Năm 2014 là một năm đầy biến động trên mọi lĩnh vực ở tầm thế giới và thời trang cũng không nằm ngoài cuộc. Tuy nhiên với thời trang, đó là những biến động cho một sự chuyển đổi nhiều hứa hẹn trong năm 2015.
Những trật tự mới
Có thể nói đã có quá nhiều sự kiện xảy ra ngoài dự đoán trong năm 2014.Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi trật tự trong giới thiết kế. Oscar De La Renta qua đời, Jean Paul Gaultier ngưng dòng thời trang Ready-to-wear, Frida Giannini rời khỏi Gucci sau hơn 12 năm gắn bó, Christophe Lemaire rời khỏi Hermes để tập trung cho thương hiệu riêng… Nhưng đồng thời, sự mất mát và ra đi đó lại là một cơ hội phát triển và tỏa sáng của những nhân tài khác theo quy luật chung tre già măng mọc và quy luật riêng của thời trang: Phải luôn luôn thay đổi.
Nổi bật nhất là Nicolas Ghesquiere “kế vị” tại thương hiệu thời trang khổng lồ Louis Vuitton. Đúng như những gì người ta trông đợi vào sự thay đổi đầy bất ngờ và thú vị này, Nicolas đã làm mới thương hiệu Louis Vuitton, mang đến một cái nhìn tổng thể về sự trẻ trung, hiện đại nhưng cũng thực dụng hơn. So với thời của Marc Jacobs, thời trang Louis Vuitton là những bộ cánh cầu kỳ lấn át cả những chiếc túi thì giờ đây, mọi thứ đã trở nên cân bằng. Nói cách khác, Louis Vuitton của ngày hôm nay không chỉ muốn người ta xách túi mà còn mặc cả trang phục của mình.
Trong khi đó, thương hiệu Gucci có dấu hiệu không mấy khả quan.Báo cáo tài chính của Tập đoàn Kering cho biết doanh số bán lẻ của Gucci giảm so với mọi năm. May mắn thay, thương hiệu Saint Laurent cùng thuộc tập đoàn với Gucci đã kéo lại phần sụt giảm mà trong đó, sản phẩm đồ da và phụ kiện được xem là bán chạy nhất. Có lẽ người tiêu dùng đang cần một sự thay đổi bùng nổ tại thương hiệu thời trang vốn được xem là đối thủ của Louis Vuitton. Tuy nhiên, không thể phủ nhận công lao to lớn của Frida tại Gucci khi cô đã tạo ra hình tượng một người phụ nữ thanh lịch và đẳng cấp.
Một trong những tin vui khác cho những người yêu thời trang là sự trở lại của ông hoàng Maximalism – John Galliano sau hơn ba năm vắng bóng. Đầu năm 2015, John Galliano sẽ chính thức trở lại với thời trang bằng bộ sưu tập Haute Couture cho thương hiệu Maison Martin Margiela. Việc Galliano có mặt tại thương hiệu này là một ẩn số thú vị và ít nhất đem đến điều mà thời trang thiếu vắng bấy lâu nay: Sự tự do thăng hoa và mạo hiểm.
Đa dạng khuynh hướng phát triển
Về xu hướng, thời trang thể thao có thị phần khá cao trong ngành may mặc nhưng vẫn không được tính vào thời trang cao cấp cũng như chỉ quanh quẩn chốn phòng tập, nhưng năm 2014 chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục: Thời trang thể thao lên ngôi. Các nhà thiết kế lần lượt lấy xu hướng ăn mặc thể thao trên đường phố để làm cảm hứng, mang lại một cái nhìn hoàn toàn mới về thời trang cao cấp có thể mặc như trang phục thông thường trên đường phố. Từ Rick Owens, Raf Simons cho đến Alexander Wang, thậm chí những thương hiệu vốn mang vẻ nữ tính và sang trọng như Dior và Chanel cũng có những mẫu giày thể thao đẹp mắt. Từ sự bùng nổ về những đôi giày sneakers cho đến T-shirt, áo và quần nỉ (sweater)… tất cả tạo nên một xu hướng thời trang trẻ trung và thú vị mà dự báo có thể sẽ không hạ nhiệt trong năm 2015.
Dòng trang sức và đồng hồ tuy không nổi trội bằng dòng trang phục và phụ kiện da nhưng lại là một trong những mặt hàng thu nhiều lợi nhuận và có tiềm năng rất lớn cho các thương hiệu. Mua trang sức và đồng hồ không chỉ để làm đẹp tức thời mà đó còn là một khoản đầu tư lâu dài bởi đá quý không sợ mất giá còn đồng hồ càng lâu càng có giá trị. Ngoài những thương hiệu chuyên về trang sức như Cartier, Tiffany&Co, BVLGARI thì dòng trang sức và đồng hồ trở thành thế mạnh tiềm năng của các thương hiệu thời trang, điển hình có Hermes đã bắt đầu có những boutique chỉ bán trang sức và đồng hồ vào năm 2013. Thương hiệu Maison Martin Margiela cũng bắt đầu cho ra mắt dòng trang sức vào mùa hè năm 2014. Ông Renzo Rosso, chủ của thương hiệu Maison Martin Margiela cũng như nhiều thương hiệu khác cho biết: “Sự tăng trưởng về trang sức trong tương lai là cơ hội và là sân chơi cho những thương hiệu không thuần trang sức”.
Khoảng quý III-2014, tại Hongkong diễn ra sự kiện chính trị “Yellow Umbrella” giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực du lịch và bán lẻ thời trang của khu vực này. Các thương hiệu như Salvatore Ferragamo, Prada, Gucci là ba trong số 260 thành viên của Hội thương mại Ý chịu tác động không hề nhỏ đến doanh thu. Chỉ trong vòng một tháng doanh số đã giảm từ 30 – 40%, khiến các thương hiệu phải đệ đơn xin hỗ trợ giảm nhiều chi phí từ chính quyền. Khó khăn của Hongkong lại là cơ hội cho những nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, giá cả du lịch ở hai nơi này khá cao nên Thái Lan, Singapore sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho những ai đi du lịch kết hợp mua sắm.
Không nhộn nhịp và sôi động bằng các trung tâm mua sắm lớn trong khu vực, thị trường bán lẻ ở Việt Nam còn khá non trẻ và không thực sự xuất sắc trong năm vừa qua. Trong năm 2015, có hai thương hiệu thời trang Ý là Bottega Veneta và Prada sắp có mặt ở Hà Nội và TP.HCM. Riêng thương hiệu đại diện cho sự thanh lịch kiểu Mỹ Brooks Brothers sau cửa hàng đầu tiên khai trương cuối tháng 9-2014 thì vào tháng 4 sẽ khai trương tiếp cửa hàng thứ hai tại Hà Nội. Sự xuất hiện của những thương hiệu mới cơ bản tạo ra sự phong phú cho thị trường cũng như thêm sự lựa chọn cho đối tượng tiêu dùng hàng cao cấp. Tuy chưa nhận được nhiều kỳ vọng của các tên tuổi thời trang lớn ngay lập tức, nhưng Việt Nam vẫn được xem như thị trường mới nổi nhiều tiềm năng.
- Khải Hoàng