạt 36,1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc này xuất phát từ những bất đồng từ trước đó về các quyết định trong kinh doanh cũng như về cơ cấu tổ chức nhân sự giữa một nhóm cổ đông lớn với các cổ đông sáng lập PNC. Được biết, hội đồng quản trị PNC hiện có bảy thành viên, chủ tịch là bà Phan Thị Lệ. Bà Lệ từng giữ chức Giám đốc Công ty Văn hóa tổng hợp quận 11 (tiền thân của PNC) từ năm 1989 và là người đã lèo lái, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của công ty như ngày nay. Suốt quãng thời gian từ năm 1992 đến 2013, bà được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty. Sau khi bà Lệ thôi kiêm nhiệm tổng giám đốc, có một thành viên HĐQT ứng cử vào chức vụ này nhưng HĐQT không bổ nhiệm vì thấy không phù hợp. Sau đó, PNC đã tuyển một nhà quản lý nước ngoài, tuy nhiên do không thỏa thuận được một số điểm với công ty nên ông này thôi việc sau vài tháng. Đến tháng 2-2015, HĐQT bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hoạt – lúc ấy đang là Phó tổng giám đốc PNC – vào chức vụ này.
Biết rằng sự đồng thuận trong hội đồng quản trị trong cách điều hành là điều kiện cần để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển, ban lãnh đạo hiện tại của PNC đang nỗ lực chứng tỏ với các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông lớn rằng công ty vẫn đi đúng hướng và sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Ngay trong năm 2015 này, với những thay đổi định hướng hoạt động đúng đắn, tái nhận diện thương hiệu hệ thống nhà sách, tinh giảm và sắp xếp nhân sự hợp lý, cơ cấu lại vốn vay, tình hình kinh doanh của PNC đã có những tín hiệu tích cực, đạt hiệu quả cao.
Chủ trương mở rộng mạng lưới nhà sách Phương Nam, gắn với các tập đoàn lớn như Coop Mart, Vincom, Aeon Mall… và xem đó là chiến lược về lâu về dài nhằm quảng bá thương hiệu, đón trước cơ hội và tăng tính cạnh tranh của PNC là những bước đi mạnh mẽ như vậy. Theo ông Nguyễn Hữu Hoạt, việc mở rộng được tiến hành nhưng không tràn lan, bất kể hiệu quả. Ban điều hành PNC chọn lựa kỹ những địa điểm thuận lợi để mở nhà sách. Thực tế thời gian qua, tính cụ thể từng nhà sách thì có nơi lời có nơi lỗ, nhưng tính tổng thể, khối nhà sách vẫn có lãi. Quý II-2015 vừa có kết quả kinh doanh, doanh thu từ hệ thống bán lẻ của PNC đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện PNC có hệ thống trên 40 nhà sách được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, dịch vụ đa dạng, hàng hóa phong phú. Phương Nam sẽ khai trương thêm nhà sách Phương Nam Vincom Đà Nẵng và Bà Triệu (Hà Nội). Với tình hình kinh doanh khả quan như vậy, PNC đặt mục tiêu doanh thu trong sáu tháng cuối năm 2015 là 260 tỉ đồng, lợi nhuận 12 tỉ đồng. Ngoài ra, trong thời gian tới, PNC sẽ đẩy mạnh hoạt động của Công ty truyền thông và giải trí Phương Nam, đơn vị chuyên nhập khẩu và phát hành phim chiếu rạp, nhằm tạo đột phá về doanh thu cũng như lợi nhuận. PNC cũng sẽ gia tăng các hoạt động kinh doanh bản quyền trong lĩnh vực sách, phim ảnh và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mới để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 của PNC lần thứ hai dự kiến tổ chức vào 16-7 tới, các thành viên HĐQT sẽ báo cáo những kết quả kinh doanh đạt được và hướng phát triển mới tích cực cho các cổ đông, tìm sự đồng thuận để giúp họ tiếp tục chèo lái PNC đạt được những thành công mới.
Thi Anh (DNSGCT)