Năm phút với ga xép là tên cuốn sách mới nhất của đạo diễn điện ảnh Việt Linh, gồm những bài tạp bút của chị đã được in trên Tuổi Trẻ, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, Thời báo Kinh tế Sài Gòn…, trong đó phần lớn là in trên tạp chí Đẹp. Theo nhận xét của nhà báo Lê Hồng Lâm, bạn đọc “tìm đến cái ga xép của chị để lắng nghe những câu chuyện đời, được chắt lọc bởi một người phụ nữ đã trải qua nhiều biến cố, mà vẫn rưng rưng rung cảm với tha nhân, với cuộc đời; mà vẫn gần gũi, đồng cảm với những người phụ nữ thế hệ con, cháu của chị. Năm phút với cái ga xép đó, vì vậy đôi khi để lại cái dư âm thật lâu, thật dài”.
Nếu ai đó thích quan sát cuộc sống, muốn nhìn thấy điều mới lạ, hay muốn thấy góc nhìn mới lạ cho những điều quen thuộc thì Năm phút với ga xép là một cuốn sách rất đáng đọc. Tên gọi tản văn có lẽ không đủ cho tác phẩm 350 trang nhưng chứa quá nhiều câu chuyện, quá nhiều khía cạnh cho những chủ đề mà có lẽ ai cũng có lần phải đối mặt trong đời. Đó có thể là góc khuất, là chuyện hậu trường của hoàng hậu Hà Lan (Maxima và ba mươi ngàn bông hoa), của cố đệ nhất phu nhân nước Pháp (Đằng sau một tinh thần bất phục), đó có thể là lựa chọn tan nát cõi lòng của những người Việt Linh quen biết (Ba tiếng chuông nữ quyền, Nhốt đá làm chi)… Dù nói về ai, câu chuyện tác giả kể lại là những tình huống mà người phụ nữ nào cũng có thể gặp phải, dưới phiên bản này hay phiên bản khác. Và cuối cùng, sự vị tha hay tính nhân văn trong ứng xử là điều làm nên vẻ đẹp cao quý cho người phụ nữ, dù bình thường hay nổi tiếng.
Bên cạnh đời sống thực muôn màu, thế giới hấp dẫn của nghệ thuật điện ảnh quốc tế cũng được Việt Linh chia sẻ với tình yêu nghề còn vô cùng mãnh liệt. Cái đẹp, cái hay của từng mảnh tinh hoa trong bức tranh nghệ thuật thứ bảy được chị vẽ lại sống động và hấp dẫn (Ba lần chôn tội ác, Tận thế của tâm hồn…). Đặc biệt, trong Sử mình qua phim người, độc giả còn được biết thêm khía cạnh cá nhân thú vị của cựu Tổng thống Sarcozy trong vai trò biên kịch cho bộ phim truyền hình về bối cảnh lịch sử Đông Dương năm 1945.
Cũng với cái nhìn của một người Việt Nam cởi mở sống ở Paris – trung tâm văn hóa lớn của thế giới – Việt Linh chia sẻ với người đọc nhiều câu chuyện vô cùng đẹp của tình yêu nghệ thuật chân chính (Vĩ nhân đội thường dân, Đẹp để biến mất, Paris sẽ nhớ một người). Nhưng Paris hoa lệ cũng có những bi kịch riêng của mình. Bi kịch của một xã hội tiến bộ, nghiêm minh tuy rất khác nhưng cũng là bài học mà Việt Nam, hay bất kỳ xã hội nào đang tiến đến kỷ cương nên biết (Làm ơn Tây, làm phước ta). Cũng có những thảm kịch nhân loại (Khăn trắng đi tìm công lý, Người dân bị hy sinh) được tác giả kể lại bằng vốn hiểu biết sâu rộng và cách lồng ghép những chi tiết gây xúc động, để qua đó người đọc hiểu hơn về tha nhân, về nhân loại mênh mông nhưng vẫn có nhiều bi kịch tương tự nhau.
Nhiều nhất trong cuốn sách là những câu chuyện thật về tình người, tình cảm gia đình và có lẽ cảm động nhất là về xung đột thế hệ (Tội nghiệp hoa hồng, Trẻ con thì luôn nhớ…).Hầu hết mỗi người Âu hay Á đều có người thân, nhưng người chưa từng gây tổn thương cho người mình yêu quý có lẽ vô cùng ít, vì thế mà có nhiều tuổi thơ chưa trọn vẹn, nhiều nỗi buồn mãi không nói được thành lời. Là người thích lắng nghe, chiêm nghiệm, Việt Linh mỗi khi kết thúc câu chuyện, dù buồn hay vui thì vẫn đọng lại vị ngọt của tình thương, xen lẫn vào đó là vị đắng từ nỗi bất lực trước những bất toàn của cuộc đời. Nhưng vì con người sinh ra là để trải nghiệm và trưởng thành nên cuộc đời này vẫn luôn cần đến vị đắng, nhiều khi qua vị đắng, người ta biết đâu là tình yêu thật sự. Mà chắc cũng chỉ những ai có trái tim biết yêu thương thật sự thì mới: “dám đưa tay ra để hứng lấy tất cả vị đắng của tình yêu, để nhường phần ngọt ngào cho người còn lại” (Đưa tay hứng đắng).
Năm phút với ga xép do NXB Trẻ xuất bản. Sách hiện đã được bán rộng rãi tại các nhà sách, giá 92 ngàn đồng.
Cẩm Tú (DNSGCT)