Cuối năm 2014, nhà xuất bản Đà Nẵng đã ấn hành cuốn tiểu sử nhà danh họa Hà Lan Vincent van Gogh, tác giả là nhà văn người Pháp David Haziot, được bà Phan Hồng Hạnh chuyển ngữ. Với những độc giả yêu thích mỹ thuật, đặc biệt là yêu mến tác phẩm của Van Gogh thì đây là một tập sách quý.
Bà Phan Hồng Hạnh, Việt kiều Pháp, mẹ của nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê và là nhạc mẫu của đạo diễn Trần Anh Hùng. Bà đã bỏ ra nhiều công sức và thời gian để chuyển ngữ cuốn sách mà trước hết là tình yêu dành cho hội họa Van Gogh nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung. Vài năm trước, bà đã dịch tập sách Những người lính thợ (Les Travailleurs Indochinois Requis Parcours 1939-1952), một phần trong công trình nghiên cứu của bà Liêm Khê Luguern, giáo sư sử địa tại Pháp về hành trình sang Pháp và số phận của những người lính thợ Việt Nam trong quân đội Pháp thời Thế chiến II.
Dù đã có rất nhiều sách viết về cuộc đời gắn với hội họa cho tới phút giây cuối đời của người nghệ sĩ thiên tài bạc mệnh, song nói như dịch giả Dương Tường trong lời giới thiệu cuốn sách thì “Hơn một thế kỷ qua, trên khắp thế giới, người ta đã và vẫn tiếp tục viết, in ấn hàng chục vạn trang sách về người khổng lồ Hà Lan này”. Và cuốn sách do bà Hồng Hạnh chuyển ngữ “nằm trong số những tiểu sử được soạn gần đây nhất và được coi như một công trình sâu sắc với một tiếp cận độc đáo”, chính vì thế sách đã nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp năm 2008 và đến năm 2012 tác giả David Haziot còn đoạt giải thưởng Goncourt danh giá về thể loại tiểu sử.
Cuốn sách đã đưa người đọc về với những ngày tháng đầu tiên của Van Gogh sau khi chào đời và tới ngày ông vĩnh biệt thế gian, xuyên suốt 37 năm ngắn ngủi của cuộc đời nhà danh họa. Tác giả Haziot đã truy nguyên cội nguồn dòng tộc của Van Gogh với nhiều tư liệu có lẽ là lần đầu tiên người đọc biết đến. “Mặc dầu người ta biết rất ít những năm đầu tiên về cuộc đời Van Gogh, nhưng những nét chính của cá tính ông ngay từ lúc ông bắt đầu cảm nhận những sự việc chung quanh mình, kết hợp với các thư tín của ông mà chúng ta đã được biết đến, tất cả những điều đó cũng có thể soi sáng được hướng đi của ông. Như Bachelard đã nói về Edgar Poe, thời thơ ấu là bể chứa của cảm giác, của tri giác xa xưa đầy mộng mị, ở đó người nghệ sĩ sẽ uống cạn trong suốt một cuộc đời. Trường “đào tạo” thật sự của Vincent là những năm đầu đời tươi đẹp đó” (trang 17). Người đọc được dẫn dắt vào thế giới hồn nhiên của cậu thiếu niên Van Gogh, ở đó “thiên nhiên đã cưu mang niềm hạnh phúc, chỉ cần dạo chơi trong thiên nhiên với một tình yêu mang sẵn trong tim và một con mắt biết nhìn, sau đó đưa vào hình họa và hội họa. Khi nhớ lại những kỷ niệm của thời thơ ấu của Van Gogh, ông đã viết: Có rất nhiều họa sĩ chuyên vẽ về phong cảnh nhưng lại không hiểu thiên nhiên một cách sâu sắc bằng những người biết ngắm nhìn những cánh đồng với nhiều cảm xúc khi họ còn trẻ thơ” (trang 21).
Haziot đã dành nhiều trang để nói về tình yêu say đắm của Van Gogh dành cho thiên nhiên, rồi những tình cảm luyến ái thời trai trẻ với nàng Eugénie, 19 tuổi, với Kate Vos-Stricker, người đàn bà đã có một đời chồng và một đứa con và những quan hệ với nhiều phụ nữ khác. Song sâu sắc nhất và có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự nghiệp nghệ thuật của ông là tình cảm vừa là ruột thịt vừa là bạn thân với người em trai Théo. Rồi khi bước chân tới thế giới của hội họa, là tình bạn với nhiều họa sĩ nổi tiếng thời đó, với họa phái Ấn tượng mà ông kính trọng và với cả Paul Gauguin, người có mối quan hệ khá phức tạp với tác giả của những Đêm đầy sao, Hoa hướng dương… cùng những khoảng thời gian dịch chuyển qua nhiều thành phố đô hội ở châu Âu, tất cả đã dần vẽ nên diện mạo của hội họa Van Gogh. Và cuốn sách đã ghi nhận những ngày tháng cuối đời bi thảm của họa sĩ, người đã tự kết liễu cuộc đời mình vào một buổi chiều tháng 7-1890. Dù kết cuộc buồn thảm như vậy, nhưng như Haziot viết: “Tác phẩm của Van Gogh không phải bao giờ cũng buồn và bi thảm (mà) đôi khi nó toát ra một hạnh phúc được hiện hữu không gì sánh tày”.