Maria Konnikova của tờ The New Yorker sẽ đưa ra lời giải thích khoa học đằng sau lý do tại sao chúng ta cần phải ngủ nhiều hơn, dành ít thời gian trên Internet hơn và ngừng ngay việc ôm đồm quá nhiều công việc.
Bạn là một người bận rộn. Quay cuồng trong công việc và cuộc sống khiến bạn phải liên tục chạy đua. Khi làm việc, bạn buộc phải tiếp xúc với điện thoại di động, máy tính. Trung bình, bạn mở 10 cửa sổ trình duyệt máy tính cùng một lúc và bạn buộc phải click vào chúng. Một trong số đó là email quá tải những bức thư liên tục gửi đến. Vào cuối ngày, bạn ngủ ít hơn số giờ cần phải ngủ, nhưng như bạn tự nói với bản thân thời gian không bao giờ là đủ.
Nếu đây là cách bạn sống thì Maria Konnikova có một thông điệp đơn giản dành cho bạn: Tạm dừng, chậm lại và nhận ra các cái giá thực tế của những thói quen của bạn. Là một tiến sĩ tâm lý và là một nhà báo nổi tiếng của tờ The New Yorker, Konnikova thường gặp nhiều trường hợp xoay quanh một chủ đề chung: chúng ta cản trở hạnh phúc của chính chúng ta và thậm chí đôi khi gây tổn hại cho não như thế nào, trong khi tìm kiếm một mức năng suất mà không thể đạt được.
Konnikova giải thích: “Cách chúng ta phát triển, cách bộ não chúng ta hoạt động, cách chúng ta làm việc tối ưu nhất thực sự không phải là cách chúng ta nên hoạt động ngày nay. Tôi cảm thấy như tôi đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà có thể nhìn thấy trước sự thua cuộc, nhưng tôi hy vọng rằng bên trong mỗi người đang gào thét: “Những nỗ lực để đạt mức năng suất tối ưu này đang làm bạn hoạt động kém hiệu quả”. Và nếu nó đủ lớn, chúng ta sẽ nghe thấy nó”.
Dưới đây là 4 cách Konnikova đưa ra để giúp chúng ta thay đổi lối sống, cải thiện bộ não và tăng năng suất hoạt động:
Làm thế nào để khắc phục thói quen ngủ xấu của bạn? Không dễ dàng một chút nào vì bạn cần thay đổi phần lớn lối sống. Konnikova nói: “Bạn không thể chỉ nghĩ rằng: “Tôi không ngủ đủ giấc, nhưng vào cuối tuần tôi sẽ ngủ bù và tôi sẽ ổn thôi”. Mọi việc không hoạt động theo cách đó”. Phục hồi từ một đêm thiếu ngủ quá dễ dàng, nhưng hồi phục khỏi chứng mất ngủ mãn tính đòi hỏi bạn phải có thói quen ngủ đủ giấc thường xuyên.
Ngủ nhiều hơn: Khoa học vẫn còn rất nhiều điều cần tìm hiểu về việc thiếu ngủ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Những nghiên cứu mới cho thấy rằng chức năng quan trọng của giấc ngủ là để thanh lọc não khỏi các chất thải sinh hóa từ các hoạt động não bộ có ý thức. Điều này có nghĩa là không ngủ đủ có thể làm tích tụ các protein có hại như beta-amyloids, từ đó khiến chúng ta có thể dễ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer.
Cần ngủ bao lâu? Tùy theo người, nhưng Hiệp hội quốc gia về giấc ngủ cho biết người lớn cần ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm.
Ngừng ngay việc nghiện Internet: Bạn có thể đang tự hỏi Internet ảnh hưởng gì đến bộ não. Và đặc biệt, nếu bạn có thể nhớ lại khoảng thời gian trước khi có sự tồn tại của Internet, bạn sẽ nhận thấy những thứ như email đã thay đổi bạn như thế nào. Thậm chí, nó có thể khiến bạn trở nên nghiện, quen với việc thường xuyên phải sử dụng Facebook, tweet, email… và bất cứ thứ gì khác phát sinh.
Konnikova nói: “Việc điên cuồng sử dụng Internet theo cách này chỉ có hại cho chúng ta. Vấn đề xảy ra khi chúng ta bắt đầu làm tất cả cùng một lúc, khi chúng ta bắt đầu làm việc đa nhiệm và nhanh chóng chuyển sự chú ý của chúng ta từ một bài báo, sang một tweet, sang một bài viết trên Facebook, và chúng ta có mặt ở tất cả các nơi bởi vì đó là một đòi hỏi nhận thức và làm cho chúng ta ít tập trung vào những gì chúng ta đang đọc và những gì chúng ta đang làm, và nó cũng chỉ làm cho chúng ta mệt mỏi và xao lãng những công việc chúng ta phải thực hiện.
- Xem thêm: Vượt qua chứng mất ngủ
Vì vậy, làm thế nào để bạn sử dụng Internet tốt hơn? Hãy thiết lập những quy tắc cho chính bạn. Konnikova tư vấn: “30’ cho thư điện tử, theo sau là 30’ cho Twitter và cứ như vậy. Bạn có thể tự buộc mình thực hiện theo đúng quy tắc hoặc bạn có thể sử dụng một công cụ để giúp bạn làm việc này”. Bản thân Konnikova cũng sử dụng một ứng dụng ngăn chặn sử dụng Internet trong cho một khoảng thời gian, buộc phải làm việc và tập trung.
Kiểm tra những hoạt động đa nhiệm của bạn: Vấn đề của chúng ta về việc sử dụng Internet hiệu quả chỉ là một phần nhỏ của vấn đề rộng lớn hơn: sự đa nhiệm. Chúng ta có một văn hóa khuyến khích đa tác nhiệm, mặc dù điều này buộc chúng ta phải sử dụng bộ não một cách gần như tối ưu. Konnikova nói: “Hầu hết những bảng mô tả công việc đều đòi hỏi ‘thực hiện tốt được nhiều nhiệm vụ’ hoặc ‘có thể làm việc đa nhiệm’, cho rằng đây là một điều rất rất tốt”.
Nhưng không phải vậy. Konnikova đã viết về việc không gian văn phòng mở, một xu hướng phổ biến làm chúng ta xao lãng, căng thẳng và kém hiệu quả như thế nào. Nguyên nhân là vì chúng ngăn chặn khả năng tập trung của chúng ta; bản thân không gian này được cấu trúc cho việc đa nhiệm và rất nhiều sự phiền nhiễu và gián đoạn. Trong khi đó việc tập trung có thể có liên quan chặt chẽ đến hạnh phúc. “Một công việc thực sự thú vị là khi bạn đang tập trung vào những gì bạn đang làm, bạn trở nên hạnh phúc hơn, thậm chí khi việc bạn đang làm vô cùng nhàm chán”, Konnikova nói. “Và ngay cả khi bạn đang làm một việc gì đó rất thú vị, nó sẽ kém vui nếu bạn không chú ý đến nó”.
Vì vậy, làm thế nào để ngăn chặn việc đa nhiệm? Đầu tiên, hãy cố gắng tạo một thói quen nhận định khối lượng công việc bạn có thể làm. Và thay vào đó, như với Internet, hãy cố gắng tuân thủ, như vậy bạn mới có thể làm một việc duy nhất vào một thời điểm.
Rèn luyện tâm trí: Nhưng cũng có một giải pháp rộng hơn. Nó được gọi là lưu tâm và nó được nêu chi tiết trong cuốn sách bán chạy nhất của Konnikova Mastermind: How to Think Like Sherlock Holmes.
Điểm nổi bật nhất về nhân vật của Arthur Conan Doyle là óc quan sát cao độ, khả năng nhận thức những chi tiết mà tất cả mọi người khác bỏ qua. Và Konnikova lưu ý rằng Holmes giải quyết hầu hết những vụ án của ông trong trạng thái không hoạt động. Konnikova nói: “Ông ấy thường chỉ ngồi trên chiếc ghế bành và không làm gì cả. Ông nhắm nghiền mắt hoặc là chơi đàn violon, nhưng thường không làm gì cả”. Chính sự nghỉ ngơi, bình tĩnh này cho phép Holmes trở thành một thám tử siêu tập trung và chăm chú như vậy khi thực sự điều tra vụ án.
Vì vậy, làm thế nào để bạn suy nghĩ được như Sherlock Holmes? Konnikova nói rằng bạn cần phải bắt chước viên thám tử: hãy dành 10-15 phút mỗi ngày, bỏ mọi thứ sang một bên và không làm bất cứ điều gì trong khoảng thời gian này. “Điều bạn thực sự cần phải làm, ví dụ như ngồi trên ghế và nhắm mắt lại trong 10 phút, tập trung vào hơi thở, chỉ cần hít vào và thở ra. Và chỉ cần có thế”, Konnikova cho biết.
Nghiên cứu cho thấy các bài tập rèn luyện tâm trí này giúp cải thiện sự chú ý, tập trung. Konnikova nói: “Nó cũng giống như cơ bắp, sẽ bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn, lớn hơn. Bạn bắt đầu có khả năng tập trung dễ dàng hơn và kéo dài hơn”.
- Xem thêm: Tập thể thao dưới nước
Tuy nhiên, bạn có thể nghĩ rằng thực hiện những thay đổi này sẽ là quá khó! Và chính tư duy này mới là vấn đề. “Lối suy nghĩ này là cách mà chúng ta cần thay đổi; nó thực sự gây cản trở chúng ta. Và điều chúng ta không nhận ra là nó làm cho chúng ta ít sáng tạo, làm cho chúng ta không hạnh phúc và khả năng của con người không được sử dụng một cách tối ưu trên cả hai khía cạnh tinh thần và thể chất”, Konnikova nói.