Từ nhiều năm qua, một số nhà hoạch định chính sách vẫn tin rằng nếu nhà nước không có những biện pháp mang lại sự công bằng trong thu nhập, thì áp lực thị trường cũng sẽ chuyển một phần sự thịnh vượng của xã hội cho những người nghèo nhất và góp phần vào sự phát triển chung. Tuy nhiên, gần đây, có những dấu hiệu cho thấy niềm tin này đã bị phá sản khi các chuyên gia kinh tế khẳng định rằng khoảng cách về thu nhập giữa các giai tầng xã hội đang tạo ra bất ổn ở nhiều nước trên thế giới. Trong một báo cáo công bố vào tháng 12 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trụ sở đặt tại Paris (Pháp) đã lập luận rằng “giảm thiểu bất bình đẳng về thu nhập sẽ nâng cao đà tăng trưởng kinh tế”. Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy là ở những nước mà sự bất bình đẳng về thu nhập đang giảm dần thì tăng trưởng nhanh hơn những nước mà sự bất bình đẳng đang tăng cao. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, trong khu vực OECD, số người giàu nhất và nghèo nhất cùng chiếm 10% dân số, nhưng người giàu có thu nhập gấp 9,5 lần số người nghèo nhất. Tỷ lệ này vào thập niên 1980 mới là 7:1 và điều đó cho thấy khoảng cách thu nhập giàu – nghèo đã tăng theo thời gian thay vì giảm.
Phân tích các yếu tố dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập, các nhà nghiên cứu cho rằng giáo dục là một vấn đề then chốt, “việc thiếu đầu tư về giáo dục của người nghèo là yếu tố chính làm ảnh hưởng bất lợi cho sự tăng trưởng”. Theo Michael Forster, nhà phân tích hàng đầu của OECD, người nghèo và giai tầng trung lưu thấp đang bị bỏ lại đằng sau những xã hội bất bình đẳng, họ không có đủ nguồn thu nhập để lo việc học cho con cái họ như những người giàu có, vì thế, các chính phủ cần xem lại chính sách thuế khóa để thu hẹp khoảng cách giữa những nhóm người này, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với những luận cứ trên. Một số nhà nghiên cứu vẫn cho rằng khó mà chỉ ra những hậu quả của tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Theo nhà kinh tế học người Mỹ Jared Bernstein, không dễ thiết lập mối quan hệ rõ ràng giữa sự bất bình đẳng trong giáo dục với sự tăng trưởng kinh tế. Ông cùng một số đồng nghiệp đồng tình với chuyện con cái của người nghèo không có được những điều kiện học hành tốt bằng con nhà giàu có, nhưng không chia sẻ với quan điểm cho rằng sự kiện này có những tác động lên đời sống kinh tế và xã hội nói chung. Đi tìm một giải pháp cho sự cách biệt quá lớn về thu nhập trong xã hội, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các chương trình xóa đói giảm nghèo không đủ để tạo ra những cơ hội tốt nhất trong một thời gian dài. Theo họ, các chương trình hỗ trợ người nghèo phải kèm theo một số yêu cầu như cho con cái vào học trường công lập, định kỳ đến các phòng khám y tế để chích ngừa, cùng với việc tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng khác. Tại Pháp, ngay sau khi được cử làm tổng thống vào tháng 5-2012, ông François Hollande đã công bố chương trình đánh thuế 75% lên những khoản thu nhập trên 1 triệu euro và điều này đã đẩy nhiều gia đình giàu có bay sang Bỉ cùng nhiều nước khác để sinh sống. Vì thế, việc đánh thuế nặng lên những khoản thu nhập lớn nhằm thu hẹp bớt cách biệt giàu nghèo không phải lúc nào cũng có thuận lợi. Áp dụng trong những điều kiện không phù hợp, chúng trở thành phản tác dụng, có hại hơn là có lợi cho yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)