Liên đoàn công nghiệp băng đĩa quốc tế (IFPI) đang dự định thiết lập ngày phát hành đĩa toàn thế giới sang thứ Sáu nhưng ở Mỹ đang phản đối ý kiến này.
Bên cạnh các liên minh cửa hàng đĩa độc lập, không thuộc các chuỗi lớn, là nơi đầu tiên cất tiếng phản đối thì American Association of Independent Music, tổ chức của các hãng đĩa độc lập và Target, chuỗi bán lẻ, đều phản đối tung ra đĩa ngày thứ Sáu. Hiệp hội các nhà bán lẻ hàng giải trí (Entertainment Retailers Assn.) cũng đang nghiên cứu phát hành đĩa thứ Sáu có lợi gì trước khi có phát biểu chính thức. Và nghe đồn Worldwide Independent Network, đại diện các hãng đĩa độc lập trên toàn thế giới cũng đang lưu tâm vấn đề này.
Đại diện của Target tuyên bố: “Chúng tôi hoàn hoàn hỗ trợ và muốn giúp đỡ những cố gắng của làng nhạc đấu tranh chống đĩa lậu và chúng tôi cũng 100% đồng tình với việc có ngày phát hành toàn cầu. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng ngày phát hành thứ Ba hiện nay đang là tốt nhất. Ngày này thống nhất với ngày phát hành các sản phẩm giải trí khác ở Bắc Mỹ. Khách hàng của chúng tôi biết rằng họ có thể tìm được phim mới, nhạc mới và game mới vào thứ Ba và đó là trải nghiệm đặc biệt với họ”.
Các tổ chức và công ty này đều chào đón ý tưởng ngày phát hành toàn cầu – album được tung ra cùng lúc trên khắp các quốc gia trên thế giới – chỉ có điều không phải là ngày đang được chọn bởi IFPA, RIAA (Hiệp hội công nghiệp ghi âm Mỹ) và các hãng đĩa lớn.
Theo truyền thống từ vài thập niên gần đây, đĩa thường được tung ra vào thứ Ba hằng tuần. Khi làng nhạc bắt đầu khái niệm phát hành tất cả đĩa mới cùng ngày thì các ngành công nghiệp giải trí khác như sách, đĩa DVD và video cũng noi theo, tung ra sản phẩm vào thứ Ba. Vì vậy, người tiêu dùng ở Mỹ quen nghĩ rằng thứ Ba là ngày đến cửa hàng để mua các đĩa mới và thứ Ba là ngày bán chạy… thứ ba của tuần, sau hai ngày cuối tuần thứ Sáu và thứ Bảy.
Phía IFPI đã chỉ ra rằng hai thị trường nằm trong Top 10 thị trường âm nhạc thế giới đều đã chuyển ngày phát hành rất mượt mà: Đức vào năm 2005 và Úc vào năm 2006. Một số thị trường nhỏ hơn cũng đã thay đổi ngày phát hành, ví dụ Cộng hòa Séc năm ngoái chuyển qua thứ Hai và làng nhạc ở các quốc gia này không ghi nhận được khó khăn nào mà như các nhà bán lẻở Mỹ cảnh báo.
Việc thay đổi có chung ngày phát hành toàn thế giới có mục tiêu là chống đĩa lậu. Với việc phát hành lộn xộn hiện nay như thứ Sáu ở Úc và Đức, thứ Hai ở Anh và thứ Ba ở Mỹ; các đĩa nhạc dễ dàng lọt lên mạng internet, ví dụ ngay từ tối thứ Sáu và fan ở các thị trường khác dễ dàng có các ấn bản lậu thay vì mua đĩa gốc tung ra ngày thứ Hai hay thứ Ba. Hơn nữa, các số liệu thống kê cho thấy thứ Sáu có lượng người tiêu dùng đi mua sắm cao hơn, các hoạt động trên mạng xã hội cũng tăng, tạo được tiếng vang cho các album mới phát hành và kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Department of Record Stores, một liên minh độc lập đứng sau việc tổ chức Record Store Day, là đơn vị đầu tiên chất vấn ngày phát hành thứ Sáu. Theo họ, nếu đĩa tung ra ngày thứ Ba, vẫn có thời gian để khắc phục những trục trặc trong việc vận chuyển và đặt hàng. Nếu một đơn hàng bị lạc hoặc nếu một đĩa nhạc bỗng nhiên gây sốt thì phát hành ngày thứ Sáu không có thời gian để sửa sai. Nếu có rủi ro, sẽ dẫn đến mất doanh thu và mất khách. Trong khi đó, phát hành thứ Ba, các cửa hàng vẫn còn thời gian để đặt thêm hàng cho dịp cuối tuần, nếu đĩa nhạc bán quá chạy và bị hết hàng.
Bên cạnh đó, việc phát hành thứ Sáu còn ảnh hưởng đến các hoạt động quảng bá bên trong cửa hàng. Nghệ sĩ sẽ thoải mái thực hiện các sự kiện vào thứ Ba, hoặc các ngày khác trong tuần, miễn là không trùng với các show cuối tuần của họ vì đó là cần câu cơm chính. Thêm nữa, cũng từ phía Department of Record Stores cho biết, các cửa hàng có dịch vụ bán trực tuyến hầu hết nhận được đơn đặt hàng trong giờ làm việc. Nếu tung ra đĩa thứ Sáu thì 48 giờ kế tiếp, hầu hết người dùng đều không đi làm, rời xa máy tính và sẽ ít mua nhạc trực tuyến. Ngoài việc sút giảm doanh số, mối quan tâm khác là tăng chi phí khi thay đổi ngày phát hành. Sẽ tốn thêm chi phí vận chuyển lớn nếu chuyển qua thứ Sáu.
Trí Quyền