Nhóm các nước đang phát triển tại châu Á và châu Phi sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong trên con đường tăng trưởng kinh tế hai năm tới của toàn cầu. Theo bản khảo sát do Bloomberg công bố đầu tuần rồi, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2015 và 3,7% trong năm tiếp theo sau khi tăng trưởng đều đặn 3,3% trong hai năm vừa qua. Trung Quốc (mức tăng GDP đạt hạng 1), Philippines (2), Kenya (3), Ấn Độ (4) và Indonesia (5), vốn có tổng GDP chiếm đến 16% GDP toàn cầu, đều được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn 5% trong 2015. Trong khi đó, Mỹ và Anh, với GDP gộp lại chiếm khoảng 1/4 GDP thế giới, kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt 3,1% và 2,6% trong năm nay. Peru (8) dự báo trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhất châu Mỹ trong năm 2015 với 4,4%, tiếp đến là Columbia (12) và Mexico (đồng 18) với 3,2%.
Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro chỉ tăng trưởng chậm 1,2% với điều kiện Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đạt được gói thỏa thuận với Hy Lạp và áp dụng thành công chương trình mua lại công trái phiếu để kích cầu tăng trưởng kinh tế trong toàn khu vực. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất châu Âu trong năm nay sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ (15), Ba Lan (17) và Ireland (đồng 18).
Trung Quốc tiếp tục trở thành quốc gia thuộc nhóm G20 tăng trưởng nhanh nhất bất kể nền kinh tế của toàn khu vực châu Á nhìn chung không giữ vững được mức tăng trưởng cao như những năm qua. Nền kinh tế Trung Quốc sau khi đạt mức tăng GDP 7,3% trong quý IV-2014 dự báo tăng trưởng chậm lại khoảng 7% trong năm 2015. Đối diện với việc hãm tốc này, giới hoạch định chính sách tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đang ra sức thúc đẩy chương trình kích cầu tiền tệ, trong đó bao gồm việc cắt giảm lãi suất tiền gửi căn bản hồi tháng 11-2014 vốn là đợt cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2012. Tháng 2-2015, PBC cũng đã hạ thêm 50 điểm căn bản trong tỷ lệ tiền gửi dự trữ để đổ thêm tiền mặt vào thị trường. Những nền kinh tế châu Á khác thuộc top 20 quốc gia tăng có GDP cao nhất 2015 còn bao gồm: Malaysia (7), Thái Lan (9), Đài Loan (14), Hàn Quốc (16) và Singapore (đồng 18). Nhóm nước Trung Á và Trung Đông cũng ghi danh trong top 20 với UAE (10), Kazakhstan (11) và Ả Rập Saudi (13).
Nigeria (6), nền kinh tế lớn nhất châu Phi, được dự báo tăng trưởng 4,9% trong năm nay trong khi Kenya sẽ đạt cao hơn 6% trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại đây vẫn rất cao và hơn 40% dân số Kenya sống dưới mức nghèo khó. Nền kinh tế Mỹ kỳ vọng sẽ tăng trưởng ngoạn mục bất kể đồng USD đạt mức cao nhất so với các đồng tiền mạnh bao gồm euro, đôla Úc, franc Thụy Sĩ và yen Nhật trong vòng hơn 10 năm qua. Với tăng trưởng GDP tích cực và dấu hiệu lạm phát xuất hiện, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang cân nhắc đến khả năng tăng lãi suất tiền gửi đầu tiên kể từ năm 2006 và kể từ tháng 12-2008, tỷ lệ tiền gửi căn bản tại Mỹ vẫn nằm ở mức cận zero.
Lâm Kiên theo Bloomberg (DNSGCT)