Ngày càng nhiều người tìm đến bác sĩ tâm thần vì cuộc sống bịảnh hưởng nghiêm trọng bởi chứng suy giảm trí nhớ. Tình trạng “đãng trí”, quên trước quên sau không còn là triệu chứng điển hình của quá trình lão hóa nữa mà được gọi tên là bệnh Alzheimer, một bệnh lý nghiêm trọng về não bộ. Nguyên nhân của bệnh vẫn còn là điều bí ẩn, y học chỉ chứng minh rằng Alzheimer có liên quan đến sự tổn thương không ngừng của tế bào não. Bệnh chiếm từ 50 – 80% trong nhóm bệnh sa sút tâm thần gây ra suy giảm trí nhớ từ từ, giảm khả năng tư duy và quên dần cả các kỹ năng cuộc sống thường ngày.
Mười dấu hiệu có thể nhận biết của bệnh Alzheimer
Doanh nhân và dân văn phòng rất hay có các dấu hiệu suy giảm trí nhớ ở mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng thường không quan tâm đúng mức vì cho rằng đó là ảnh hưởng của stress và những căng thẳng trong công việc, cuộc sống. Chúng ta cần lưu ý mười dấu hiệu sau đây để thăm khám chuyên khoa thần kinh, tâm thần càng sớm càng tốt.
1. Giảm trí nhớ đến mức cuộc sống hằng ngày bịảnh hưởng nghiêm trọng. Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh Alzheimer là suy giảm trí nhớ, ngay cả chuyện vừa mới nói đến. Bệnh nhân thường quên ngày tháng và sự kiện quan trọng, hay hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin hoặc phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ trí nhớ như thiết bị điện tử hoặc giấy ghi chú.
2. Giảm tập trung, khó thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Một vài người có sự thay đổi rõ rệt trong khả năng lập ra và thực hiện các kế hoạch trong cuộc sống, công việc, nhất là khi làm việc với các con số. Họ khó tập trung và mất nhiều thời gian để thực hiện các công việc quen thuộc hay làm trước đó.
3. Thường gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc thường ngày và không nhớ nội dung bộ phim đang theo dõi. Đôi khi, họ cũng gặp rắc rối khi lái xe đến một địa điểm quen thuộc, quản lý ngân sách ở công ty hay ghi nhớ luật lệ của trò chơi yêu thích.
4. Nhầm lẫn các thời điểm trong ngày và các ngày trong tuần. Bệnh nhân Alzheimer có thể không nhớ được ngày tháng, các mùa trong năm và mốc thời gian. Thậm chí nhiều lúc họ quên mất mình đang ở đâu hay làm sao họ đến được nơi đó.
5. Mắt nhìn kém vì đục thủy tinh thể, một dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Họ gặp khó khăn khi đọc chữ, phán đoán khoảng cách, xác định màu sắc… Người bệnh nặng có thể không nhận ra hình ảnh của mình trong gương.
6. Thường gặp khó khăn trong giao tiếp, trò chuyện. Người bệnh dùng từ ngữ không đúng trật tự hoặc không tìm đúng từ mình cần dùng. Họ hay dừng lại giữa cuộc nói chuyện và không biết cách nào để tiếp tục hoặc cứ lặp đi lặp lại một ý nào đó.
7. Để vật dụng lung tung, không đúng với trật tự cũ nên họ thường không tìm ra các vật dụng cần thiết. Một số bệnh nhân còn bị buộc tội là ăn cắp vì bỏ quên đồ người khác.
8. Khả năng nhìn nhận, phán đoán giảm. Họ hay bị lừa khi giải quyết vấn đề liên quan đến tiền, chẳng hạn như dễ dàng đưa nhiều tiền cho người qua đường (một số người hay cho là mình bị “bỏ bùa”). Người bị mất trí nhớ cũng ít chú ý đến vệ sinh cá nhân và trang phục của mình.
9. Rút lui khỏi công việc và sinh hoạt xã hội. Họ có xu hướng rút lui khỏi các sở thích, hoạt động xã hội, dự án công việc hay các môn thể thao vì quên cả sở thích, cách chơi hoặc mặc cảm vì không theo kịp những người cùng chơi với mình.
10. Tâm trạng và tính cách của người bệnh dễ thay đổi. Họ trở nên bối rối, đa nghi, chán nản, sợ hãi hay lo lắng, dễ dàng nổi giận vì cảm giác không thoải mái.
Một số quan niệm chưa đúng về Alzheimer
1. Bệnh Alzheimer không phải là bệnh chết người: Tế bào não của người bệnh bị phá hủy nghiêm trọng và gây ra thay đổi trí nhớ, lệch lạc hành vi và mất chức năng hoạt động của cơ thể. Bệnh nhân trở nên chậm chạp, kém ý thức, hay mặc cảm và hạn chế trong suy nghĩ, ăn uống, nói chuyện, đi lại… nên tỷ lệ tử vong cao. Rất ít bệnh nhân Alzheimer đạt tuổi thọ trung bình.
2. Chỉ người già mới mắc bệnh Alzheimer: Thực tế, bệnh Alzheimer có thể xuất hiện ở độ tuổi từ 30 đến 50, gọi là những bệnh nhân Alzheimer khởi phát sớm. Có khoảng 5,3 triệu người Mỹ mắc bệnh Alzheimer, trong đó có đến 200 ngàn bệnh nhân khởi phát sớm trước 60 tuổi. Tại Việt Nam chưa có thống kê chính thức nhưng trong giới doanh nhân và nhân viên văn phòng, tỷ lệ người trẻ bị suy giảm trí nhớ là không nhỏ.
3. Các trị liệu hiện nay có thể giảm tiến triển của bệnh Alzheimer: Thực tế, cho đến hiện tại, y học vẫn chưa có phương pháp hay liều thuốc nào chữa khỏi hay ngưng tiến triển của bệnh Alzheimer. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA chỉ tạm chấp thuận việc dùng một số trị liệu Alzheimer tác dụng làm chậm các biểu hiện ngày càng xấu đi của bệnh Alzheimer trong thời gian trung bình từ 6 đến 12 tháng. Các phương pháp này cũng đang được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần Việt Nam.
- BS Phạm Văn Trụ, PGĐ Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh