Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu lãnh đạo Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phải nghiêm khắc kiểm điểm vì để xảy ra ô nhiễm môi trường trầm trọng trong thời gian qua. Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã xin lỗi người dân về tình trạng này và hứa sẽ… rút kinh nghiệm.
Vụ việc xảy ra vào giữa tháng 4-2015, khi hàng ngàn người dân do bức xúc với tình trạng ô nhiễm bụi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận – đã đổ ra tụ tập trên quốc lộ 1A, chặn tất cả các phương tiện giao thông, gây ách tắc kéo dài hàng chục cây số trong nhiều giờ, cho đến khi chủ đầu tư cam kết sẽ xử lý vụ việc trong vòng 10 ngày.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, gồm hai tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.244MW, là một trong những dự án cung cấp điện cho miền Nam do EVN làm chủ đầu tư, ký hợp đồng với Shanghai Electric Group (SEG) của Trung Quốc qua Hợp đồng Tổng thầu EPC (Engineering, Procurement and Construction contract), theo đó nhà thầu thực hiện toàn bộ từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư – thiết bị đến thi công xây dựng và chạy thử – bàn giao cho chủ đầu tư.
Từ đầu năm 2015 đến nay, nhà máy chưa được đưa vào vận hành chính thức mà vẫn đang trong quá trình chạy thử, nghiệm thu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng phát tán tro bụi khi vận chuyển tro xỉ và tại bãi thải xỉ của nhà máy, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng như đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Giải thích nguyên nhân gây ô nhiễm, dễ dàng nhất là đổ lỗi cho… ông Trời, như EVN cho là do các nguyên nhân khách quan: hạn hán gay gắt xảy ra trên địa bàn khu vực, nắng nóng kéo dài làm cho xỉ nhanh khô, thiếu nước tưới, gió lốc xoáy rất mạnh và kéo dài cả ngày xảy ra trong tháng 3, tháng 4 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Thế nhưng thời tiết như vậy đã xảy ra hàng trăm năm nay ở vùng đất khô cằn này chứ không do đột biến, nên cách giải thích này thiếu thuyết phục.
Nguyên nhân thứ hai được cho là do chủ quan: tuyến đường vận chuyển thải xỉ của nhà máy ra bãi thải xỉ đang trong quá trình xây dựng, hệ thống cung cấp nước chính thức ra bãi thải xỉ của nhà máy và các hệ thống phụ trợ của bãi thải xỉ chưa được hoàn thiện.
Mới đây EVN đã khẳng định sẽ thực hiện nghiêm các cam kết để nhà máy Vĩnh Tân được vận hành an toàn, liên tục và đáp ứng các điều kiện về môi trường tốt hơn. Nhưng liệu lời trấn an này có làm chúng ta yên lòng không khi mà trong thực tế, hầu hết các công trình do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đều để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Theo thống kê công bố hồi đầu tháng 4-2015 của Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công thương), Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì tới 15 công trình do phía Trung Quốc thực hiện theo hợp đồng Tổng thầu EPC.
Nhìn tổng thể bức tranh triển khai các dự án EPC của Việt Nam, Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội nhận định, cho đến năm 2010 các nhà thầu Trung Quốc đã nắm trong tay 90% các dự án, trong đó có đến 30 dự án trọng điểm quốc gia.
Công bằng mà nói, các nhà thầu Trung Quốc được chào đón ở Việt Nam xuất phát từ chính sách mời thầu chuộng giá rẻ của Việt Nam. Cách làm ăn thực dụng này dẫn đến hệ lụy mà người dân và ngân sách nhà nước lãnh đủ sau khi công trình hoàn thành.
Giá thấp là nhờ đâu? Trước hết, nhà thầu Trung Quốc đưa công nghệ kém chất lượng và lao động giá rẻ trái phép vào phục vụ các dự án. Điều này dễ kiểm chứng khi các công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công thường xuống cấp nhanh chóng, còn lao động Trung Quốc thì tràn ngập tại nhiều khu dự án.
Ngoài các thiệt hại do năng lực và kỹ thuật hạn chế, tác hại của việc chọn nhà thầu Trung Quốc chính là nạn gây ô nhiễm môi trường của các dự án. Cho đến nay, không ít công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công khiến người dân sống dở chết dở.
Hiện tượng Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không phải là mới, mà trước đó, vào năm 2012, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) do Tập đoàn Đông Phương (DEC) của Trung Quốc lãnh thầu khiến người dân phải tìm nơi khác sinh sống vì mức độ ô nhiễm không thể chấp nhận.
Sang năm 2013, Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê (Quảng Ninh) cũng do nhà thầu Trung Quốc thi công khiến người dân khu vực lân cận luôn trong tình trạng báo động môi trường sống. Đó là chưa kể đến hàng loạt dự án khác về dầu khí, hóa chất, dệt kim… do nhà thầu Trung Quốc thi công cũng khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Thông tin từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho thấy các dự án điện do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1… đều bị chậm, thậm chí có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ… hai đến ba năm!
Lý do chậm được Hiệp hội này đưa ra là do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm, không thu xếp được tài chính, đặc biệt là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ.
Chính EVN cũng thừa nhận nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành này làm chủ đầu tư, dù được nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ nhưng lại bị chậm tiến độ, thiệt hại gây ra khó mà thống kê được. Chẳng hạn như Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng, Nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, Nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm ba tháng…
Dự án chậm tiến độ đã làm tăng chi phí như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, chi phí chuẩn bị sản xuất… Điều này được thể hiện qua việc nhiều dự án điện bị đội mức đầu tư khá nhiều sau khi hoàn thành.
Có một thực tế là nhà thầu Trung Quốc giành được nhiều hợp đồng EPC bởi vì có đến 58% số hợp đồng được “chỉ định thầu”, nghĩa là họ không phải cạnh tranh với bất kỳ nhà thầu nào đến từ các nước khác. Trong khi đó họ được vay vốn ưu đãi từ Chính phủ hoặc các ngân hàng thương mại Trung Quốc để thực hiện dự án ở nước ngoài.
Còn chúng ta vì thiếu vốn mà nhu cầu về điện ngày càng cấp bách, nên một số dự án nhiệt điện phải vay vốn từ ngân hàng của Trung Quốc nên bị ràng buộc phải chỉ định nhà thầu của họ.
Trở lại với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, tất cả nguyên nhân gây hại môi trường như giải thích của EVN ai cũng biết trước, nhưng phải đến khi gặp phản ứng tức nước vỡ bờ của người dân, Chính phủ mới thấy được mức độ trầm trọng và tìm cách sửa chữa.
Phải chăng do cái khó bó cái khôn, nên chúng ta dù có quá nhiều kinh nghiệm vẫn không thể đặt ra điều kiện nghiêm ngặt trong việc thi công và giám định công trình.
Cho dù vậy thì trong làm ăn cả hai bên phải cùng có lợi, đồng vốn trong nhiều trường hợp không phải là ưu thế tuyệt đối khiến các đơn vị chủ đầu tư tự đặt mình ở “chiếu dưới”, cho đến khi mất bò mới lo làm chuồng.
Minh Trí (DNSGCT)