Nông dân cày sâu cuốc bẫm mà vẫn nghèo là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thế nhưng hàng chục năm qua tình hình vẫn không cải thiện vì giữa nói và làm không đi đôi. Và thế là phải tiếp tục… nói.
Tại lễ kỷ niệm “Ngày Lương thực Thế giới 16-10” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu trong độ tuổi lao động, bằng khoảng 70% lao động của cả nước nhưng chỉ đóng góp 20% GDP.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước, thu nhập bình quân của người nông dân chỉ bằng một nửa mức lương tối thiểu, dẫn đến một bộ phận không nhỏ nông dân bỏ ruộng lên thành phố, làm việc tại khu công nghiệp để kiếm thu nhập khá hơn.
[one_third last=”no”]Đồng bằng sông Cửu Long là vùng châu thổ lớn nhất Việt Nam với gần 4 triệu ha đất tự nhiên, 28.000km sông rạch. Toàn vùng gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh, có dân số 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất nước với hơn 50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây, 60% lượng rau quả và 52% lượng thủy sản, đóng góp đến 90% số lượng gạo và 60% số lượng thủy sản xuất khẩu.
Tuy nhiên trong nhiều cái “nhất” đó cũng chính tại Đồng bằng sông Cửu Long này, vẫn còn có khoảng 4 triệu nông dân đang sống trong cảnh nghèo đói, thu nhập chưa đến 1 USD/ngày. Nông dân ta ở đây sống trong 3 triệu căn nhà, mà đến 70% là nhà tạm bợ. [/one_third]
Để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ nông nghiệp, Thứ trưởng Doanh cho rằng cần hỗ trợ họ bán được nông sản với giá hợp lý và mua được vật tư đầu vào chất lượng, cho vay dài hạn lãi suất thấp. Nghĩ như vậy là quá đơn giản, trong khi sản xuất nông nghiệp của chúng ta phải đối diện với không biết bao nhiêu khó khăn từ cơ chế cho đến chuyên môn.
Trước đây, có lần Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường trong một cuộc hội thảo hồi tháng 3-2012 đã mô tả người nông dân Việt Nam đứng đầu với năm cái nhất của xã hội: Đông nhất, nghèo nhất, nhiều bức xúc nhất, hy sinh nhiều nhất và hưởng lợi ít nhất.
Nghèo nhất trong số những nông dân nghèo phải kể tới người trồng lúa, cho dù đó là Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa cung cấp đến 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta, giúp Việt Nam nhiều năm luôn ở trong tốp ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Thu nhập trung bình của người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận là 535.000đ/tháng/người. Đây là số liệu đáng tin cậy do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cùng Tổ chức phi chính phủ Oxfam nghiên cứu và công bố gần đây.
Nhược điểm của chính sách lúa gạo của Việt Nam là một câu chuyện dài hàng chục năm nay lặp đi lặp lại trong tất cả các cuộc hội nghị liên quan đến nông nghiệp. Nào là sản xuất nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng thấp, công nghệ sau thu hoạch lạc hậu; nào là phân chia lợi nhuận bất hợp lý giữa người sản xuất và công ty kinh doanh thu mua lúa gạo; nào là Chính phủ vẫn chưa cải thiện được cơ chế chính sách tiêu thụ và xuất khẩu gạo, vẫn để cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cầm trịch điều hành theo cách độc quyền. Và ai cũng biết hễ độc quyền là có bóng dáng của lợi ích nhóm, gây phương hại cho ngành hàng cũng như gây khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm, mà gạo là một dẫn chứng cụ thể nhất.
Mặc dù về nguyên tắc Việt Nam theo đuổi thị trường tự do, nhưng hoạt động xuất khẩu gạo hầu như được chi phối bởi hai Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và hàng chục công ty con trực thuộc. Nhóm thành viên này chi phối từ 60% – 70% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước.
Khi thị trường thăng hoa, phát triển theo nhu cầu quốc tế tăng lên thì họ dễ dàng bán được gạo, còn khi thị trường suy yếu thì họ gặp bế tắc. Tình trạng này lặp đi lặp lại rất nhiều năm cho tới bây giờ cũng không thay đổi khiến nông dân càng thêm khó khăn. Chỉ tiêu thụ gạo đã như vậy, họ cũng không thể nào phát triển chuỗi giá trị của ngành gạo để tạo ra được giá trị gia tăng mới gì cả.
Chúng ta có nhiều chủ trương, chương trình, nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp và tạo điều kiện cho nông dân thoát nghèo (chứ chưa nói đến làm giàu) nhưng dường như chỉ làm nửa vời. Chính vì vậy mà cần nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước thành công trong đó có Australia và Israel.
Bài học từ nông dân Australia
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng (Trưởng Khoa học Ứng dụng, Đại học RMIT – Australia) cho biết quốc gia này có chính sách kinh tế thị trường hướng đến xuất khẩu. Tuy nông nghiệp chỉ chiếm 3% GDP và 4% lực lương lao động của cả nước, nhưng chính phủ luôn có chủ trương giao việc cho nông dân, xem họ là thành phần chủ quản.
Vì nông dân là chủ thể của nông thôn nên thành phần này đã cố gắng xây dựng một nền nông nghiệp bền vững có lợi cho họ và toàn xã hội. Nông dân Australia được khuyến khích thành lập hiệp hội để quản lý ngành nghề của mình. Hội là của nông dân chứ không phải của quan chức (điều này khác với nước ta) nên đã thực sự giúp nông dân tổ chức tốt và quản lý hiệu quả dây chuyền sản xuất. Kiến thức rộng và kỹ năng cao của hiệp hội đã hướng dẫn chính xác trong tính toán cung – cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Theo Tiến sĩ Vọng, nhờ vậy mà nông dân Australia không cần phải chặt/trồng để theo đuôi thị trường, cũng không cần phải tiếp cận với thương lái trong những thương vụ mang tầm vĩ mô như xuất khẩu – nhập khẩu vì đã có hiệp hội lo. Rất ít khi xảy ra cảnh “được mùa mất giá” vì thị trường luôn định hướng trước khi sản xuất. Thu nhập cao là điểm then chốt giúp nông dân Australia bám trụ, xây dựng nông thôn mới để đưa nông nghiệp tiến lên.
Trong khi đó thì nông dân Việt Nam chưa được giao cho làm chủ thể của nông thôn. Là thành phần sản xuất nhưng có vẻ họ đang làm thuê trên mảnh đất của mình. Đất nông nghiệp được cho phép khai thác trong thời gian ngắn là một bước cản lớn không những cho nông dân mà còn cho doanh nghiệp nào muốn đầu tư khoa học và công nghệ cao cho nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.
Bài học từ Israel
Israel chỉ rộng bằng 1/58 Việt Nam, với mật độ dân số thuộc loại cao nhất thế giới, vậy mà chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp, quốc gia này không những bảo đảm đủ nhu cầu lương thực mà còn xuất khẩu tới 3 tỉ USD nông sản. Có được điều này là nhờ năng suất lao động nông nghiệp của Israel rất cao.
Năm 1950, tức mới một năm sau ngày lập quốc, một nông dân Israel cung cấp thực phẩm đủ cho 17 người, còn ngày nay là 90 người. Một hécta đất của Israel hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ. Đặc biệt, một con bò của Israel cho tới 11 tấn sữa/năm – đây là năng suất mà không một nước nào trên thế giới có được. Ở nước ta, nói đến nông nghiệp thì cứ nghĩ đến cây lúa là chủ yếu.
Các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel rất gần gũi với đồng ruộng. Từ viện nghiên cứu hay trường đại học, họ có thể đi thẳng tới các cánh đồng. Do gần gũi với nông dân, hoặc chính gia đình mình là nông dân, nên các nhà nghiên cứu nông nghiệp giải quyết các vấn đề của đồng ruộng một cách hữu hiệu nhất.
Mặt khác, sức ép thiếu đất và nước rất đắt khiến các nhà nghiên cứu nông nghiệp phải bằng mọi cách đẩy năng suất lên cao nhất. Israel là nước phát minh ra hệ thống tưới nhỏ giọt (dip irrigation) điều khiển bằng máy tính để không một giọt nước nào bị bỏ phí. Trình độ nông dân của Israel cũng rất cao, hầu như tất cả đều hoàn tất bậc trung học. Nhiều người vừa tốt nghiệp đại học đã quay lại đồng ruộng, sau đó lại mang kinh nghiệm đồng áng của mình tới trường đại học với tư cách nhà nghiên cứu hoặc giảng viên.
Phần lớn các nhà khoa học nông nghiệp Israel làm cho nhà nước. Có tới hơn 60% các công trình nghiên cứu nông nghiệp là của Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp (ARO) hay Trung tâm Volcani thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. ARO có bảy viện nghiên cứu con: Viện Rau, Viện Thu hoạch, Viện Vật nuôi, Viện Khoa học Đất – Nước và Môi trường, Viện Bảo vệ Thực vật, Viện Sau thu hoạch và Viện Cơ khí nông nghiệp. Khoa Nông nghiệp của các trường Đại học Hebrew, Đại học Tel Aviv… cũng có chức năng nghiên cứu nông nghiệp. Mỗi năm Israel chi khoảng 90 triệu USD cho nghiên cứu nông nghiệp, trong đó khu vực tư nhân chi khoảng 20 triệu USD. Trong khi đó nước ta cũng có nhiều viện nhưng hầu như chẳng viện nào giúp ích thiết thực gì cho nông dân.
So với Việt Nam, tài nguyên của Israel hầu như không có gì, đất đai khô cằn, 60% sa mạc, lượng mưa phân bố không đều và mưa ngắn từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Khu vực phía Bắc lượng mưa chưa tới 1.000mm/năm, phía Nam chỉ có 30mm/năm (trong khi Việt Nam là 2.000mm/năm).
Sự tăng trưởng liên tục trong sản xuất nông nghiệp Israel là nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu, chuyên gia khuyến nông, nông dân và các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
Chúng ta có bao nhiêu đoàn nghiên cứu đến những nước như Australia, Israel. Thế thì điều gì khiến chúng ta học được ở nước bạn để không chỉ giúp nông dân thoát nghèo mà giúp cho cả nền nông nghiệp phát triển.
Phạm Thành Sơn (DNSGCT)