Nói đến “tự chủ đại học” là nói đến mối quan hệ trong quản lý giáo dục đại học với một bên là sự can thiệp của hệ thống hành chính nhà nước và một bên là quyền và trách nhiệm của các chủ thể giáo dục đại học, chủ yếu bao gồm các nhà giáo, sinh viên cùng với những tổ chức hành động của họ là trường và các bộ phận trong trường đại học.
Nếu lấy mức độ can thiệp của chính phủ và chính quyền cấp dưới để làm thước đo “tự chủ đại học” thì đã có nhiều cuộc khảo sát ghi nhận rằng các trường đại học ở Anh, Mỹ có mức tự chủ cao nhất, kế đến là ở các nước EU, sau cùng là châu Á với mức tự chủ còn tương đối thấp.
Trong 100 trường đại học danh giá nhất thế giới, theo một cuộc xếp hạng gần đây, được biết có không dưới 50% trong số đó là những trường đại học thuộc nền giáo dục đại học Anh, Mỹ có mức độ tự chủ cao, và nhiều trường ở đó đã hướng mạnh vào việc nghiên cứu và triển khai khoa học.
“Tự chủ đại học” tụt hậu rất xa so với “tự chủ kinh tế”!
Ở Việt Nam, chúng ta có bài học quý giá từ cách xử lý mối quan hệ quản lý trong đổi mới kinh tế với việc tăng cường quyền và trách nhiệm cho các chủ thể kinh tế, như có thể kể: việc thừa nhận kinh tế nông hộ là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn; việc phá bỏ rào cản “ngăn sông cấm chợ” để giành quyền tự chủ cho người sản xuất và người tiêu dùng, người bán và người mua; cũng như đặt doanh nghiệp trước thị trường và hành lang pháp lý để hành xử…
Những điều này cho thấy cái “mạch” chung của công cuộc cải cách kinh tế là mở rộng quyền tự chủ, đã và đang dẫn đến nhiều kết quả tốt đẹp thấy rõ, góp phần giải phóng sức sản xuất, bởi một lẽ đơn giản là sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã thực sự khơi dậy tính năng động sáng tạo không chỉ trong kinh tế mà còn trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác của đời sống xã hội.
Thiết nghĩ những bài học như thế đã đủ sức thuyết phục để xác nhận thêm nữa sự cần thiết phải tiếp tục lộ trình đổi mới theo các hướng căn bản gồm kinh tế thị trường, dân chủ và pháp quyền.
Vì vậy, để chấn hưng nền giáo dục đại học trong nước, chúng ta cũng không thể bỏ qua mà không tham khảo bài học như vừa nêu trên, tức bài học tự chủ và trách nhiệm của các chủ thể kinh tế trong công cuộc đổi mới đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ.
Một câu hỏi cần được đặt ra là: vấn đề quan trọng như vậy và đã từng được giới đại học nêu lên từ nhiều năm trước, nhưng hiện thực tự chủ đại học ở Việt Nam cho tới bây giờ đã đạt được đến đâu, trên thực tế và so với bảng xếp hạng chung của các đại học thế giới?
Tuy hãy còn chưa đủ cơ sở, nhất là những so sánh có tính định lượng để có được lời giải hoàn toàn chuẩn xác, nhưng phần lớn những người am hiểu và tâm huyết trong giới đại học đều cho rằng về “tự chủ đại học”, Việt Nam đang còn đứng ở vị trí rất thấp, trong số các đại học ở “top” sau cùng.
Nếu đặt trên mặt bằng tiến hóa chung của xã hội Việt Nam, nhiều ý kiến cũng thống nhất thừa nhận rằng quyền tự chủ đại học tại Việt Nam vẫn đang trong tình trạng tụt hậu và thấp kém, so với các chủ thể sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế vốn đã có những bước trưởng thành từ cải cách và mở cửa trong hơn 20 năm đổi mới.
Đại học: nghèo khó và xơ cứng!
Mà thiếu quyền tự chủ và trách nhiệm với chính mình và với xã hội thì đại học tự đánh mất mình rồi. Điều này không còn hoàn toàn là cảnh báo, mà trong một chừng mực đã là thực tế diễn ra trong đời sống của đại học Việt Nam.
Mấy trường hợp nêu sau đây phần nào cho chúng ta cảm nhận điều đó: Vẫn thực hiện một cách máy móc cơ chế “biên chế, niên chế” với nhiệm vụ và điều kiện làm việc được quy định từ trên, đã làm cho các cơ sở đại học thiếu quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng đội ngũ của chính mình.
Tương tự như vậy, việc duy trì quá lâu cơ chế bao cấp từ ngân sách nhà nước đã làm cho các cơ sở đại học, nhất là đại học công lập mất sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc tạo nguồn và sử dụng tài chính của chính mình để rồi phải chấp nhận là đại học nghèo khó và xơ cứng trong đời sống vật chất.
Gần đây có thêm phần bổ sung từ nguồn thu học phí, một hình thức xã hội hóa đáng được khuyến khích, tuy nhiên số lượng tuyển sinh và mức “trần” học phí còn bị khống chế từ Bộ chủ quản nên các trường vẫn chưa tự chủ, tự chịu trách nhiệm được.
Việc lớn đáng nói là sự tách rời hai hệ thống cơ sở đào tạo đại học và cơ sở nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ đặt dưới sự chủ quản của hai bộ riêng biệt – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ.
Với cách tổ chức này của hệ thống tổ chức hành chính nhà nước thì muốn hay không cũng đã tước bớt quyền và trách nhiệm nghiên cứu, triển khai khoa học của đại học, làm cho sự vận hành của đại học khập khiễng bởi chân khoa học yếu.
Trong việc “tự chủ” giáo dục đại học, sự giải phóng về tư tưởng trong chiều hướng tôn trọng quyền tự do học tập – nghiên cứu, tự do phát biểu chính kiến khoa học trong giảng dạy là quan trọng nhất, nghĩa là phải có sự cởi mở, cởi trói tư tưởng, mạnh dạn bỏ bớt những hệ tư tưởng trong lịch sử có lúc cần thiết nhưng nay ít có tác dụng đóng góp vào hoạt động thực tiễn; cải cách, điều chỉnh chương trình và cách dạy cho các bộ môn thuộc khoa học xã hội, đặc biệt ở hai môn triết học và kinh tế – chính trị.
Những suy tư bất vụ lợi, những thái độ tri thức đúng đắn, chỉ có thể nảy nở trong một bầu không khí tự do cởi mở. Với sự tự chủ cần thiết đó, đại học mới đúng là môi trường học tập của người lớn, ở đó sinh viên không bị xem như những kẻ nô lệ nhỏ bé chỉ biết vâng vâng dạ dạ, và mới có thể góp phần mang lại những biến cải xã hội có tính nhân văn và tiến bộ.
Lề lối tổ chức để cho các cơ quan công quyền can thiệp quá nhiều do vậy thường gây trở ngại rất lớn cho sinh hoạt cũng như cho sự phát triển vững chắc lâu dài của nền đại học.
- Xem thêm: Xếp hạng đại học từ hạn chế đến cải tiến
Thiếu sự tự chủ về quản trị hành chính nên đại học hiện nay phải đi qua quá nhiều thủ tục rườm rà của nhiều cơ quan nhà nước khi muốn cải tạo cơ sở, sửa đổi chương trình giảng dạy, mua sắm những đồ dùng dạy học cần thiết.
Không có tự chủ về quản trị tài chính nên đại học không có quyền sử dụng ngân sách của mình một cách trực tiếp vào sự điều hành hay phát triển, không được quyền tiếp nhận trực tiếp các nguồn tài trợ từ bên ngoài, dù bất vụ lợi.
Không có sự tự trị về nhân viên nên đại học không có quyền quyết định về biên chế cần thiết cho ban giảng huấn và những thành phần khác, không có khả năng quyết định sự thưởng phạt hoặc thuyên chuyển sàng lọc cán bộ nhân viên tinh giảm bộ máy tùy theo nhu cầu thực tế của từng mỗi nhà trường.
Giải pháp của nhiều giải pháp
Sự cải cách đại học theo hướng tăng quyền tự chủ và đề cao trách nhiệm cho nhà trường, cho người dạy, người học vì vậy đồng thời phải hướng đến cả ba mặt học vụ, hành chính và tài chính, còn cách tự chủ như thế nào thì còn tùy vào hoàn cảnh cụ thể và trình độ phát triển đại học ở mỗi nước.
Theo ý kiến của phần đông các chuyên gia, hai mặt mà Nhà nước vẫn cần có sự can thiệp là hành chính – tài chính và “các chuẩn mực học thuật”, nhưng sự can thiệp hoàn toàn không có nghĩa gây khó khăn cản trở mà chỉ giám sát và hỗ trợ để phát huy những mặt tốt, hạn chế những mặt kém hoặc thậm chí lạm dụng do sự tự chủ đại học có thể mang lại.
Điều nầy có nghĩa là về mặt hành chính – tài chính, Nhà nước khi cần thiết có thể quy định số lượng sinh viên (để cung không vượt cầu), đóng cửa hoặc sáp nhập các cơ sở đại học, kiểm toán tài chính, quy định mức học phí và tài trợ cho sinh viên, yểm trợ mặt bằng và tài chính cho các đại học tư; mặt thứ hai bao gồm việc theo dõi chất lượng giảng dạy, công nhận các chương trình và trường đại học.
Can thiệp về hành chính – quản trị hoàn toàn không có nghĩa là tạo ra cơ chế có quá nhiều tổ chức chính trị theo kiểu “bộ tứ” thực tế cho thấy thường hạn chế quyền hạn và cung cách điều hành sáng tạo của các vị hiệu trưởng.
Thay vào đó, nên có một hội đồng trường thật mạnh và hoạt động chất lượng, hiệu quả, với sự tham gia của sinh viên và cả nhiều đại diện khác bên ngoài nhà trường.
Quá trình cải cách giáo dục đại học quả là còn rất nhiều việc phải làm, trong đó việc nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm cho các cơ sở đại học, cho người dạy, người học là giải pháp có tính đột phá, vì đó là giải pháp của nhiều giải pháp.