Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán Việt Nam sẽ có đến 20% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp vào năm 2017. Trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang có dấu hiệu trẻ hóa, nhiều nhất là người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là người từ 25 tuổi trở lên. Bệnh tim mạch và tăng huyết áp có thể phòng ngừa hiệu quả, nhưng do chúng ta chủ quan với sức khỏe nên mới để tỷ lệ bệnh tim mạch gia tăng đáng báo động trong những năm gần đây. Những thông tin đáng chú ý này đã được đưa ra tại Hội nghị Tim mạch lần thứ 14 diễn ra vào trung tuần tháng 10-2014.
Các triệu chứng cần lưu ý của bệnh tim mạch
Theo ước tính từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch, thường gặp nhất là cao huyết áp, bệnh mạch vành và đột quỵ. Chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo GS-TS Đặng Vạn Phước, chúng ta nên lưu ý một số dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh gồm: đau ngực, khó thở và ngất xỉu. Cơn đau ngực là triệu chứng của nhiều bệnh về tim mạch, tiêu hóa và thần kinh, trong đó có thể là nguyên nhân tim mạch. Cơn đau của bệnh tim thường co thắt dữ dội, có cảm giác bị bóp nghẹt hoặc đè ép ở vùng giữa ngực hay hơi chệch về phía bên trái, đôi khi lan ra cổ, tay trái và kéo dài 10-15 phút, không bớt khi nghỉ ngơi. Một số trường hợp bệnh nhân viêm màng tim sẽ bị cơn đau nhói đột ngột ở ngực kéo dài chưa đến một phút, càng cố hít vào càng thấy đau dữ dội. Lưu ý là khó thở có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là nguyên nhân stress và hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. Cơn đau ngực do trào ngược dạ dày thực quản thường xuất hiện sau bữa ăn, nhất là khi ăn nhiều dầu mỡ hoặc uống rượu bia.
Một dấu hiệu thường gặp ở người bị bệnh tim mạch nữa là triệu chứng khó thở khi ngủ, ban ngày thì hay bị hồi hộp, đánh trống ngực liên hồi kèm với đau ngực, khó thở hay chóng mặt. Ngoài ra, hiện tượng ngất xỉu có thể gây ra bởi các bệnh lý về tim mạch hoặc các bệnh lý về hệ thần kinh trung ương. Trước khi ngất xỉu có hiện tượng đau ngực, hồi hộp hoặc khó thở thì thường là do nguyên nhân về tim mạch. Còn nếu người bị đau đầu, yếu chi, loạn ngôn dẫn đến ngất xỉu sau đó thường là có bệnh lý về hệ thần kinh.
Thay đổi lối sống để phòng bệnh tim mạch
Cũng tại hội nghị, các bác sĩ trong Hội Tim mạch Việt Nam đã đưa ra những phương pháp nhằm đề phòng bệnh tim mạch hiệu quả. Ngoài các yếu tố không thể thay đổi như tuổi tác và yếu tố di truyền thì phần lớn nguyên nhân bệnh tim mạch chúng ta có thể phòng ngừa như: giảm cân, giảm ăn mặn, không hút thuốc lá, năng vận động và khám tổng quát định kỳ. Tuổi già là một trong những yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim mạch. Càng lớn tuổi, thì thành tim dày lên, các động mạch bị lão hóa, xơ cứng lại khiến cho quá trình bơm máu cũng trở nên khó khăn hơn nên hoạt động của tim càng kém hiệu quả hơn.
Chúng ta càng quan tâm đến việc giảm cân, giảm muối trong bữa ăn, tăng vận động tập thể dục và bỏ thuốc lá càng sớm thì việc phòng ngừa bệnh tim mạch càng hiệu quả. Ở người thừa cân, béo phì, lượng cholesterol dễ tăng lên trong máu, huyết áp cũng tăng cao, nguy cơ bệnh mạch vành tăng và kéo theo bệnh tiểu đường. Vì vậy, chúng ta nên quan tâm đến thành phần dinh dưỡng trong từng bữa ăn để có sự cân đối, tăng giảm các thành phần đạm, bột, đường, chất béo hiệu quả. Năng vận động, tập thể dục cũng là cách phòng ngừa tim mạch hiệu quả vì tập luyện giúp đốt cháy calo, kiểm soát mức cholesterol và bệnh tiểu đường đồng thời có thể hạ huyết áp. Tập thể dục cũng tăng cường sự dẻo dai cho cơ tim và làm cho các động mạch linh hoạt hơn. Những người làm việc văn phòng, ít có cơ hội vận động thể chất ban ngày thì nên có kế hoạch tập thể dục vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối trước 20 giờ.
Khói thuốc lá không đơn thuần chỉ làm tăng nguy cơ ung thư phổi như chúng ta vẫn nghĩ, mà nguy hại hơn là làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cả bệnh ung thư. Chất độc trong khói thuốc lá làm tăng nhịp tim, co thắt mạnh các động mạch lớn và làm cho nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim, tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵở những người bị huyết áp cao. Vì vậy, bỏ thuốc lá là lời khuyên thường xuyên dành cho mọi người để bảo vệ sức khỏe tim cho chính mình và những người xung quanh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng gây bệnh tim mạch là người Việt Nam sử dụng lượng muối nhiều. Gần 60% người dân tiêu thụ lượng muối cao gấp hai lần lượng muối được khuyên dùng hằng ngày. Việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng muối tiêu thụ hằng ngày tại Việt Nam là từ quá trình nấu nướng và trong khi ăn (chiếm khoảng 81%), có trong các thực phẩm chế biến sẵn (11,6%) và có trong các thực phẩm tự nhiên (7,4%). Trong đó, bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối hằng ngày (tương ứng 35,1% và 31,6%). Bột ngọt và muối tinh cũng là những nguồn cung cấp muối đáng kể (tương ứng 7,5% và 6,1%). Trong các thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền là thực phẩm có lượng muối lớn (7,5%). Dưa muối cũng đóng góp 1,4% lượng muối hằng ngày. Vì vậy, chúng ta nên lưu tâm đến việc giảm lượng muối trong bữa ăn để giảm số lượng người mắc và chết do bệnh tim và đột quỵ.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần có thói quen đo huyết áp và cholesterol trong máu thường xuyên hoặc khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện sớm các nguy cơ bệnh tim mạch. Chứng cao huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu kết hợp thêm cả béo phì, nghiện thuốc lá và cholesterol cao thì nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ sẽ tăng lên đáng kể. Các chất béo bão hòa có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc bơ sữa và thịt đỏ thường làm gia tăng lượng cholesterol xấu, tạo ra những mảng bám trên thành động mạch và bắt đầu quá trình xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Thói quen khám tổng quát định kỳ hằng năm sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ nói trên và có biện pháp điều trị kịp thời.
- Trọng Đức tổng hợp