Nếu xem khoa học là một công cụ để nhận thức thế giới, thì dựa trên thông tin, bằng chứng chuẩn xác sẽ giúp dẫn đến một nhận định khách quan, đúng đắn. Ngược lại việc lồng vào khoa học những mục đích chính trị tuyên truyền sẽ đưa đến những lệch lạc về góc nhìn. Trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay, để có thể giữ vững “chủ quyền” trên mặt trận thông tin – tuyên truyền, một chiến lược về “học thuật hóa” đang cần được khởi động.
Hội thảo quốc tế lần thứ ba “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia ViệtNamđồng tổ chức tại Hà Nội từ 4 đến 5-11-2011. Cuộc hội thảo thu hút rất nhiều học giả trong nước và nước ngoài tham dự
Ảnh NXD
Trận chiến “học thuật hóa” và bất đối xứng về lượng
Hiện nay chưa có một thống kê có hệ thống hay một nghiên cứu mang tính định lượng nào về tình hình nghiên cứu Biển Đông tại Việt Nam lẫn Trung Quốc. Theo một số học giả ước tính, lực lượng nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam và Trung Quốc chênh lệch rất lớn và số lượng giáo sư, tiến sĩ người Trung Quốc (hoặc có gốc Trung Quốc) nghiên cứu về Biển Đông tại các trường đại học trên thế giới là khá nhiều. Theo Ths Hoàng Việt, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thì số lượng các tạp chí nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc tính đến 23-9-2010 là 23.527. Số luận văn tiến sĩ từ 1999-2010 vào khoảng 238. Số hội thảo từ 1999-2010 vào khoảng 516. Trong khi đó, ở ViệtNam, các ấn phẩm nghiên cứu Biển Đông ít khi được các tạp chí chuyên ngành trong nước đăng tải. Những người nghiên cứu sâu về Biển Đông và tranh chấp Biển Đông ở ViệtNamkhông nhiều. Một số ít trong số đó được đào tạo tại nước ngoài. Trong vài năm qua, Việt Nam cũng không có luận văn tiến sĩ nào chuyên sâu về Biển Đông, trong khi Trung Quốc có tới 36 luận văn (theo thông tin từ Hội thảo “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế”, 2011). Còn hội thảo kênh chính thức từ phía Việt Nam thì chỉ có thể kể tới Hội thảo quốc gia về Biển Đông do Chương trình nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, đã tổ chức được hai lần (2009, 2011). Hay một hội thảo khác do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia ViệtNamđồng đăng cai mang tên “Hội thảo quốc tế về Biển Đông”, đã tổ chức được ba năm liên tục từ 2009-2011.
Khảo sát của học giả Phạm Hoàng Quân cho biết, từ Trung ương đến địa phương, Trung Quốc sở hữu một lực lượng các cơ quan nghiên cứu hùng hậu. Như ở Bắc Kinh có một viện nghiên cứu rất lớn chuyên nghiên cứu về Biển Đông được gọi là “Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc”. Hay “Sở nghiên cứu Nam Hải” thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc. Ở các tỉnh ven biển như Quảng Đông hay Phúc Kiến, đều có khá nhiều cơ quan nghiên cứu về biển đảo, và đã xuất bản rất nhiều công trình về Biển Đông. Về sách và các công trình nghiên cứu khác thì theo thông tin từ trang web của Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc, từ những năm 1980 số sách nghiên cứu về các khía cạnh luật pháp và chính trị liên quan đến Biển Đông ở Trung Quốc vào khoảng 14 cuốn sách, đều đươc dịch ra tiếng Anh và được cập nhật trên các trang điện tử của các tổ chức nghiên cứu (cập nhật từ 1981-2007). Tại Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc, các công trình nghiên cứu chính có vào khoảng 16 công trình (từ 1999-2006). Trong khi đó, việc nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam gần như “lép vế” hoàn toàn khi ngay tại những viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam như Viện Sử học, Viện Nhà nước và Pháp luật, hay các trường đại học lớn ở Việt Nam gần như không có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông.
Xét về kinh phí nghiên cứu, Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) có Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước mang tên “Khoa học công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội” (KC.09/06-10). Theo số liệu do Vụ cung cấp, từ năm 2006 đến 2010, Chương trình đã cấp kinh phí cho 28 đề tài với mức tài trợ từ 4-6 tỉ đồng/đề tài. Dự kiến trong giai đoạn 2011-2015, mức tài trợ cho một đề tài nghiên cứu có thể lên đến mức 5-7 tỉ đồng. Hầu hết các đề tài được phê duyệt có đối tượng nghiên cứu là các điều kiện tự nhiên như đánh giá nguồn lợi hải sản, điều kiện kiến tạo địa chất Biển Đông, nghiên cứu ứng dụng phương án xây dựng công trình trên các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa. Tổng kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2006-2010 của Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào khoảng 7,6 tỉ đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng dự án “Biển Đông sâu thẳm” của Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc đã được tài trợ lên tới 22 triệu USD. Còn dự án xây dựng mạng lưới đài quan sát dưới đáy đại dương được đầu tư tới 200 triệu USD. Trong khi các dự án này chỉ là một phần trong rất nhiều dự án nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc.