Trước thông tin về các thỏa thuận thương mại tự do được ký kết, người tiêu dùng thì vui mừng vì được mua hàng hóa rẻ hơn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước lại tỏ ra lo lắng về nguy cơ hàng ngoại từ ASEAN, Nhật Bản… sẽ tràn vào thị trường nội.
Theo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản, từ ngày 1-4, có hơn 3.200 dòng thuế nhập khẩu từ Nhật Bản được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Trong đó, có nhóm hàng điện tử như máy ảnh, máy vi tính… nhập từ Nhật Bản là những mặt hàng mà người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng. Ngoài ra, theo lộ trình cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu các mặt hàng mà chúng ta cam kết đang tiến đến việc xóa bỏ thuế hoàn toàn. Cụ thể, thuế nhập khẩu trong ASEAN, VN sẽ cắt giảm cơ bản 98% dòng thuế về mức 0% vào năm 2018, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc sẽ cắt giảm 90% dòng thuế về mức 0% từ năm 2018. Chắc chắn khi thuế giảm 0% thì hàng hóa ngoại nhập từ các thị trường ASEAN, Nhật Bản… sẽ dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng trong nước có thêm cơ hội lựa chọn hàng hóa với giá rẻ hơn nhưng cũng là mối lo lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. “Sức ép hội nhập sẽ vô cùng ghê gớm khi phải cạnh tranh với các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản, ASEAN”, Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định.
Có thể thấy rằng chất lượng hàng hóa của họ vượt trội, giá cả thì cạnh tranh hơn chúng ta. Cứ chỉ nhìn sang thị trường Thái Lan, hoa quả đến đồ gia dụng như quạt điện… của họ đều chất lượng và mẫu mã, chủng loại đều cao hơn hàng trong nước. Chính vì vậy, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những ngành sản xuất trong nước chưa đủ điều kiện để cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước này.
Công ty hóa dầu Bình Sơn vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương kêu rằng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ đóng cửa khi thuế nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN giảm mạnh. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Toyota VN mới đây thông tin là sẽ xem xét việc ngưng sản xuất mà quay sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán khi thuế xe ôtô nguyên chiếc bằng 0%.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, phân tích: “Thuế nhập khẩu cắt giảm và về 0% sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhập khẩu nói chung và gỗ nói riêng giảm được chi phí, tăng sức cạnh tranh. Như các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam có nguồn nguyên liệu được nhập từ thị trường Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào”. Mà sản phẩm gỗ của Việt Nam so với của Thái Lan, Myanmar, Singapore là kém hơn về chất lượng, mẫu mã nhưng giá cả lại cao hơn. Nếu chúng ta không thay đổi thì chắc chắn sản phẩm trong nước sẽ không tồn tại mà thay vào đó là tràn ngập sản phẩm ngoại. Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm gỗ Việt Nam, giải pháp căn cơ là tăng cường nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ở trong nước. Hiện nay chúng ta mới chỉ đáp ứng 200.000ha rừng trồng nên tương lai cần cố gắng đưa lên 1 triệu ha để đáp ứng nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu thay vì nhập của các nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tiết kiệm nguyên liệu như hiện nay 1m3 gỗ làm ra 0,7m3 sản phẩm nhưng tới đây phải tăng lên 0,8 – 0,9m3 sản phẩm.
Theo Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính, nhiều mặt hàng trong nước đã có sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu cần điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu để bảo hộ và khuyến khích phát triển nhưng không thể xử lý được do vướng cam kết WTO đã quy định ở mức thấp hoặc 0%. Để tồn tại, doanh nghiệp sản xuất trong nước phải sống được ngay tại thị trường nội địa, sau đó mới tính chuyện vươn ra các thị trường khác.
Minh Anh (DNSGCT)