Chuyên gia cấp cao Vũ Quốc Tuấn – Chủ tịch Hội Làng nghề Việt Nam, được đào tạo về kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp ở Trung Quốc. Nguyên là chuyên viên Vụ Tổng hợp Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch Đầu tư), nhiệm vụ của ông là thường xuyên “cắp cặp” theo lãnh đạo cơ quan này tham gia nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư bàn về kế hoạch để tiếp thu ý kiến lãnh đạo rồi trực tiếp chấp bút nhiều báo cáo về kế hoạch để trình lãnh đạo Ủy ban.
“Nằm trong chăn” tư duy kinh tế lạc hậu nhưng ông lại có tư tưởng khá tiến bộ về kinh tế thị trường, được xem là một tiếng kèn dứt khoát ủng hộ kinh tế tư nhân cũng như đánh giá đúng mức vai trò của lực lượng này trong quá trình phát triển đất nước.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã được ông dành cho một cuộc trò chuyện, xoay quanh những thành tựu cũng như rào cản trói buộc sự phát triển của bộ phận kinh tế tư nhân, lực lượng quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển của kinh tế đất nước.
____
Nhìn lại chặng đường công tác của ông thì thấy rằng đó là một hành trình tự phủ nhận mình trong tư duy kinh tế. Đâu là lý do đưa đến sự phản tỉnh này, thưa ông?
Chuyển đổi tư duy là một quá trình. Năm 1985, ông Võ Văn Kiệt khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã lấy tôi làm trợ lý sau một cuộc trò chuyện dự kiến là một tiếng nhưng đã kéo dài suốt buổi sáng. Tôi làm trợ lý cho ông kể từ đó cho đến năm 1994. Trong suốt khoảng thời gian này, tôi có điều kiện tháp tùng ông Kiệt đi nhiều nước trên thế giới, bắt đầu tiếp xúc với nền kinh tế thị trường.
Thực tiễn sống động của những tìm tòi, thử nghiệm “xé rào”, “cởi trói” của nhiều cơ sở, địa phương thời kỳ đó cùng những cuốn sách về kinh tế thị trường mà tôi tranh thủ đọc giúp tôi nhận ra nhược điểm của cơ chế bao cấp là giáo điều, hình thức, xa thực tế do áp đặt từ trên xuống nên không có sức sống. Đặc biệt là thời gian giúp việc ông Võ Văn Kiệt, tôi đã được ông chỉ bảo, hướng dẫn rất nhiều, nhất là ý thức xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, khắc phục giáo điều. Sau đó, được làm việc trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (1993-2006), phụ trách nghiên cứu chuyên về doanh nghiệp, tôi lại có nhiều dịp hiểu thêm về doanh nghiệp trong kinh tế thị trường. Cộng hưởng của những yếu tố này đã khiến tôi dần dần giác ngộ.
____
Cũng kể từ khi Đổi mới mà đất nước bắt đầu hình thành kinh tế tư nhân. Ông đánh giá thế nào về lực lượng này?
Tôi cho rằng phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam là phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Theo khái niệm của chúng ta, kinh tế tư nhân gồm hai bộ phận: kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế cá thể, tiểu chủ. Tuy còn mỏng nhưng lực lượng này ngày càng lớn mạnh. Về số lượng, trung bình mỗi năm có thêm khoảng ba, bốn mươi ngàn doanh nghiệp mới được cấp phép hoạt động và cuối năm 2010 này thì vượt quá con số 500.000 doanh nghiệp như mục tiêu của Thủ tướng Phan Văn Khải đề ra khi đương nhiệm.
Bên cạnh đó, còn gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Về chất lượng, hằng năm kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP, giải quyết việc làm cho trên 70% lực lượng lao động xã hội và đóng góp khoảng 11% nguồn thu của Nhà nước, tạo ra một khối lượng lớn hàng hóa, dịch vụ, góp phần quan trọng trong ổn định xã hội. Thực tế là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến đất nông nghiệp giảm, khiến thừa lao động nông thôn. Nhàn cư vi bất thiện. Kinh nghiệm cho thấy những nơi tỷ lệ người đến tuổi lao động có việc làm càng cao thì tệ nạn xã hội càng thấp.
____
Đến hẹn lại lên, những hoạt động tôn vinh doanh nhân sẽ được tổ chức trong ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Theo ông, những hoạt động rình rang này đã tương xứng với những đóng góp của lực lượng này?
Tôi cho rằng cách tôn vinh doanh nhân như chúng ta đã và đang làm là chưa đầy đủ. Bởi chưa thấy được vai trò của doanh nhân trong phân tầng xã hội thời kỳ chuyển đổi. Chúng ta lấy công nông binh làm trọng, sau đó đến bộ phận trí thức, còn doanh nhân chưa được đặt vào vị trí của lực lượng xã hội có tác dụng quan trọng trong sự phát triển đất nước. Trong đội ngũ doanh nhân ngày nay, tôi đặc biệt tin tưởng ở lớp doanh nhân trẻ.
____
“Chúng ta” là đại từ nhân xưng khá chung chung?
Là những người có chức có quyền. Còn xã hội mang ơn doanh nhân nhiều chứ. Nhờ có doanh nhân mà những người đến tuổi lao động (kể cả nông thôn và thành thị) có được việc làm, tăng thu nhập, dân ta xóa được đói, giảm được nghèo. Thực tế, có những doanh nhân làm việc mà không cần tôn vinh; không ít doanh nhân đã đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện…
Chúng ta lấy công nông binh làm trọng, sau đó đến bộ phận trí thức, còn doanh nhân chưa được đặt vào vị trí của lực lượng xã hội có tác dụng quan trọng trong sự phát triển đất nước.
____
Theo ông, doanh nhân cần gì?
Cần tôn trọng. Cần tạo điều kiện thuận lợi để họ phát triển hết tiềm lực. Điều kiện là thể chế chính sách bình đẳng minh bạch, công khai, xóa bỏ mọi kỳ thị, phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân… Vấn đề được xem là gay gắt nhất hiện nay là cải cách hành chính. Chính phủ đang tập trung cải cách thủ tục hành chính; việc này cũng cần nhưng dù có làm triệt để thì cũng chỉ mới dừng lại ở phần ngọn.
Cái gốc của vấn đề là thể chế. Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước nên biết cái gì cần làm, cái gì để cho thị trường, xã hội dân sự làm. Trên cơ sở đó tổ chức lại các bộ và cơ quan ngang bộ cho hợp lý. Cách tổ chức hiện nay khá chồng chéo, có những việc nhiều người làm nhưng cũng có những việc không ai làm;sự kết hợp còn kém. Xét cho cùng thì thủ tục đi sau chức năng của bộ máy cũng như của công chức.
____
Tháng 1-2011 sẽ diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Vấn đề được dư luận quan tâm là thái độ của Nhà nước đối với lực lượng này có được tiếp tục phát huy như tinh thần của Đại hội IX?
Trong văn kiện Đại hội XI, kinh tế tư nhân được nhắc đến kém mặn mà hơn so với Đại hội IX. Dự thảo Chiến lược phát triển phát triển kinh tế 2011-2020 chỉ viết “Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh, trở thành một động lực của nền kinh tế”. Như thế là quá yếu.Ngược lại, tư duy về kinh tế nhà nước là chủ đạo tiếp tục thắng thế, thể hiện trong dự thảo Chiến lược: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”.
____
Phải chăng đây là bước thụt lùi về mặt đường lối?
Không phải thụt lùi. Vì chúng ta đã tiến lên đâu. Từ trước đến nay vẫn như vậy. Việc vẫn xem kinh tế nhà nước (trong đó có doanh nghiệp Nhà nước) giữ vai trò chủ đạo, theo tôi hiểu, là thuộc quan niệm cũ về chủ nghĩa xã hội trong đó chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu phải được thiết lập. Đây là một quan niệm không phù hợp với tư duy mới trong thời đại mới vì không nhất thiết phải có chế độ công hữu về tư liệu sản xuất mới có thể xây dựng được một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Xem thêm: Biết nhận thì cũng phải biết cho
Một chế độ mà kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ lực vẫn có thể thực hiện được mục tiêu trên. Điều này đã thấy rõ ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Theo tôi, cần khẳng định dứt khoát “Kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu phát triển của nền kinh tế. Xóa bỏ mọi kỳ thị, phân biệt đối xử; phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân khồng hạn chế về quy mô trong những lĩnh vực có lợi cho quốc kế dân sinh”.
“Chủ đạo” trước hết phải gương mẫu về năng suất và chất lượng nhưng thực tế là nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, trở thành gánh nặng, thay vì ổn định kinh tế vĩ mô.
____
Theo ông, “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước nên được hiểu như thế nào?
Đấy là vấn đề. Khái niệm này không rõ ràng. Bởi kinh tế Nhà nước có nhiều thành tố như doanh nghiệp Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, dự trữ Nhà nước… Khi đặt vai trò chủ đạo lên vai một đối tượng có nghĩa là thừa nhận sự bất bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Xem kinh tế Nhà nước là chủ đạo nghĩa là coi nhẹ các thành phần kinh tế phi Nhà nước, trong đó có kinh tế tư nhân.
Tức là trên một sân chơi, doanh nghiệp Nhà nước được ưu ái trong quá trình tiếp cận các nguồn lực quan trọng như tín dụng, tài nguyên, vốn ODA…, dẫn đến sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Chưa kể, đầu tư của Nhà nước đã chiếm tỷ trọng quá lớn, khoảng 40% tổng đầu tư xã hội và đáng quan ngại là kém hiệu quả. Thành ra, “phần bánh” còn lại dành cho kinh tế tư nhân hầu như không còn nữa. Chẳng hạn như chương trình hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế năm ngoái, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn này không đáng kể.
Mặt khác, đề cao vai trò của kinh tế nhà nước vô hình trung khuyến khích tâm lý ỉ lại trong doanh nghiệp nhà nước, không có động lực cạnh tranh. hạn chế tinh thần sáng tạo của đội ngũ lao động và công chức nhà nước. “Chủ đạo” trước hết phải gương mẫu về năng suất và chất lượng nhưng thực tế là nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, trở thành gánh nặng, thay vì ổn định kinh tế vĩ mô.
____
Có lẽ cũng cần tính đến khả năng doanh nghiệp Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục được ưu ái trong nhiệm kỳ tới, đặc biệt là mô hình tập đoàn kinh tế. Theo ông, nên sửa đổi những khuyết tật theo hướng nào để doanh nghiệp nhà nước đóng góp tích cực hơn?
Nếu muốn có những quả đấm thép, dẫn dắt nền kinh tế, “đấu đá” với nước ngoài thì tập đoàn phải đa sở hữu, có nhiều thành phần tham gia gồm Nhà nước, tư nhân và thậm chí là cả đầu tư nước ngoài. Cần lưu ý rằng tập đoàn hình thành một cách tự nhiên theo đòi hỏi của thực tiễn, chứ không thể ra đời một cách khiên cưỡng theo mệnh lệnh hành chính chủ quan.
Thực ra, nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước là ban hành thể chế chính sách, thay vì trực tiếp tham gia kinh doanh. Theo tôi, chúng ta cũng đã làm được khá nhiều việc trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang hệ thống thể chế kinh tế thị trường bằng cách hình thành được khung tương đối gồm thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, hàng hóa…
Đáng kể nhất là năm 2005 có Luật Doanh nghiệp thống nhất áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, đây thực sự là một bước tiến rất quan trọng. Tuy vậy, vấn đề xây dựng và thi hành thể chế chính sách còn nhiều yếu kém do sự rơi rớt, níu kéo của tư duy bao cấp, giống như tiếng kèn ngập ngừng, chưa dứt khoát chuyển hẳn sang kinh tế thị trường, kèm theo đó, là không ít công chức còn tiêu cực, chưa “thân thiện” với doanh nghiệp.
____
Sự “ngập ngừng” này phải chăng vì đi kèm với quyền lợi?
Thực tế là trong quá trình soạn thảo chính sách, còn có những cơ quan tham gia biên soạn cố ý cài cắm những lợi ích của bộ mình, ngành mình vào thể chế, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp để làm khó, sách nhiễu doanh nghiệp. Vẫn còn những can thiệp hành chính của Nhà nước vào kinh tế thị trường, hoạt động doanh nghiệp bằng cách o bế doanh nghiệp này, chèn ép doanh nghiệp kia do tác động của những nhóm lợi ích.
Kết quả đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây theo tôi là sát và khớp với thực tế. Về Chỉ số xây dựng pháp luật, nhiều bộ chỉ đạt loại khá, không có bộ nào được loại tốt, thấp nhất là Bộ Xây dựng. Mặc dù người ta cũng tổ chức lấy ý kiến góp ý từ doanh nghiệp trong khi soạn thảo các văn bản pháp luật nhưng thực ra hoạt động này còn mang nặng tính hình thức, chiếu lệ.
____
Là người khá sâu sát với cộng đồng doanh nghiệp, ông suy nghĩ thế nào về quyền chủ động của doanh nhân?
So với doanh nghiệp Nhà nước vốn thuộc sự quản lý của các bộ hay tập đoàn trực thuộc Chính phủ thì doanh nghiệp tư nhân có điều kiện chủ động hơn trong vấn đề lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất… Tuy nhiên,cái khó hiện nay là thể chế chưa rõ ràng cũng như những bất cập trong quy định cứng ngắc về giá thuê nhân công, giá mua nguyên vật liệu,chi phí quảng cáo… khiến doanh nghiệp lúng túng. Doanh nghiệp khát vốn nhưng khó tiếp cận tín dụng.
Ngân hàng thương mại có khi phải cho vay theo sự chỉ định trong khi vốn có hạn. Nếu quyền chủ động được nới rộng, công chức trong sạch hơn, bớt sách nhiễu thì lợi nhuận của doanh nghiệp lớn hơn, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước cũng nhiều hơn.
____
Vậy mà trong thực tế, lực lượng doanh nghiệp tư nhân vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng như ông đã đề cập?
Câu hỏi này tôi cũng đã đặt ra với nhiều doanh nhân mà mình có điều kiện tiếp xúc. Sở dĩ vẫn cố gắng vượt khó trong kinh doanh là bởi doanh nhân nước ta, nhất là lớp trẻ, thấm thía nỗi nhục đói nghèo. Tài nguyên như thế, con người như thế mà tụt hậu. Nhiều doanh nhân thừa nhận rằng kinh doanh đúng pháp luật thì khó lắm nên phải tìm cách lách luật, chấp nhận “sống chung với lũ”,chịu đựng sách nhiễu.
Nghĩa là chấp nhận lợi nhuận giảm. Bất cập từ thể chế còn tạo ra một số doanh nhân móc ngoặc với những phần tử xấu trong cơ quan Nhà nước, hình thành đường dây nhằm trục lợi bất chính. Nói cho cùng, thể chế nào, doanh nhân nấy. Thể chế quyết định sự hành động của doanh nhân. Thể chế trong sạch, rõ ràng, minh bạch, nhất quán thì doanh nhân phát triển lành mạnh.
Thể chế mù mờ, theo cơ chế tập trung quan liêu, thậm chí đẻ ra sách nhiễu thì doanh nhân cũng phải chịu đựng. Doanh nhân nương theo thể chế để hoạt động và phải chấp nhận “bôi trơn” cho bộ phận công chức hư hỏng. Điều đau xót nhất của chúng ta hiện nay là đất đai, tài nguyên bị xâu xé. Không chỉ mất đất, mất người mà còn đánh mất lòng tin của dân vào bộ máy nhà nước.
Sở dĩ vẫn cố gắng vượt khó trong kinh doanh là bởi doanh nhân nước ta, nhất là lớp trẻ, thấm thía nỗi nhục đói nghèo.
____
Xem ra, thị trường đất đai hiện nay là bê bết nhất?
Thị trường là một yếu tố quan trọng. Bởi doanh nhân hoạt động trên nền tảng của thị trường. Nói rõ hơn là sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp tư nhân tùy thuộc vào mức độ hoàn chỉnh của thị trường. Ngoài thị trường đất đai, còn có thị trường tài chính, tín dụng, lao động, khoa học công nghệ… tuy nhiên hoạt động của chúng vẫn còn nhiều yếu kém do chưa hội tụ cơ chế để các thị trường hoạt động lành mạnh. Trên thị trường, hiện đang có nhiều thành phần kinh tế tham gia, gồm doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài.
Đã đến lúc phải rà soát lại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể có những lĩnh vực cần giới hạn đầu tư, thậm chí không cần thêm nữa, chẳng hạn như khai thác tài nguyên hoặc ảnh hưởng xấu đến môi trường. Muộn còn hơn không, cần phải đánh giá lại toàn bộ sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp để có đối sách hợp lý, quan tâm hơn nữa doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không thể dựa mãi vào ngoại lực.
____
Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Theo đó, nhiều trường hợp sự Nhà nước không thể can thiệp vào những tranh chấp thương mại, chẳng hạn như những vụ kiện chống phá giá trong quá trình làm ăn với nước ngoài thì Hiệp hội Chế biến thủy hải sản phải đứng ra hầu kiện. Ông đánh giá thế nào về vai trò và hoạt động của hiệp hội trong tình hình hiện nay?
Bênh vực quyền lợi hợp pháp của hội viên là một trong những chức năng chủ yếu của hiệp hội. Tổ chức này là nòng cốt của xã hội dân sự. Bên cạnh đó là các tổ chức phi chính phủ, nhân đạo, các loại quỹ, hội đồng hương, đồng tuế… Trên thế giới, nhiều nước phát triển quan tâm đến xã hội dân sự, thường gọi là khu vực thứ ba. Những tổ chức này của dân lập ra, tự quản, tự chủ, tự điều hành, tự chịu trách nhiệm, phục vụ nhu cầu thiết thực của dân và doanh nghiệp bằng cách khỏa lấp những yếu kém của thị trường đồng thời bổ sung hoạt động của Nhà nước. Sự hình thành và phát triển các hội và hiệp hội liên quan đến nhận thức chưa đầy đủ của chúng ta.
____
Ông có thể nói rõ hơn?
Tôi nói “nhận thức chưa đầy đủ” là bởi còn có quan niệm cho rằng những tổ chức này đối lập với Nhà nước, thậm chí lo ngại tạo điều kiện cho những thế lực xấu can thiệp, thực hiện diễn biến hòa bình… Lo sợ một cách thái quá như vậy khiến chúng ta bỏ qua những khía cạnh tích cực của những tổ chức này. Còn những đối tượng lợi dụng để chống phá chế độ thì tôi nghĩ chúng ta có đủ sức mạnh và biện pháp để xử lý. Không thể vì một số ít hoạt động trái pháp luật mà hạn chế sự phát triển của xã hội dân sự.
Đọc lại Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1957 về “Quyền lập hội” mới thấy tư tưởng của tiền nhân tiến bộ cần học tập. Hai nghị định của Chính phủ về hội và hiệp hội hiện nay có nội dung khá sơ sài. Đó cũng là lý do khiến dự thảo Luật về Hội đã qua trên mười lần mà vẫn chưa được thông qua. Nhiều hiệp hội và hội hiện nay tương trợ hội viên trong hoạt động kinh doanh rất có hiệu quả như tư vấn, thông tin, đào tạo, thậm chí giúp nhau về vốn và đặc biệt là kỹ năng quản lý… Riêng trong khu vực làng nghề của chúng tôi, đào tạo nghề cho hội viên khá tốt,vì sát thực tế hơn. Tuy vậy, hoạt động của nhiều hội, hiệp hội còn yếu.Việc các cấp chính quyền thực sự ủng hộ sự phát triển của các hội và hiệp hội sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.