Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, là tác giả của nhiều phát minh sáng chế được thế giới công nhận trong hơn ba thập niên học tập và làm việc tại Nhật Bản và Mỹ. Chúng tôi gõ cửa phòng tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê khi ông vừa tham gia cuộc thi cắm hoa do Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Cùng với cắm hoa, nấu nướng cũng là một niềm đam mê của ông.
Điểm tương đồng giữa những thú vui nữ công này và nghiên cứu khoa học là đều đòi hỏi phát huy khả năng sáng tạo. Ông được nhiều công ty toàn cầu săn đón từ khi công bố những phát minh đầu tiên hồi còn ngồi trên giảng đường Trường đại học Công nghiệp Tokyo. Ông cũng từng được nhắc đến nhiều với vị trí khoa học gia Chủ nhiệm phụ trách toàn bộ công tác nghiên cứu của Công ty HP.
Bỏ lại sau lưng những lời mời gọi với thù lao hậu hĩnh cùng điều kiện làm việc thuận lợi, năm 2002, ông quyết định về nước khi vừa bước sang tuổi 50. Ông trở về không phải vì đã gặt hái hết vinh quang trên con đường khoa học, cũng không phải để dưỡng già, mà về để tiếp tục con đường khoa học. Tám năm qua, ông lần lượt công bố thêm nhiều phát minh mới, đặc biệt là những công trình liên quan đến công nghệ nano, ngành công nghiệp siêu lợi nhuận. Liên quan đến lý do trở về, ông nói:
Tôi ở nước ngoài nhiều năm, được người ta trọng vọng, nhưng nhiều khi tôi vẫn cứ thấy buồn. Tôi tự vấn rằng mình làm việc cho nước ngoài gần hết cuộc đời mà chưa đóng góp được gì cho tổ quốc. Không có đất nước này thì không có mình. Đó là thôi thúc lớn nhất giúp tôi vượt qua những toan tính thiệt hơn để về nước làm việc. Đến bây giờ, tôi biết rằng sự lựa chọn của mình là đúng.
Tôi sinh năm 1952, tức là năm nay đã 58 tuổi. Theo quy định của Nhà nước, tôi đã quá tuổi để tiếp tục công việc điều hành. Dứt khỏi vị trí này mấy tháng nay khiến tôi có nhiều thời gian hơn để tập trung cho chuyên môn cũng như vấn đề thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao.
____
“Thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao” là một câu chuyện được “lật qua lật lại” nhiều lần trong thời gian qua nhưng có vẻ như người ta nói nhiều hơn là làm?
Thương mại hóa là một vấn đề vô cùng phức tạp, nhất là đối với sản phẩm công nghệ cao làm ra tại Việt Nam vì đất nước chúng ta chưa quen với định hướng kinh tế tri thức, tức là phải có sáng kiến phát minh ra những cái mới nhất và ưu việt hơn những cái đã có trên thị trường thế giới, phải được sự quan tâm của nhà đầu tư, phải được nhà tiêu thụ lớn hứng thú, và sau đó phải có nhà phân phối toàn cầu chịu hợp tác.
Sản phẩm công nghệ cao nội sinh Việt Nam sẽ còn phải đối diện với nhiều thử thách trong giai đoạn tiếp cận với người tiêu dùng một lượng sản phẩm có tầm cỡ, và chúng ta phải đủ sáng tạo cũng như kiên nhẫn để giải quyết đầy đủ các yêu cầu của họ đề ra về chất lượng và giá, môi trường sản xuất.
Tuy nhiên làm việc theo sát nhà tiêu thụ lớn có trung tâm nghiên cứu triển khai và lực lượng khoa học bề thế sẽ đỡ bị mất thì giờ vì tránh được những nghiên cứu “chệch đường rày” và những đánh giá khoa học lệch lạc so với các đơn vị nhận chuyển giao công nghệ trong nước. Ở ta, “nói nhiều” là một cách để được Nhà nước rót vốn ngân sách cho nghiên cứu. Tôi nghĩ không nên lấy tiền của Nhà nước để làm nghiên cứu khoa học.
Chưa đóng góp được gì cho tổ quốc là thôi thúc lớn nhất giúp tôi vượt qua những toan tính thiệt hơn để về nước làm việc.
____
Nhưng nếu không có ngân sách thì nhà khoa học Việt Nam biết lấy gì để nghiên cứu?
Tôi không tin. Khi mới về nước, tôi được bố trí một phòng thí nghiệm rộng khoảng bốn mét vuông. Tôi lấy nước từ phòng vệ sinh chung để sáng tạo ra loại mực dùng trong máy in phun có giá thấp hơn nhiều với sản phẩm nhập ngoại. Cha mẹ nghèo, con cái không nên đòi hỏi. Một thời gian sau, tôi dời về nhà số 35 Nguyễn Thông, quận 3 từ năm 2004 đến 2008. Mười mấy con người chen chúc trong một căn phòng mấy chục thước vuông nhưng chúng tôi vẫn có thêm năm phát minh trong đó có ba phát minh chuyển giao công nghệ thành công. Bây giờ, tôi có thể tự bỏ tiền ra phục vụ nhu cầu nghiên cứu.
Đó cũng là cách chia sẻ gánh nặng đối với Nhà nước. Nhà nước còn nhiều việc làm phải làm. Việc cấp tiền cho nghiên cứu khoa học, theo tôi là sự rộng rãi quá mức đối với giới khoa học trong nước. Nhiều phát minh của ông Bill Hewllett và Dave Packard, Chủ tịch Công ty Hewllett Packard, được thực hiện ở trong garage. Ông Nidec, một doanh nhân Nhật Bản hiện có nhà máy trong khu công nghệ cao này cũng từng làm nghiên cứu trong chuồng bò. Tôi nghĩ Nhà nước nên ngừng việc rót vốn cho giới khoa học Việt Nam. Nếu tự cung tự cấp, giới khoa học sẽ có trách nhiệm hơn. Cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp khiến người lao động gắn bó với công việc hơn, làm việc có trách nhiệm hơn. Ở nước ngoài, doanh nghiệp mới là nhà đầu tư cho nhà khoa học.
____
Theo ông, làm thế nào để nhà khoa học gặp nhà đầu tư?
Trước hết, nhà khoa học phải có công nghệ. Thêm nữa, cần biết phát minh của mình thế giới có cần hay không và cần ở mức nào, có tương xứng để đầu tư nghiên cứu hay không. Tôi thường xuyên tham dự các hội thảo quốc tế ở nước ngoài. Nhiều khi chẳng ai biết gì về mình nhưng cái được là sự sòng phẳng trong khoa học, không có tình trạng “mèo khen mèo dài đuôi” như nhiều hội thảo trong nước. Hội thảo quốc tế ở nước ngoài là kênh thông tin chủ yếu để phán đoán nhu cầu thực sự của thế giới là gì.
Sở dĩ phải phán đoán là bởi không phải doanh nghiệp nào trình bày tại hội thảo cũng “vạch áo cho người xem lưng”. Có khi họ nói A nhưng mình phải hiểu là B. Trên cơ sở đó, tôi tìm cách giải quyết bằng đáp án Việt Nam. Sau khi có công nghệ tốt, bước tiếp theo là tìm được nhà phân phối.
Lực lượng trung gian này đặc biệt quan trọng bởi họ vừa là người giới thiệu, vừa mang uy tín ra bảo chứng cho sản phẩm của mình tại những hội chợ, triển lãm quốc tế. Để tìm được nhà phân phối, chúng ta phải tạo dựng được lòng tin đối với họ bằng cách làm cái mới mang lại lợi nhuận. Tuyệt đối tránh “làm theo, bắt chước”. Đáng buồn là tình trạng này lại khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, e ngại rủi ro thì sẽ không có đột phá trong khoa học.
Sản phẩm than ống nano là thành quả tôi có được từ sự liều lĩnh. Đây là vật liệu tiêu biểu trong công nghệ nano, vừa nhẹ, vừa cứng và rất khó chế tạo. Ông chủ tịch hãng Goodyear ở Mỹ, chuyên sản xuất lốp xe hơi đã bay sang Việt Nam hai lần để làm việc với chúng tôi. Họ muốn ứng dụng vật liệu này vào sản xuất lốp xe siêu bền. Sau khi sản xuất thử, ông ấy thông báo còn một số khuyết điểm cần khắc phục và chúng tôi đã xử lý những khiếm khuyết đó trong vòng sáu tuần lễ. Ngoài ra, tôi còn gửi mẫu vật liệu này cho một số công ty Nhật Bản và họ cũng thể hiện sự quan tâm.
Nếu tự cung tự cấp, giới khoa học sẽ có trách nhiệm hơn.
____
Có vẻ như ông không quan tâm đến doanh nghiệp trong nước?
Nói doanh nghiệp trong nước không quan tâm đến chúng tôi thì đúng hơn. Bằng chứng là ít người chủ động đến tìm chúng tôi. Thêm nữa, việc ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam còn hạn chế, chưa kể một số ý kiến trong giới khoa học cho rằng những phát minh của chúng tôi cần phải kiểm định lại.
Thành ra, gửi cho những công ty nước ngoài ứng dụng trước cũng là cách tốt nhất để chứng minh. Thực tế, chúng tôi cũng đã chuyển giao một số bí quyết cho doanh nghiệp trong nước. Cũng có những doanh nghiệp biết tiếp nhận công nghệ một cách khoa học nhưng cũng có những doanh nghiệp tỏ ra lúng túng trong việc tiếp cận công nghệ mới đưa đến những hiểu lầm và phán đoán không chính xác và thiếu dẫn chứng khoa học minh bạch.
Chúng tôi xem việc cải thiện chất lượng công nghệ là những thử thách lý thú và bao giờ cũng tìm hướng đi mới trong sản xuất để khẳng định bước tiến của công nghệ cao Việt Nam. Trong thực tế, sản phẩm ứng dụng công nghệ của chúng tôi đã được bày bán đại trà trên thị trường.
____
Nghe nói ngoài than nano cứng, ông còn phát minh ra nano lỏng?
Một tấn than nano tương đương với than nano “lỏng” của chúng tôi giao dịch trên thị trường thế giới khoảng 30.000 USD, nhưng giá thành chúng tôi sản xuất được trong nước chỉ bằng một phần mười, tương đương 3.000 USD do sử dụng nguồn nhân lực và phương tiện nội địa. Xuất phát điểm của đề tài nghiên cứu này là để cho sinh viên thực tập.
Tuy nhiên, các em không chịu đào sâu suy nghĩ khiến tôi nhảy vào cuộc và tìm ra ba ứng dụng của nguyên liệu này. Một trong những ứng dụng quan trọng của nguyên liệu này là sản phẩm pin nhiên liệu. Nguyên tắc hoạt động của nó là chuyển hóa bất kể loại nước nào, từ nước máy, nước cống, thậm chí cả nước bùn thành điện năng.
Phát minh này sẽ được phổ biến ở thị trường Việt Nam đầu tiên, có thể ứng dụng vào xe máy và xe hơi. Một lợi ích đáng kể của loại pin này là thải ra môi trường hơi nước, khác với các loại máy chạy xăng nổ thải ôxít cácbon. Công nghệ này chúng tôi đã thử nghiệm thành công cách nay hai tháng và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
____
Nghe rất hấp dẫn nhưng còn giá thành của sản phẩm thì sao, thưa ông?
Thực tế, công nghệ này không mới, đã xuất hiện trên thế giới cách nay hai thập niên nhưng sở dĩ chưa thể sản xuất đại trà được là bởi giá thành quá cao. Thấy được vấn đề, chúng tôi bắt tay vào giải quyết bài toán nguyên liệu. Một cục pin nhiên liệu đạt công suất 100W do nước ngoài sản xuất có giá bán là 1.800 USD. Giá cao như vậy là do nguyên liệu thành phần của pin nhiên liệu cao.
Giấy dẫn điện người ta sản xuất 1.500 USD/m2 thì giá thành tôi làm chỉ tương đương 23 USD/m2, rẻ hơn khoảng 56 lần. Tương tự, thiết bị xúc tác phun nhiên liệu chi phí tốn 35 USD/cái thì tôi chỉ mất khoảng 0,05 USD/cái. Về cường độ dòng diện, sản phẩm của họ đạt tám miliampe trong khi sản phẩm của chúng tôi đo được dao động từ khoảng 18 đến 23 miliampe. Đo được cường độ dòng diện cao hơn sản phẩm thương mại của thế giới là cơ sở để tôi tự tin rằng phát minh này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về năng lượng sạch.
Trước mắt, tôi dự định làm một cục pin 2.000W cung cấp toàn bộ điện năng cho ngôi nhà của mình như một máy phát gia dụng dựa vào những thiết kế mới nhất có phần đóng góp của một số giảng viên ở Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Nếu sản xuất đại trà, giá bán lẻ mỗi cục khoảng bốn đến năm triệu đồng (?), thời hạn sử dụng khoảng năm năm. Đây là mức giá nhiều gia đình có thể chấp nhận được. Máy phát chạy bằng pin nước không ồn, không ô nhiễm sẽ là tương lai của ngành năng lượng sạch.
____
Về khía cạnh sản xuất, liệu có thể chủ động được nguồn nguyên liệu?
Chi phí thấp như vậy là bởi nguyên vật liệu sử dụng đều là “cây nhà lá vườn”. Tôi mua hóa chất ở nước ngoài, hàng về chậm, tôi chạy xe lên Khu công nghiệp Đồng Nai và phát hiện ra rằng có những hóa chất chất lượng còn tốt hơn loại hóa chất nhập từ Mỹ đang được sử dụng trong pin nước của chúng tôi.
Tương tự, mua nhựa ở nước ngoài làm màng dẫn proton dùng trong pin nhiên liệu, nửa năm qua rồi mà hàng vẫn không thông quan được do bị xếp vào danh mục hóa chất. Tôi không bài ngoại nhưng cũng không vọng ngoại. Chúng tôi thường nói đùa pin nhiên liệu là “hồn nước ngoài, xác Việt Nam”.
____
Như vậy là hoàn toàn có thể hy vọng việc Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ nano thế giới?
Thế giới chưa có bản đồ công nghệ nano. So với lịch sử 70 năm của ngành công nghệ vi mạch bán dẫn với quy mô thị trường toàn cầu hằng năm khoảng 350 tỉ USD thì công nghệ nano mới được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1991, quy mô thị trường toàn cầu chưa tới 20 tỉ USD/năm. Tiềm năng còn vô cùng lớn. Nano là công nghệ của tương lai. Đây là công nghệ của những vật thể siêu nhỏ, đơn vị đo lường tính bằng một phần tỉ của mét, tức là không thể quan sát bằng mắt thường.
Theo nguyên tắc, vật thể càng nhỏ tính cảm biến càng cao, càng dễ ứng dụng vào cuộc sống. Thị trường công nghệ nano giống như một đứa trẻ mới chập chững tập đi. Có thể nói đây là lĩnh vực các nước có chung xuất phát điểm và cạnh tranh bình đẳng. Với một thị trường còn phôi thai, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Ai nhỉnh hơn và sáng tạo hơn sẽ thắng.
____
Cạnh tranh với thế giới đòi hỏi một lực lượng các nhà khoa học hùng hậu. Hình thành một lực lượng này có vẻ như không hề đơn giản?
Phát minh pin nhiên liệu là một công trình tập thể, có sự đóng góp của một số giảng viên đang làm việc tại nhiều trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiều thầy được đào tạo ở nước ngoài, nhưng về nước là đứng trên bục giảng. Những dịp đến dự giờ tại một số trường đại học, nghe các thầy thao thao bất tuyệt nhưng đôi khi sinh viên hỏi cắc cớ, liên quan đến thực tiễn là có khi thầy bối rối. Không phải các thầy dở mà là ít có điều kiện nghiên cứu. Đây là một nguồn lực quý báu mà chúng ta đang bỏ quên.
Tôi mời một số thầy về làm việc cùng với mình, thù lao hậu hĩnh hơn đồng lương công chức Nhà nước. Họ làm việc tuyệt vời. Cái họ thiếu là sự tự tin và mục tiêu rõ ràng. Về phần mình, tôi không còn phải lo vấn đề vốn như khi mới về Việt Nam. Tôi vừa làm nghiên cứu, vừa là chủ đầu tư. Chưa kể, còn nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn bất kỳ lúc nào. Điều khiến tôi băn khoăn là thế hệ trẻ hiện nay lười biếng và nhất là thiếu khát vọng. Không ít người đề cao vật chất hơn là bồi dưỡng cho nhiệt tình công việc.
Những thành tựu tôi đạt được chủ yếu là nhờ không ngừng hỏi “tại sao?”. Hình như không tin rằng “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” nên nhiều người nhảy việc vì khoảng cách chênh lệch về thu nhập, thậm chí chấp nhận làm nghề trái tay. Đừng chọn con đường khoa học nếu không thực sự say mê nghiên cứu. Cũng như hôn nhân, nếu không thích người phối ngẫu thì tốt nhất là ly hôn. Sai thì làm lại. Chỉ khi xem khoa học là lẽ sống thì năng lực mới có cơ hội phát huy hết năng lực. Cũng cần phải nói thêm rằng nhiều bạn không thông minh lắm đâu. Ngay cả đội ngũ nhân viên ở trung tâm cũng vậy. Không phải tất cả đều xuất sắc. Tuy nhiên, họ cầu tiến.
Thị trường công nghệ nano còn phôi thai, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
____
Có ý kiến cho rằng công nghệ cao thì tuổi thọ thường thấp. Ông nghĩ sao?
Đa số là như vậy. Một công nghệ chỉ bị phủ nhận bởi một công nghệ khác, ưu việt hơn. Khi làm việc cho hãng Kodak ở Mỹ, tôi thấy họ có một công nghệ đã xếp vào kho tám năm. Đó là loại bản phim dùng trong máy photocopy. Họ đành bỏ vì tỷ lệ hư hại quá cao, sản xuất 100 mét phim thì hư đến 95%. Sau bảy tháng nghiên cứu, tôi khắc phục được khiếm khuyết này. Hai mươi năm sau, có dịp gặp lại một chuyên gia của Kodak, tôi hỏi thăm làm gì thì bà ấy trả lời rằng “phụ trách việc mà tôi đã làm cách nay 20 năm”. Nghĩa là, công nghệ vẫn tiếp tục đứng vững sau một thời gian dài. Làm đúng công nghệ thì khó bị đánh bại.
____
Ông dời văn phòng làm việc về Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh từ khi địa chỉ này vừa khai trương. Theo ông, quá trình phát triển đã tương xứng với nhiệm vụ đặt ra trên vai nó?
Theo cảm nhận của tôi, hoạt động của Khu công nghệ cao có vẻ lừng khừng. Có vẻ như những người có trách nhiệm sớm thỏa mãn khi một số hãng lớn như Intel, Nidec quyết định đầu tư vào Khu công nghệ cao. Tôi hơi băn khoăn về định hướng phát triển của những cơ sở phụ trợ như Trung tâm đào tạo, Vườn ươm công nghiệp…, có nhiệm vụ cung ứng lao động cho những doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ cao.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.