Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học” do Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 25-12-2017 tại TP.HCM, thu hút hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học phía Nam tham dự.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc áp dụng cơ chế tự chủ đã được triển khai tại 23 trường đại học trên cả nước. Thế nhưng, các cơ chế, quy định liên quan đến việc tự chủ hiện vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, những hạn chế về quyền tự chủ trong việc tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính khiến không ít trường gặp khó khăn trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như chương trình đào tạo.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đề xuất tại buổi hội thảo ý kiến bỏ bộ chủ quản với đại học: “Khi có bộ chủ quản thì tư duy muốn “quản” vẫn còn. Tự chủ hiện nay của các trường đại học chỉ là tự chủ nửa vời. Tất cả đầu tư công của các trường đều phải xin phép bộ chủ quản. Vừa rồi, chúng tôi lát sàn của nền trong trường cũng phải xin phép bộ”.
Nhiều chuyên gia, lãnh đạo trường đại học đồng tình với ý kiến của GS-TS Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, nếu không giải quyết hai vấn đề cơ bản là tự chủ về công tác nhân sự và tự chủ về tài chính, thì chưa thể nói đến tự chủ đại học.
Trong bài viết “Tự chủ đại học – Thực trạng và giải pháp”, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: “Quyền tự chủ của trường đại học đã được thừa nhận hơn 10 năm nay nhưng chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, một phần do những vướng mắc về cơ chế, nhưng một phần quan trọng khác là do các trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng”.
“Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của trường nào cũng thiếu và yếu. Đặc biệt là tập quán “tự túc tự cấp” làm cho lực lượng của các trường ngày càng yếu đi. Phần lớn các trường đại học, nhất là những trường lâu năm, thường chỉ giữ lại những sinh viên do chính trường mình đào tạo ra để làm giảng viên. Trừ một số trường hợp trúng tuyển đi học nước ngoài sau khi tốt nghiệp đại học, trong suốt thời gian học đại học, cao học và làm nghiên cứu sinh, những sinh viên này chỉ biết các thầy ở trường mình, hầu như không tiếp xúc với những chuyên gia khác, những trường phái khác. Ở lại trường làm giảng viên, họ tiếp tục nép dưới bóng những ông thầy cũ, và tiếp tục truyền giảng những giáo điều cũ cho các lớp sinh viên mới. Đó là chưa kể nhiều trường hợp những người có chức có quyền và giảng viên giữ lại trường con cháu mình, mặc dù những học trò này không hẳn là những sinh viên xuất sắc. Giống như tình trạng hôn nhân cận huyết, tất cả những điều này dẫn đến hậu quả không mong muốn: các thế hệ giảng viên và học trò suy giảm dần năng lực sáng tạo, năng lực tiếp thu cái mới, từ đó làm suy giảm năng lực chung của trường đại học”, theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết.
Hiện nay, các trường đại học được tự chủ về mức chi nhưng tự chủ về thu chưa tương xứng, dẫn tới hiệu quả của việc thực hiện tự chủ không hơn là bao so với không tự chủ. Trong thời gian dài, do bị khống chế về trần học phí, mức trần học phí thường thấp, thu không đủ chi cho nên một số cơ sở giáo dục đại học công lập xé rào, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu.
Cần có chính sách mở cho các trường chủ động hơn trong việc huy động các nguồn lực xã hội, cũng như đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ. Cụ thể, các trường có thể tạo nguồn thu thông qua các hoạt động dịch vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học hoặc tận dụng lợi thế sẵn có để thực hiện các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm gia tăng nguồn thu và thu hút đầu tư từ xã hội.
Tại buổi hội thảo trên, các vị tham gia phần đông đồng tình với ý kiến học phí được xem là giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay. Mức thu học phí cần được tính toán dựa trên chất lượng đào tạo nhưng phải đảm bảo bù đắp đáng kể cho các chi phí hoạt động của trường đại học.
Theo xu thế chung, giáo dục đại học phải thực hiện theo nguyên tắc người học chủ yếu phải gánh chịu chi phí đào tạo của mình. Vì vậy, cần từng bước tăng mức học phí sao cho đóng góp của người học chiếm từ 50 – 55% chi phí đầu tư đào tạo của mỗi sinh viên. Nhằm thực hiện điều này, nhà nước cần phát triển các quỹ có quy mô đủ lớn để sinh viên vay vốn cũng như thực hiện nhiều chính sách phúc lợi khác nhằm đảm bảo công bằng xã hội, không để sinh viên có đủ trình độ nhưng không theo học được vì lý do tài chính.
Cuối tháng 10-2017 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Cả nước có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ, trong đó 12 trường trên hai năm, 11 trường dưới hai năm. Các trường tự chủ trong các lĩnh vực: đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính. Tại hội nghị này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến về vấn đề tự chủ tài chính, cho rằng ý nghĩa cơ sở giáo dục được tự chủ về thu chi theo quy định pháp luật chỉ là một phần trong khái niệm này. Trước đây, nguồn thu của trường được cấp theo đầu vào, số biên chế, hay chỉ tiêu đăng ký mà không phụ thuộc vào chất lượng đầu ra. Khi tự chủ, các trường vẫn được nhận ngân sách nhưng sẽ theo cách giao nhiệm vụ và căn cứ vào chất lượng giáo dục.