Indonesia là một cường quốc đang nổi của thế kỷ XXI ở châu Á và thế giới nhưng quốc gia này không dịch chuyển theo cách truyền thống của các cường quốc khác. Thuật ngữ “cường quốc mới nổi” thừa nhận vị thế đang lên cao – trước hết là kinh tế nhưng cũng bao hàm cả yếu tố chính trị và chiến lược của một nhóm quốc gia nhất định. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các nước này, đều từng được xếp hạng là một phần của “thế giới thứ ba” hoặc các nước đang phát triển. Indonesia thuộc về nhóm này. Là nước đông dân thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, Indonesia cũng là nước có đông dân theo đạo Hồi nhất là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới. Kinh tế của Indonesia hiện đứng thứ 16 thế giới, công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company đã dự báo rằng nước này có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy vào năm 2030.
Quản lý mối quan hệ với các nước lớn
Indonesia không tự xem mình là một cường quốc tầm cỡ toàn cầu nhưng lại chú trọng gây ảnh hưởng nhờ mối quan hệ với các nước lớn khác thông qua vai trò ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (giờ đây được mở rộng ra thành Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhằm bao hàm cả Ấn Độ). Sở dĩ có cách tiếp cận đó là do khu vực này hiện là nơi chứa đựng những chủ thể có sức mạnh vật chất lớn nhất trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Nhưng làm cách nào để Jakarta có thể tiếp cận được các mối quan hệ chiến lược trong khu vực này? Hiển nhiên, Indonesia không thể làm được nếu chỉ là một cá thể đơn độc nhưng với tư cách một chủ thể đa phương tầm cỡ khu vực, Indonesia tạo ra cho mình một lợi thế mà các cường quốc khác không thể có. Chủ nghĩa đa phương sẽ không có kết quả nếu nó chỉ đơn thuần chú trọng các nước lớn, điều đó sẽ gạt ra ASEAN ngoài lề, kéo theo cả Indonesia. Cách tiếp cận được Indonesia ưa thích là thế “cân bằng động”. Sáng kiến “cân bằng động” là một ví dụ điển hình về cách tiếp cận dựa trên khu vực của Indonesia đối với trật tự thế giới. Sáng kiến này ra đời xuất phát từ những căng thẳng giữa các cường quốc, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với những căng thẳng như vậy, cách tiếp cận trên không chỉ phủ nhận thế độc tôn của bất kỳ cường quốc nào trong khu vực, dù là Mỹ hay Trung Quốc. Mục đích “cân bằng động” muốn đạt được không phải để tạo ra trật tự thông qua phát triển quân đội, liên minh và chạy đua vũ trang mà là để giữ ASEAN đứng ở trung gian giống như “nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng”.
Những thách thức trong tương lai của Indonesia
Tại sao Indonesia lại quan trọng đối với thế giới? Tại sao cả thế giới lại quan tâm tới Indonesia? Chắc chắn là từ những yếu tố quan trọng như diện tích lớn, dân số đông, vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế. Cũng không kém phần quan trọng là xã hội Indonesia có truyền thống khoan dung tôn giáo và đa dạng sắc tộc. Ngoài ra, bản chất và mục đích của hệ thống chính trị Indonesia cũng quan trọng. Chính sách đối ngoại và vị thế quốc tế mà nhà nước Indonesia hoạch định – việc tham gia các định chế quốc tế, trong ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, có vai trò lớn trong định hình cách nhìn nhận của thế giới đối với Indonesia và tầm quan trọng của nước này trên trường quốc tế và khu vực. Mặc dù có những hứa hẹn và thành công, Indonesia đối mặt với những thách thức trong việc hiện thực hóa vai trò như một cường quốc mới nổi, nhất là trong cách tiếp cận “cân bằng động”. Trước hết, môi trường bên ngoài của Indonesia trở nên ngày càng phức tạp và đầy thử thách, cảm giác lạc quan thời kỳ hậu “Chiến tranh lạnh” đã chấm dứt, những hành động độc đoán của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông đã làm dấy lên nỗi lo ngại ở các nước châu Á, bao gồm cả Jakarta. Giờ đây Indonesia cho rằng “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông có chồng lấn lên vành đai quần đảo Natuna, theo đó tạo tiền đề cho một mối quan hệ xung đột với Trung Quốc. Trong khi đó Indonesia tiếp tục nhấn mạnh vai trò của mình như một trung gian hòa giải và thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, một hành động làm tồi tệ thêm tình hình ở Natuna có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới vai trò này. Một thách thức khác đối với vị thế của Indonesia với tư cách là trung gian hòa giải ở khu vực đến từ chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đã theo đuổi việc thắt chặt quan hệ quân sự với Indonesia một cách cẩn trọng vì Washington cũng tiếp tục tôn trọng nguyên tắc trung tâm của ASEAN. Nhưng nếu quan hệ Mỹ – Trung xấu đi, nó sẽ là một thử thách đối với lập trường của Indonesia. Do vậy, điều này phụ thuộc vào khả năng của Jakarta trong việc thúc đẩy đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), vốn dĩ không có gì đảm bảo chắc chắn. Nếu Indonesia không thể làm được điều đó, thì người ta sẽ đặt dấu hỏi đối với tính hiện thực của chính sách “triệu người bạn, không kẻ thù” của chính quyền Susilo, vốn đã được các nhà quan sát cho là “chỉ có ở trong mơ”.
Lê Quân (DNSGCT)