“Những lao động có kỹ năng trung bình không những cần phải cạnh tranh trong nước mà phải cạnh tranh trong khu vực và thậm chí toàn cầu”, GS-TS Franco Gandolfi, hiện là Trưởng khoa Khoa kinh tế và Quản trị trường Đại học Hoa Sen, nhận định về sự dịch chuyển lao động trong cộng đồng ASEAN.
Là người có hơn 32 năm kinh nghiệm trong vai trò quản lý cấp cao trong ngành giáo dục tại một số trường cao đẳng và đại học trên thế giới, khi được hỏi các trường đại học Việt Nam cần phải làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo lao động có trình độ cao, GS-TS Franco Gandolfi cho rằng cần giải quyết ba vấn đề: toàn cầu, ứng dụng và toàn diện.
Trong đó, về mặt toàn cầu, sinh viên phải có khả năng suy nghĩ đột phá và học cách xem xét các vấn đề một cách toàn diện, đa chiều.
Điều này liên quan đến khả năng phân tích đánh giá các vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau, trong các bối cảnh văn hóa khác nhau.
“Về mặt ứng dụng, sinh viên phải học cách áp dụng việc học của mình vào các vấn đề trong cuộc sống, trong thực tế, trong các ngành công nghiệp và môi trường văn hóa khác nhau.
Do đó, các trường đại học phải mở rộng mối quan hệ hợp tác học thuật giữa các trường đại học, học viện nhằm giúp cho giảng viên và sinh viên có cơ hội tiếp cận, tương tác với các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành để tìm ra các giải pháp tiên tiến.
Về mặt toàn diện, nhà quản lý thời hiện đại không những sở hữu kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế mà còn phải nắm vững các kỹ năng mềm cần thiết bao gồm giao tiếp tốt, lãnh đạo, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Một chương trình giảng dạy tiên tiến phải giải quyết và bồi dưỡng những kỹ năng này trong giáo trình đào tạo”, GS-TS Franco Gandolfi nhận định.
- Xem thêm: Tiếp tục câu chuyện “tự chủ đại học”
Ông cũng cho rằng “cộng đồng toàn cầu” hay “nền kinh tế toàn cầu” đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ kể từ thập niên 80.
Toàn cầu hóa, chủ yếu do công nghệ thúc đẩy, đã tác động sâu sắc và phá vỡ nhiều “rào cản” bao gồm sự chuyển dịch lao động địa phương, trong khu vực và trên trường quốc tế.
Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Những thách thức đó bao gồm nhiều hình thức khác nhau của việc “thu hoạch chất xám”; “chảy máu chất xám” và “lưu thông chất xám”.
“Những lao động có kỹ năng trung bình không những cần phải cạnh tranh trong nước mà phải cạnh tranh trong khu vực và thậm chí toàn cầu.
Chỉ những lao động “lành nghề” và có năng lực sẽ có nhiều cơ hội việc làm và đảm bảo lâu dài. Sự dịch chuyển lao động có kỹ năng sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho nhà tuyển dụng lẫn người lao động.
Đặc biệt, cộng đồng ASEAN, sẽ là những quốc gia đầu tiên hưởng lợi từ hiện tượng toàn cầu này”, tân Trưởng khoa khoa Kinh tế và Quản trị Trường Đại học Hoa Sen, phân tích.
- Xem thêm: Đại học đang tự đánh mất mình
Nhìn vào bức tranh sáng khi khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong những năm gần đây, Đông Nam Á vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, GS-TS Franco Gandolfi đánh giá việc tăng trưởng kinh tế ở châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á sẽ là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Ông cho rằng, với một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trong đổi mới và công nghệ.
Điều này đem đến cơ hội duy nhất cho những người lao động bán lành nghề và có tay nghề cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia quản lý nguồn nhân lực này cũng lưu ý: “Chỉ những lao động trình độ cao sẽ tồn tại trong trật tự thế giới mới”.