Chắc hẳn mọi người đều thuộc nằm lòng diễn biến của cuộc đổ bộ ở Normandie, tuy nhiên trong “Ngày dài nhất” này vẫn còn ẩn giấu nhiều sự kiện bí mật và những anh hùng vô danh chưa hề công bố.
Khi có người hỏi ai là người có công lớn nhất cho sự thành công của ngày D (ngày D – D Day là bí danh của ngày đổ bộ Normandie)? Không hề ngần ngại, Dwight Eisenhower, Đại tướng tổng tư lệnh lực lượng Đồng minh, trả lời ngay: đó là Andrew Higgins. Cái tên này có thể các bạn không hề nghe nói đến, Andrew Higgins là người đã phát minh ra “tàu đổ bộ LCVP” (viết tắt của từ Landing Craft Vehicle & Personnel), về thực chất là loại xà lan đáy bằng, lúc đầu Andrew Higgins đã chế tạo cỗ máy này để chạy trong vùng đầm lầy ở bang Louisiana của Mỹ. Thế nhưng với tầm nhìn chiến lược, khi nhìn thấy loại xà lan này, tướng Tổng tư lệnh Eisenhower đã thấy được một giải pháp ưu việt về quân sự ngay từ năm 1942: các xà lan này có thể biến thành các tàu đổ bộ, có thể cập bến bất kỳ bờ biển nào mà không cần đến các hải cảng mà các nơi nàyđã bị quân Đức canh gác nghiêm ngặt. Trong khoảng thời gian từ những năm 1942-1945, Higgins đã chỉ huy việc chế tạo 20.000 chiếc tàu đổ bộ này trong các xưởng đóng tàu bí mật ở Bắc Mỹ mà trong đó thể hiện hình ảnh rất đẹp: các công nhân da màu và da trắng, nam lẫn nữ, đã làm việc sát cánh bên nhau trong khi điều này bị cấm ở miền Nam nước Mỹ! Hơn 130.000 binh sĩ đã đổ bộ vào ngày D từ những chiếc tàu đổ bộ này lên bờ biển Normandie. Đây là một đòn trời giáng đối với Hitler và Hitler đã than phục, dùng từ “Tân Noé” khen tặng nền công nghệ của Mỹ.
Thực ra, ngoài Andrew Higgins và những chiếc tàu đổ bộ, còn có sự góp công rất lớn của các điệp viên, các nhà khí tượng và những người anh hùng vô danh hoạt động trong bóng tối mà ngày D đã thành công tốt đẹp. Quân Đồng minh dự kiến phải hy sinh khoảng 25.000 người (chết, bị thương, bị bắt làm tù binh), nhưng cuối cùng chỉ mất 10.600 người, trong đó 3.800 tử trận. Đây quả thực là thiên anh hùng ca, với những phát minh thiên tài và vận may mỉm cười mà ngày D đã không kết thúc trong cơn ác mộng.
157.000 người đàn ông và duy nhất một phụ nữ
Nữ phóng viên Martha Gellhorn đã qua mặt được mọi người. Vào ngày 6 tháng 6, Martha đã ngụy trang thành một nữ y tá để lên chiếc tàu-bệnh viện với nhiệm vụ chăm sóc thương binh. Khi tàu sắp cập bờ, Martha đã lẻn vào phòng vệ sinh, trút bỏ bộ đồ y tá để biến hình thành một người đàn ông khiêng cáng. Vào khoảng 8 giờ sáng, Martha đổ bộ lên bãi biển Omaha Beach trong đợt thứ hai của quân Đồng minh. Như vậy, Martha là người phụ nữ duy nhất có mặt trong ngày lịch sử này.
Cuộc diễn tập đẫm máu tại Slapton Sands
Trên tấm hình này, ta thấy các chiến binh đều vô tư tươi cười bởi vì đây chỉ là một cuộc tổng diễn tập… Vài tuần trước ngày D, quân Đồng minh đã tổ chức một cuộc tổng dượt, gọi là “chiến dịch Hổ gầm” với sự tham gia của 30.000 binh sĩ. Tư lệnh quân đội Anh đã trưng dụng bãi biển Slapton Sands ở miền Nam nước Anh để diễn tập bởi vì địa thế bãi biển này cũng tương đồng với bãi Utah Beach của Normandie nước Pháp.
Theo kế hoạch dự kiến, ngày 21-4-1944, một đoàn tàu có hộ tống chở quân, tiếp cận bờ biển. Quá chủ quan, không một ai để tâm đến các tàu tuần tra của Đức Quốc xã, xuất phát từ Cherbourg, đã lao vào đoàn hậu quân và phóng ngư lôi vào tàu. 3 chiếc bị trúng ngư lôi, 749 binh sĩ Anh và Mỹ đã hy sinh. Tuy nhiên, nhờ thảm họa này mà quân Đồng minh đã rút được kinh nghiệm, sửa sai cho ngày D.
Vì sao là ngày 6?
Người Mỹ đã thiết lập các đài khí tượng ở miền bắc Đại Tây Dương ngay từ năm 1941. Các chuyên gia đã nắm được quy luật, theo đó sau một khoảng thời gian biến động thì vào ngày 6 tháng 6, thời tiết sẽ tốt lên, sóng yên gió lặng. Trong khi người Đức vẫn tin rằng vào ngày đó biển vẫn động, sóng to gió lớn không thể đổ bộ được. Ngay cả Thống chế Rommel, tư lệnh quân Đức, cũng yên tâm đi nghỉ dưỡng.
Trong thời khắc lịch sử này, Quốc trưởng Hitler vẫn ngủ yên
Hitler đã không hiện diện vào sáng hôm đó. Địch thủ đáng gờm nhất của ông là Stalin nên Hitler đã đi ngủ sớm và dậy muộn. Và ngày 6 tháng 6 định mệnh đó, mặc dù tin báo đến từ Normandie dồn dập, nhưng không một ai có can đảm đánh thức Quốc trưởng đang ngủ ngon trong khu nghỉ dưỡng ở vùng núi Bavière. Hơn nữa, những tiếng động cụt ngủn do tàu đổ bộ gây ra khiến quân Đức cho là tiếng động nghi binh mà thôi.
Vì vậy, không có lý do gì để đánh thức Quốc trưởng dậy… Cuối cùng, Hitler cũng đã vươn vai bước ra khỏi phòng lúc 10 giờ sáng. Vào thời điểm này, quân Đồng minh đã đổ bộ lên đất Pháp gần 100.000 quân rồi. Tuy vậy, Hitler cũng không tỏ vẻ gì lo ngại vì ông tin rằng sớm muộn quân Đức cũng tống cổ quân Đồng minh ra biển. Lúc này ông ta chỉ bận tâm đến việc nghiền nát Liên Xô. Và chuyện gì phải đến đã đến.
Người Đức không tin vào mắt mình nữa
“Xin lỗi vì tôi đã đến trễ”, Huân tước Lovat đã nói lời xin lỗi rất lịch sự như trên trong ngày 6-6-1944. Huân tước Lovat dẫn đầu biệt đội đệ nhất của Cơ quan tình báo Anh, đã thốt lên lời xin lỗi trên khi chạm mặt lính dù của Sư đoàn 6 không vận tại cây cầu Pegasus ở thành phố Benouville,nối giữa Caen và bờ biển. Huân tước Lovat tỏ vẻ phấn khích vì bây giờ là 13g32, muộn 2 phút so với kế hoạch dự kiến. Phải nói rằng vị Huân tước xứ Scotland này là một người rất truyền thống.
Vài giờ trước đây, Huân tước Lovat đã dẫn đầu đơn vị, đổ bộ lên bãi biển, với sự tháp tùng của Bill Millin, nghệ sĩ chơi kèn túi. Quân Đồng minh quá kinh ngạc trước cảnh tượng kỳ dị này: Huân tước Lovat mặc áo pull trắng cổ cao với quần dài bằng vải velours kaki như thử đang đi săn và người chơi nhạc Scotland dẫn đầu. Không ngờ vẻ quái dị của Loval và Millin đã cứu sống họ. Quân Đức đã bắt cầm tù họ mà không bắn chết bởi vì lính Đức tưởng rằng bọn họ hơi bị khùng.
Robert Capa, phóng viên trong bão táp
Biển nổi sóng đã làm chúng tôi ướt đẫm… Các cơn nôn ói bắt đầu. Sự phiền toái này đã được tiên liệu, các túi nhỏ đã tinh tế xử lý trở ngại này. Ngay cả trên tàu đổ bộ, trên con đường tiến đến “địa ngục Omaha Beach”, Robert Capa vẫn giữ được sự phấn khích. Vũ khí của nhiếp ảnh gia thiên tài này chỉ là cái máy ảnh Zeiss Ikon. Bất chấp hiểm nguy, Capa trườn mình trên bãi cát để bắt được những tấm hình quý giá trong ngày D lịch sử này. Và những tấm hình này đã xuất hiện “lung linh” trên tạp chí Life ngày 19.6.1944, trong đó tấm ảnh nổi tiếng nhất là “Chân dung trong sóng cuộn” (Visage dans les vagues).
Chiến dịch Pluto: lời chào đến từ đáy biển
Sau cuộc đổ bộ, phải cần đến hàng ngàn tấn xăng mỗi ngày để cung cấp cho cuộc tiến công của quân Đồng minh xuyên qua nước Pháp. Vì vậy, sự cung ứng của các mỏ dầu xem ra chậm và đầy nguy cơ. Ngay từ năm 1942, các kỹ sư người Anh đã chế tạo các đường ống dẫn mềm dẻo, mô phỏng cách thức của dây cáp điện thoại, có trọng lượng nặng để chìm dưới đáy biển Manche và có thể chịu được luồng nước.
Một khi quân Đồng minh đổ bộ lên Normandie, các ống dẽo này được cuộn tròn quanh những cái trống khổng lồ, được vận chuyển bằng tàu và được tháo cuộn giữa bờ biển nước Anh và Pháp: được mệnh danh là “chiến dịch Pluto”. Và từ tháng 9.1944, một “chiến dịch Pluto” tương tự được thực hiện giữa đảo Wight, gần bờ biển Anh và Cherbourg, trong biển Manche, tức là khoảng 130 km ống dẫn dưới đáy biển.
Mật danh các bãi biển ngày J xuất phát từ đâu?
Về phần Mỹ, họ chọn “Utah”, một trong 48 tiểu bang của Mỹ, và “Omaha”, một thành phố của Nebraska bởi vì các sĩ quan thuộc Bộ Tham mưu có quê quán ở đây. Còn về phía Anh, tướng Montgomery lại đề xuất “Goldfish” và “Swordfish”, viết tắt thành “Gold Beach” và “Sword Beach”. Bãi biển thứ ba được đề xuất là “Jellyfish” và trở thành “Jelly Beach”.
“Cạm bẫy mỹ nhân”thách thức lính dù
Trước ngày đổ bộ, quân Đức đã bố trí các khẩu đại pháo phòng thủ ở Merville trong vùng Calvados để đối đầu với các cuộc oanh tạc của quân Đồng minh. Vì vậy, các khẩu đại pháo này là mối đe dọa đối với bãi biển Sword Beach, nơi quân Anh sẽ đổ bộ. Cho nên, Tướng Montgomery buộc phải mạo hiểm tung ra một đòn đầy rủi ro: cho máy bay thả lính dù thuộc tiểu đoàn 9 vào đêm 5 rạng sáng 6.6.1944 trong vùng Merville. Nhiệm vụ của đơn vị lính dù này là “vô hiệu hóa” các khẩu đại pháo của quân Đức trước ngày D.
Kể từ giờ phút này, đơn vị lính dù này được lệnh tuyệt đối giữ bí mật sứ mệnh này vì gián điệp Đức rải đầy khắp nước Anh. Để trắc nghiệm sự bảo mật của những người lính này, sĩ quan chỉ huy đơn vị đã điều động 30 cô gái xinh đẹp thuộc Lực lượng hỗ trợ của Không lực Hoàng gia Anh. Các cô nàng này có nhiệm vụ lân la, bắt chuyện dò la các lính dù này trong thời gian thư giãn ở trong quán bar. Nhưng không một người nào trong bọn họ rơi vào “bẫy mỹ nhân” này. Thật đáng khen vì bọn họ đang còn là trai trẻ độc thân…
Ngôi làng đầu tiên được giải phóng
Đêm 5 rạng sáng 6.6.1944, 30 lính dù Mỹ đánh chiếm được nhà thờ Sainte-Mère-Eglise. Vào khoảng 4 giờ sáng, lính dù Mỹ cắm lá cờ Mỹ trên nóc tòa thị chính. Sainte Mère là ngôi làng đầu tiên của nước Pháp được giải phóng khỏi ách Đức Quốc xã.
Ai đã tạo ra trò chơi ô chữ kỳ lạ này
Vào khoảng tháng 5.1944, một trò chơi ô chữ xuất hiện trên tờ nhật báo Anh The Daily Telegraph làm cho các cơ quan tình báo hoảng sợ. Từ “Utah” xuất hiện trong ô chữ ngày 2.5 rồi kế tiếp “Omaha” ngày 22 và “Overlord” ngày 27. Mật mã của “Ngày đổ bộ” cũng chỉ chừng đó thôi. Phải chăng có nhân viên tình báo nào đó muốn nhắn tin cho kẻ địch? Tuy nhiên, Cơ quan phản gián đã xác minh tác giả ô chữ không phải là gián điệp. Cho đến hiện nay, nguồn gốc của ô chữ này vấn còn là ẩn số.
Người Comanche nói chuyện với Comanche
“Cuộc đổ bộ đã thành công”: đó là những tiếng đầu tiên mà điện báo viên thông báo từ bãi biển Utah Beach giữa lòng 23.000 binh sĩ Đồng minh. 14 điện báo viên da đỏ vùng Bắc Mỹ nói chuyện với nhau bằng thổ ngữ Comanche để bảo mật đối với hệ thống nghe lén của Đức Quốc xã. Cái đó được gọi là “mật mã điện đàm” (code talkers) để thông báo tin tức cho Bộ Tham mưu suốt ngày mà không sợ bị lộ. Tại Bộ Tham mưu, có điện báo viên da đỏ dịch ra tiếng Anh. Các thông tin được ẩn dụ hóa bằng các cụm từ không có trong tự điển, thí dụ như “con rùa” để chỉ chiếc xe thiết giáp, “chim mang bầu” ám chỉ máy bay ném bom.
Hôn lễ trong ngày D
Nàng tên là Juliette Le Cambaye, 16 cái xuân xanh. Còn chàng là Georges Brault, 24 tuổi. Họ dự kiến tổ chức hôn lễ vào ngày 6.6.1944 tại nhà thờ Sainte-Mère. Thế nhưng vào ngày đó thì xảy ra cuộc thả dù đầu tiên. Gia đình của cả 2 người đều bỏ nhà chạy trốn. Juliette chạy trốn trong hầm trú ẩn, lo lắng vì không thấy bóng dáng của Georges đâu cả. Sau đó, Juliette đã tìm được George, không bị hề hấn gì. Họ quyết định kết hôn trong một nhà kho chứa thóc, vào ngày 23.6 với bữa tiệc cưới là khẩu phần ăn thời chiến và thức ăn dự trữ của lính Mỹ trao tặng.
Gustav, người hùng đưa thư
Gustav là kẻ đưa thư không mệt mỏi. Ngày 6.6.1944 vào khoảng 8 giờ sáng, con chim bồ câu đưa thư này được thả ra từ bàn tay của Montague Taylor, phóng viên của Reuter, đã lênh đênh trên một chiếc xà lan tiến về bãi biển Normandie. Gustav được thả vào không trung, lập tức bay đến một căn cứ quân sự nằm trên đảo Thorney trong vùng Sussex của nước Anh.
Bất chấp gió mạnh 48km/g, con bồ câu anh dũng này đã vượt qua 240km trong 5 tiếng đồng hồ và đặt vào tay trung sĩ Halsey những tin tức đầu tiên về cuộc đổ bộ Normandie. Do sợ gián điệp nên tất cả tin tức truyền đi qua vô tuyến đều phải tạm ngưng. Sau chiến tranh, Gustav được tặng thưởng huy chương Dickin, tương đương với Victoria Cross, huân chương chữ thập cao quý của Nữ hoàng Anh dành cho thú vật.