Tuyên bố gần đây của nhóm P5+1 và Iran rằng họ đã đạt được nhất trí về những tham số cho một thỏa thuận hạt nhân toàn diện đã dẫn tới tranh cãi lớn cho dù chưa thực sự đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Mặc dù thỏa thuận cho kế hoạch hành động toàn diện chung đã nêu nhiều nội dung cụ thể, nhưng chi tiết vẫn cần được thương thảo (cho đến cuối tháng 6-2015). Có thể đánh giá thỏa thuận này trên ba khía cạnh: về tác động, so sánh với các lựa chọn khác, và trong bối cảnh chính sách tương lai của Mỹ đối với Trung Đông.
Trước khi đưa ra đánh giá, cần làm rõ cơ sở phân tích. Đầu tiên, cho dù Iran có bào chữa như thế nào về chương trình hạt nhân của mình (từ sản xuất năng lượng cho tới tiến bộ kỹ thuật quốc gia) thì mục đích chính của chương trình này là giúp cho Tehran công cụ kỹ thuật để chế tạo vũ khí hạt nhân. Thứ hai, do Iran có tiền sử hành động gian lận liên quan đến chương trình hạt nhân của mình và nhiều lần bị phát hiện nên ít có cơ sở để tin tưởng nước này. Cuối cùng, chương trình hạt nhân của Iran chỉ là một phần trong mối đe dọa mà chính phủ Iran mang lại cho an ninh và sự ổn định ở Trung Đông, trong đó có việc phủ nhận quyền tồn tại của nhà nước Israel, đe dọa ổn định tại nhiều quốc gia Ả Rập láng giềng, cùng những tham vọng bá quyền của Iran tại Trung Đông.
Về tác động
Chỉ xét về tác động của nó, thỏa thuận khung tạo ra rào cản lớn đối với nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran nhưng vẫn giữ lại phần lớn cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước này. Để làm được điều này, thỏa thuận tạo ra một sức ép đáng kể đối với cơ chế đang được áp dụng nhằm vừa đảm bảo Iran không gian lận vừa bảo đảm nước này sẽ bị trừng phạt nếu gian lận.
Iran sẽ có ít hơn máy ly tâm (và loại cũ hơn) để làm giàu urani và sẽ không thể sản xuất plutoni cấp độ vũ khí. Tuy nhiên, những nhượng bộ này được cân bằng bởi thực tế Iran sẽ giữ lại phần lớn cơ sở hạ tầng hạt nhân của mình, trong đó có cơ sở ngầm tại Fordow vốn được xây dựng bí mật. Đa phần các biện pháp cũng có giới hạn thời gian nên sự hạn chế về mức độ làm giàu urani cũng như dự trữ urani đã được làm giàu sẽ kết thúc sau 15 năm.
Vậy thì sau đó điều gì sẽ xảy ra nếu Iran có ý đồ sản xuất hạt nhân? Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt, trong đó hành động quân sự vẫn là một lựa chọn.
Thỏa thuận chung cũng không đề cập tới những khía cạnh khác trong chính sách đối ngoại của Iran như những đe dọa đối với Israel và các quốc gia láng giềng Ả Rập. Những người ủng hộ thỏa thuận có lý khi cho rằng việc đề cập đến các vấn đề này sẽ khiến thỏa thuận trở nên phức tạp đến mức không thể thương thảo. Nhưng điều rõ ràng là bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào cũng sẽ chấm dứt sự cô lập chính trị và kinh tế của Iran, giúp Iran trở nên mạnh hơn khi mà ảnh hưởng và tầm với của nước này tại Liban, Syria, Iraq và Yemen đang khiến các nước láng giềng cảm thấy bị đe dọa.
So sánh với các lựa chọn khác
Tuy nhiên, thỏa thuận này được đánh giá cao hơn khi so sánh với các lựa chọn khác: đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran và tiếp tục cấm vận Iran cho đến khi Tehran nhượng bộ nhiều hơn.
Điều quan trọng hơn là ít nhất nếu không có thiện chí để đạt thỏa thuận thì Mỹ sẽ khó giành được sự ủng hộ khi hành động quân sự. Đó là chưa tính đến những hậu quả từ một cuộc đối đầu quân sự tại Trung Đông với sự tham gia của Mỹ tại thời điểm khu vực này vốn đã rất nóng. Có một số ý kiến cho rằng cộng đồng quốc tế nên tiếp tục cấm vận và hướng tới một thỏa thuận tốt hơn. Đây là điều được các nước sử dụng trước đây.
Các biện pháp trừng phạt về tài chính và dầu mỏ trong những năm qua thực sự đã có tác động sâu sắc đến chế độ và đất nước này. Điều này được hỗ trợ bởi sự nhất trí chưa từng có tiền lệ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để đưa chính phủ Iran tới bàn đàm phán là một chuyện, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để chính quyền này đầu hàng lại là chuyện khác. Tất cả những chỉ trích xung quanh thỏa thuận khung này – từ khả năng Iran gian lận, khó khăn trong việc chứng minh và trừng phạt sự gian lận nếu có đều có thể có và trên thực tế nhiều khả năng xảy ra hơn nếu tiếp tục tiến hành các biện pháp trừng phạt.
Chính sách của Mỹ tại Trung Đông
Nhiều đồng minh Trung Đông của Mỹ lo ngại một thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ là sự mở đầu cho hợp tác chiến lược lớn hơn giữa Mỹ và Iran hoặc là lý do để Mỹ rút khỏi khu vực vì muốn thoát khỏi các cuộc xung đột giữa các nước Ả Rập theo dòng Hồi giáo Sunni và Iran. Nhiều nước Trung Đông vẫn còn thực sự lo ngại việc Mỹ muốn quay lại thời kỳ vương triều Iran, khi nước này còn là trụ cột trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Trên tất cả mọi chuyện là việc chính quyền Obama và các chính phủ tiếp theo cần trấn an các đồng minh tại Trung Đông là Mỹ sẽ không bỏ mặc họ tự mình đối mặt với Iran.
Lê Quân tổng hợp (DNSGCT)