Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 vì những đóng góp trong công tác từ thiện đầu tháng 8-2010.
– Cha con là ai?
– Thầy Cả.
– Mẹ con là ai?
– Thầy Cả.
“Con” là những em nhỏ mồ côi đang được nuôi dưỡng ở chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Còn “Thầy Cả” là Thượng tọa Thích Thiện Chiếu. Các em đều mang họ Trần – tục danh của thầy trước khi xuất gia đầu Phật cách nay nửa thế kỷ. Thầy nói ban đầu tính dùng họ “Kỳ”, chiết từ tên chùa, để làm khai sinh cho các em, nhưng cơ quan hộ tịch không chấp thuận.
Ngoài việc cưu mang những sinh linh bị ruồng bỏ, từ năm 2003, nhà chùa còn mở một phòng khám bệnh miễn phí, phát thuốc điều trị và tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Hiện nhà chùa cũng đang xúc tiến để thành lập một trung tâm chăm sóc người già neo đơn khoảng 200 chỗ ở huyện Bình Chánh, chuẩn bị đưa vào hoàn thiện một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm dioxin tại Tây Nguyên, đồng thời xây dựng một ngôi chùa ở Gia Lai. Công trình này đã khởi công từ năm 2009 và dự kiến sẽ khai quang vào năm 2019.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại phòng riêng của thầy. Căn phòng thấp ẩm và bừa bộn đồ chơi. Thầy bảo “có mấy đứa nhỏ bám thầy, chỉ chịu ngủ khi nằm cạnh cha”.
____
Con rất đông mà cha chỉ có một. Có khi nào những em khác thấy thế mà phân bì, thưa thầy?
Nhiều khi đi công chuyện về khuya, thay vì về phòng, tôi xuống nơi ở của các em, mở cửa, trải chiếu nằm kế bên. Sáng dậy, đám nhỏ la lên, mừng rỡ: “Cha về, cha về”, rồi đeo lên vai, bá cổ, rờ mặt, véo tai, rúc đầu vào cà sa quậy tưng bừng. Có những bé cai sữa rồi mà vẫn thèm, tôi trật vú cho ngậm. Khi ấy, lòng mình thơ thới, hạnh phúc đầy tràn. Bao nhiêu mệt nhọc, ham muốn, sân si… đi vắng khỏi lòng mình hồi nào chẳng hay. Có cảm giác như ở trên cao, song thân đang mỉm cười với mình.
____
Tự bao giờ, mái chùa này trở thành nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh?
Ý tưởng thành lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi và bị dị tật bắt đầu từ năm 1994. Lúc đó, tôi thấy một em khiếm thị cõng một em bị dị tật chân đi bán vé số dạo. Tôi dắt các em vào chùa, hỏi chuyện, rồi quyết định giữ hai em ở lại. Noi gương sư phụ của mình, tôi xin phép chính quyền địa phương thành lập Cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo chùa Kỳ Quang 2 để chăm sóc miễn phí những em nhỏ côi cút. Kể từ đó, người ta bắt đầu đem con đến chùa bỏ. Ngày hôm qua, lại có thêm một bé gái sơ sinh bị não úng thủy được gửi vào cửa Phật.
____
Có vẻ như phần lớn những em nhỏ gửi thân vào chùa đều bị dị tật bẩm sinh?
Trong số 240 em nhỏ nhà chùa đang nuôi dưỡng thì chỉ có 50 em phát triển bình thường, còn lại 110 bị khiếm thị, 80 em bị bệnh thần kinh và não chậm phát triển. Những em phát triển bình thường đi học ở các trường tại địa phương, còn những em bị khiếm thị thì chùa tổ chức các lớp học chữ nổi, các khóa đào tạo về massage bấm huyệt, vừa tự chăm sóc cho nhau, vừa có nghề để đi làm kiếm sống khi đến tuổi trưởng thành.
____
Nhìn vào những con số thầy vừa nói có thể phần nào hình dung được khối lượng công việc khổng lồ mà nhà chùa đã đảm đương hằng ngày?
Việc các con sinh ra với hình hài khiếm khuyết đã là một sự thiệt thòi. Đáng ra, phải thương các con nhiều hơn. Ở chùa có những trường hợp bị bệnh khá nặng. Có chàng trai năm nay đã 19 tuổi nhưng chưa một lần tự ngồi dậy được. Miệng không nói được. Nhưng mỗi lần tôi đến thăm, xoa đầu, vuốt ve, nựng nịu là anh ấy xoay trở thân người, rung rung cánh tay, miệng phát ra những tiếng ú ớ, mắt ánh lên sự mừng rỡ… Tình thương là phép nhiệm mầu. Có tình thương thì không còn cảm thấy dơ bẩn, ngại ngần.
Có lần đang đi trên xe thì một người con của tôi bất ngờ mắc ói. Sợ dơ xe của người ta, tôi kê miệng mình vào miệng con. Con ói bao nhiêu mình nuốt trọng bấy nhiêu. Tự nhiên và an ổn. Con ăn đồ ngon ngọt, mẹ ăn đồ ôi thiu. Mẹ nằm chỗ ướt dành chỗ khô cho con yên giấc. Kinh Phật dạy thế nào thì mình làm đúng như vậy. Nếu đơn độc, nhà chùa không thể quán xuyến hết được. May mắn là bên cạnh tôi còn có những tấm lòng giàu lòng hảo tâm.
____
Cái khó là làm sao để cộng đồng cùng chung tay với mình?
Quyết tâm, kiên nhẫn và nhất là không vụ lợi. Cứ làm thì mọi người sẽ thấy. Từ thấy chuyển sang thương, từ thương tiến đến hỗ trợ. Có công góp công, có của góp của. Bởi thương các em mà có những người ngồi xe lăn bán vé số dạo mang đến góp cho chùa một thùng mì gói. Nghiệp của các em nặng lắm. Tình thương giúp các em hóa giải bớt nghiệp mình đã trót tạo ra trong tiền kiếp. Làm phước cho người cũng là tạo phước cho mình. Những ân nhân trực tiếp hay gián tiếp chăm sóc cho các em cũng phần nào giải bớt nghiệp chướng cho mình.
Làm phước cho người cũng là tạo phước cho mình.
____
Mười sáu năm đã trôi qua kể từ khi nhà chùa tiếp nhận trẻ em bị cha mẹ ruồng bỏ. Đến nay, đã có trường hợp nào tìm đến chùa tìm lại giọt máu của mình?
Chưa có. Mặc dù nhà chùa đều lưu hồ sơ, ghi rõ thời gian và những đặc điểm của từng em. Nếu có đủ bằng chứng thì nhà chùa sẵn sàng giao lại. Cha mẹ là cội. Nhà chùa chỉ đưa đò một quãng đường đời. “Văng vẳng đâu đây tiếng trẻ thơ/Khóc ngất đau thương giữa cuộc đời/Mẹ cha đâu, nỡ xa con trẻ/Tình cảm thiêng liêng nhất trên đời”. Sinh con ra là tình cảm thiêng liêng nhất. Bỏ con mình là từ chối bổn phận với cha mẹ mình, bất hiếu với cha mẹ mình. Nếu như mình cũng bị cha mẹ từ bỏ từ lúc lọt lòng thì cuộc đời mình sẽ trôi nổi như thế nào?
Thực tế cũng có một số người đến xin con nuôi nhưng nhà chùa không đồng ý. Các em đã bị bỏ rơi một lần, đã xem mình là cha là mẹ, nỡ nào mình lại đem cho một lần nữa. Nếu thực lòng yêu thương thì hãy nhận đỡ đầu và chăm sóc các em đến khi trưởng thành. Đến lúc đó, đi hay ở do các em quyết định. Đem con giao cho chùa thì tôi không nhận. Bỏ tiền ra thuê chùa nuôi con giùm lại càng không. Cửa chùa chỉ rộng mở đối với những số phận bị bỏ rơi.
____
Nhưng theo đà này thì đến một lúc nào đó chùa sẽ quá tải?
Hiện nay nhà chùa có hai cơ sở, một ở trong khuôn viên chùa, hai là ở quận 12. Cơ sở 2 có quy mô nhỏ hơn, dành cho những em đã trưởng thành, đi làm và kiếm sống bằng sức lao động của mình. Có một số trường hợp đã lập gia đình, sinh con…Các em đến với chùa là có duyên với mình. Ngược lại, mình cũng có duyên với các em. Chùa không có cửa. Các điện thờ cũng vậy. Không có cửa thì không còn đóng – mở. Cửa Phật là cửa không.
Thế nên không có bó buộc, cột trói. Cột bằng dây còn gỡ được nhưng cột vào oan trái, gây phiền não cho người khác thì khó mở lắm. Về kiến trúc, những cái đà trong chùa đều được giấu kín. Đà dùng để gánh. Lập gia đình là một gánh nặng. Rồi gánh sự nghiệp, nặng hơn là gánh giang sơn. Danh vọng càng cao, bổn phận càng lớn. Những đau khổ trong cuộc đời là bởi không làm tròn bổn phận. Tiên là ai? Tiên là người làm đúng bổn phận. Làm tròn bổn phận thì tuyệt vời.
____
Nhìn lại những việc mình đã làm, thầy thấy đã “tròn bổn phận?
Những việc đã làm xong thì tôi không nghĩ tới nữa.Không ai có thể ngoái lại quá khứ để sửa chữa những lỗi lầm. Cũng không ai có thể đi tới tương lai để sắp đặt mọi việc theo ý mình. Giá trị nhất là hiện tại, tức là ngay phút giây đang sắp trôi qua cuộc đời mình.
Danh vọng càng cao, bổn phận càng lớn. Những đau khổ trong cuộc đời là bởi không làm tròn bổn phận.
____
Vai thầy cử động không được bình thường, thầy bị sao vậy?
Tôi mới bị tai nạn cách nay hơn một tháng. Trong chuyến đi Gia Lai đến một ngôi chùa mà tôi là chủ đầu tư thì xe bị lật. Tôi bị gãy xương vai, đứt động mạch thái dương, máu ra rất nhiều. Sau hai giờ, tôi được đưa vào bệnh viện khâu vết thương, rồi xuất viện về dưới Sài Gòn
____
Xuất viện trong tình trạng như vậy e rằng khá mạo hiểm?
Ban đầu bác sĩ không chấp nhận. Có người còn vờ hỏi tên tôi xem mình có mê sảng hay không. Tôi nói nếu giữ tôi ở lại, bác sĩ có đảm bảo rằng không có biến chứng đối với tôi hay không? Vậy là họ đồng ý. Chúng tôi mất khoảng 11 tiếng mới về đến thành phố. Tôi ngồi ở băng ngay phía sau tài xế. Xe lạng bên nào là mình chuyển qua bên đó nhằm hạn chế dằn xóc. Vết thương vỡ ra là chết liền bởi ngoài tôi ra, trên xe không còn ai rành về sơ cứu. Hồi còn trẻ, tôi có tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn về sơ cứu.
____
Nhờ đâu mà thầy giữ được sự bình tĩnh trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh?
Một phần vì đây không phải là lần đầu tiên tôi bị tai nạn. Tháng 9 năm ngoái, tôi đã chết lâm sàng. Bác sĩ cũng đã lắc đầu. Mọi người cũng đã bàn tính làm đám. Tôi nghe hết, biết hết nhưng không nói được. Nằm từ 16 giờ chiều đến 1 giờ sáng ngày hôm sau thì tự nhiên ngồi dậy được. Trong cuộc đời tôi có ba điều tâm nguyện. Điều thứ nhất tôi đã hoàn thành là đưa cha mẹ tôi những năm cuối đời vào chùa làm công quả. Phận con hành đạo mà cha mẹ không đến chùa thì chưa thể xem là thành toàn. Nguyện ước thứ hai là bao nhiêu nghiệp chướng tôi tích tụ qua những tiền kiếp xin hãy đến đây để tôi trả hết trong kiếp này.
____
Có vẻ như hơi ngược đời vì thông thường, mọi người đều mong điều lành, tránh điều dữ?
Đành rằng ai cũng mong điều tốt đẹp. Nhưng dù muốn hay không thì điều dữ vẫn cứ đến. Còn nhưng điều mình đã sai làm, muốn tránh cũng không tránh khỏi. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Đức Hiền Liên tu luyện thần thông, hóa thân thành con rồng bao trọn trái núi Tu Di nhưng trước khi nhập diệt, ngài vẫn để thân mình bị bằm nát bởi một người không tốt. Đó là vì luật nhân quả không chừa một ai.
Đã tạo nghiệp thì phải trả nghiệp. Tôi nghĩ kiếp này mình đi tu, có điều kiện để trả nợ đời thì cố gắng trả cho hết. Không trả được thì nợ vẫn còn. Đồng thời, cố gắng không tạo thêm nghiệp mới. Nói như vậy để thấy rằng mình không hoàn thiện. Có người đột nhập vào phòng tôi khua khoắng vì tin vào những lời đồn đãi rằng tôi giàu có bạc tỉ. Nếu giàu đến thế thì hẳn rằng tôi sợ chết lắm. Trong đạo Phật có một câu chuyện ngụ ngôn thế này. Có một vị sư tu ẩn cư trên núi cao, không thu nhận đệ tử để dành thì giờ cho kinh kệ.
Những lúc rảnh rỗi, sư trồng một đám mía, hằng ngày lấy việc chăm sóc nó làm nguồn vui. Đám mía “lên” rất tốt. Tới ngày biết mệnh mình sắp tuyệt, sư ngồi tham thiền. Sư vương vấn đám mía, không biết khi mình chết rồi thì ai sẽ chăm sóc đám mía. Nghĩ đến đó là sư tắt thở. Ba ngày sau đó, có một người tiều phu, quen biết với sư, lên núi đốn củi. Sau khi chôn cất cho sư, người tiều phu chặt một cây mía ăn thì trong đó có một con sâu lớn. Người tiều phu vừa đụng đến thì con sâu chết. Lúc đó, linh hồn nhà sư mới siêu thoát. Chỉ một chút vướng mắc trong lòng mà sư phải làm kiếp sâu trong ba ngày.
Nguyện ước là bao nhiêu nghiệp chướng tôi tích tụ qua những tiền kiếp xin hãy đến đây để tôi trả hết trong kiếp này.
____
Còn điều nguyện ước thứ ba là gì, thưa thầy?
Khi già yếu, tôi sẽ đi đến một nơi mà không ai biết. Tôi đã chuẩn bị một nơi như vậy. Tôi không muốn phiền lụy đến ai.
____
Thông thường, trước cổng chùa đều có những người buôn bán nhang đèn. Còn ở đây thì tuyệt nhiên không có một bóng người mua bán?
Chùa làm nhang để sẵn trước cổng. Ai muốn thắp nhang cho Phật thì tự lấy mà đốt. Ai muốn mang nhang về thắp ở nhà thì chùa ủng hộ. Nhang này do mấy người cai nghiện và một số bệnh nhân tâm thần tại một trung tâm trên quận Thủ Đức làm ra. Khi tôi đến thăm, một số trại viên níu áo tôi xin tiền vì “thèm cà phê, thèm thuốc lá quá”. Đang hỏi han thì có thêm nhiều người bu lại. Tôi nói “nhiều người thế này thì không cho xuể, nếu ai trả lời được câu hỏi của tôi thì sẽ có tiền, rằng: “Bây giờ cho tiền thì có thuốc hút, có cà phê uống. Nhưng khi thầy đi rồi, lại lên cơn thèm thì lấy đâu ra tiền để mua?”.
Cả đám nhao nhao: “Làm sao, thầy?”. Nói tiếp: “Có chịu làm không? Có làm thì mới có ăn chứ.”. Lại nhao nhao: “Làm gì”. Trả lời: “Làm nhang”. Được sự hậu thuẫn của các nhà hảo tâm, nhà chùa cung cấp 20 cái máy làm nhang. Hôm khai trương tổ làm nhang, các trại viên vui như hội, còn đại diện chính quyền, báo chí, và thân nhân những trại viên thì đều không cầm được nước mắt.
- Xem thêm: Người khiếm thị cần một kênh đối thoại
Chuyến đi Gia Lai vừa rồi ngoài việc kiểm tra tiến độ xây dựng một ngôi chùa mới ở rừng đặc dụng Đắc Uy, chúng tôi còn xúc tiến chương trình dạy nghề cho bà con dân tộc thiểu số ở trên đó. Đây là vùng có nguồn nguyên liệu dồi dào để làm nhang, trồng nấm và có thể phát triển vùng dược liệu thuốc Nam. Hằng tháng, nhà chùa cần năm bảy chục triệu đồng để bào chế thuốc cho các bệnh nhân. Nếu tiêu thụ không hết, chùa sẽ cung cấp cho các dược phòng.
____
Vì sao thầy là xây chùa ở nơi heo hút như vậy?
Ý định xây chùa cũng bắt đầu từ những chuyến công tác thiện nguyện. Phật tử nói rằng thiếu chùa để cúng Phật. Cả tỉnh Gia Lai hiện mới chỉ có 14 ngôi chùa, trong khi địa bàn cư trú của người dân khá rải rác. Vị trí xây chùa khá thuận lợi, nằm trong rừng đặc dụng Đắc Uy, sát trục đường Hồ Chí Minh. Phía Tây là cửa khẩu Bờ Y, giáp Lào và Campuchia, phía Bắc là Quảng Ngãi, Quảng Nam, phía Nam là Gia Lai và phía Đông là Khánh Hòa nhìn ra Biển Đông.
Thấy người đối thoại có vẻ tò mò về bức hình chân dung mình treo trên tường, thấy nói: Hình này chụp ở Trường Sa trong chuyến ra thăm cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn hồi tháng 4-2010. Đây là chương trình có sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Hải quân và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đoàn đã tổ chức một lễ cầu siêu tập thể cho các chiến sĩ trận vong, nằm lại dưới lòng biển sâu vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của đất nước. Các thầy, các ni đã lội xuống biển vớt vong, rồi đưa về một ngôi chùa cùng tên trên đảo Trường Sa Lớn.
____
Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện. Kính chúc thầy sức khỏe để tiếp tục công việc hành đạo giúp đời.