Bỏ ở ngăn kéo đi xuống căng tin mua chai nước suối, trở lại phòng đã “bay hơi” rồi. Laptop hoặc iPad của các cụ được con cái trang bị cho, giữ cẩn thận lắm, phủ cả chăn mền lên, ngủ trưa dậy cũng… biến. Đồng hồ đeo tay không lẽ đeo suốt ngày đêm? Tháo ra để đầu tủ là bay hơi ngay. Còn gì nữa nhỉ? À, có cái gậy chống chúng cũng lấy mất.
Là vì con mua cho cây gậy ngoại, giá tới ba trăm ngàn đồng, có chạc ba bằng kim loại hẳn hoi. Thế là mất… trọn bộ. Mà bọn kẻ cắp đi thành từng nhóm, ra vào tự nhiên. Ăn mặc complet cà vạt, đội mũ đeo kính trông như giám đốc đi thăm ai, ngó ngó tất cả các phòng như người lương thiện đi tìm người nhà. Vậy thì ai mà đề phòng được! Nên ra viện khỏe re, không phải mang vác gì.
Bà còn kể cô con gái rượu của mình bỗng dưng thành “rẻ tiền toàn tập”. Là vì bao nhiêu dây chuyền vòng vàng, nhẫn hạt xoàn cất hết, cổ đeo một ông Phật bằng cái dây inox… mười lăm ngàn đồng.
Vòng tay bằng đá mấy chục ngàn, nhẫn dỏm. Vì có lần cô đã bị giật dây chuyền, may mà tỉnh táo lúc ngã xuống còn ráng vùng giật lại, sợi dây tuy đứt rơi ra đất nhưng còn lấy lại được. Hú hồn.
- Xem thêm: Sống với người già
Cái túi “Vui-ton” cả mấy chục triệu đồng chỉ khi nào đi ôtô mới dám mang, còn ngày thường xách túi vải cho không ai chú ý. Rồi bà than thở, quy kết một con số không rõ đã có ai thống kê điều tra chưa: “Xã hội gì đâu mà ba phần tư là trộm cắp!”.
Bà kêu thì kêu vậy thôi, thực bụng bà chẳng tiếc. Nhìn bà cứ vui vẻ, làm như những thứ bị mất trong lúc bệnh là “chuyện thường ngày ở bệnh viện”. Cứ đem việc mất kính, mất điện thoại, cây gậy mà so với cái ông nằm phòng bên bị… cưa mất một chân, thì đằng nào sướng hơn? Mình phải biết thế mới được. Cái mất của mình làm sao so với ông mất chân?
Con cháu bà nói: “Bà theo thuyết AQ của người Trung Hoa xưa đó, kệ bà”. Mọi chuyện chẳng có gì phải nói nữa, nếu một bữa kia không có cô cháu họ của bà đến tìm, mắt sưng mọng vì khóc. Cô cháu kể: “Vợ chồng trục trặc đã lâu, phát hiện hắn có bồ, mà đã ở với cô kia có một đứa con. Bây giờ hắn tráo trở, vơ vét tiền bạc, bán xe bán nhà để tẩu tán. Cô không còn cách nào khác, phải xin ly hôn”.
Bà cô nghe tất cả, ngẫm nghĩ rồi khen: “Cháu dũng cảm đứng lên giải quyết để một mình nuôi con là đúng. Vì mục đích tốt nhất bây giờ là ra khỏi vũng lầy nhanh lúc nào hay lúc ấy.
Mục đích của cháu lúc này là thoát ra khỏi cuộc đời thằng cha ấy càng sớm càng tốt”. Nhưng cô cháu ngập ngừng: “Con đã quyết ly hôn, nhưng như thế là mình thua. Hắn đem tiền của vợ con đi bù đắp cho bồ. Thế có phải mình tạo điều kiện cho hắn không.
Cho nên trước khi ly dị, cháu sẽ làm cho hắn mất hết mới hả. Cháu phải đến cơ quan gặp giám đốc công ty nói rõ là cái chức của hắn ta hôm nay là do cháu chạy chứ hắn nào có tài cán gì”.
Bà cô nói: “Cháu ơi, sao cháu làm cái việc sai trái ấy? Bây giờ tố cáo thì ai là người có lỗi? Cháu chứ ai! Mà cháu đã tìm hiểu kỹ ông giám đốc chưa, có tử tế không, hay là một lũ như nhau cả.
- Xem thêm: Năm “không”
Bất quá ông ta gọi nhân viên lên nói: “Này cậu cẩn thận quan hệ cho đàng hoàng kẻo cơ quan không muốn nghe kiện tụng chuyện gia đình đâu đấy nhé. Thằng nhân viên sẽ dạ dạ, gãi đầu gãi tai: Sếp yên tâm.
Tụi em quan hệ bạn bè trong sáng ấy mà, sếp khỏi bận lòng đi sếp”… Đấy, xã hội bây giờ kiểu như vậy đầy! Tham nhũng hối lộ chạy tội phá hoại công quỹ kia mà chưa ai làm gì được, nói gì đến cái chuyện riêng tư gia đình, phải tự thu xếp thôi”.
Bà cô lại đưa thực tế “những chuyện thường ngày ở huyện” ra, nghe tức anh ách, bất công kinh khủng, mà ngẫm ra lại đúng mới chết.
Nói bà AQ nữa thôi? Bà nói cái thằng AQ ấy nghĩ đúng với hoàn cảnh của anh ta đấy, vui với hoàn cảnh của mình, tự thấy mình thắng là mình sẽ thắng thật. Bà còn nói thằng AQ mới chính là thiền thứ thiệt. Tiếc cái đã mất chỉ là mất thêm thôi… Anh ta tư duy tích cực đó!