Trên thế giới, có những người từng sở hữu tài sản hàng tỉ USD nhưng bỗng chốc rơi vào cảnh trắng tay, thậm chí vướng vòng lao lý.
Dưới đây là 10 vụ phá sản hoặc vỡ nợ gây chấn động trong giới tỉ phú được trang Business Insider điểm qua:
Patricia Kluge
Cựu người mẫu Patricia Kluge kết hôn với người chồng thứ hai, tỉ phú John W. Kluge, vào năm 1981. Khi đó, ông Kluge sở hữu khối tài sản 5 tỉ USD và được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất ở Mỹ.
Chín năm sau, cặp đôi ly dị và bà Patricia được chia tài sản một khoản lớn, bao gồm tiền trợ cấp 1 triệu USD mỗi năm và điền trang Albemarle rộng lớn.
Sau đó, Patricia kết hôn lần thứ ba với William “Bill” Moses và dùng tài sản có được trong vụ ly hôn với chồng cũ để mở một trang trại rượu nho rộng lớn gần Albemarle.
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản Mỹ lao dốc vào năm 2008, Patricia rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và bị Ngân hàng Bank of America tịch biên trang trại.
Năm 2011, điền trang của bà được nhà ông Donald Trump mua lại với giá chỉ bằng một phần so với giá trị trước kia. Patricia thậm chí đã phải bán đấu giá hết nữ trang và các tài sản còn lại để tránh lâm vào cảnh phá sản, nhưng không thành công. Cuối cùng, bà phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 6-2011.
Vijay Mallya
Vijay Mallya là tỉ phú ngành hàng không và rượu của Ấn Độ, nổi tiếng với lối sống tiệc tùng xa hoa. Vào năm 2012, ông bị phát hiện phải vay nợ ngân hàng để cố gắng duy trì hoạt động của hãng bay Kingfisher Airlines.
Sau đó, ông vỡ nợ, phải dừng hoạt động hãng hàng không và dùng hộ chiếu ngoại giao có được nhờ vị trí thượng nghị sĩ Ấn Độ để trốn sang Anh.
Đến nay, Mallya vẫn chưa trở về Ấn Độ, dù chính phủ và các ngân hàng nước này tìm cách dẫn độ ông. Theo truyền thông Ấn Độ, ông bị cáo buộc các tội gian lận và rửa tiền lên tới 1,3 tỉ USD.
Sean Quinn
Sean Quinn từng là người giàu nhất ở Ireland, sở hữu tài sản trong nhiều ngành công nghiệp như nhựa, kính và khách sạn. Ngoài ra, ông còn nắm cổ phần 25% trong Ngân hàng Anglo Irish Bank.
Khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, ngân hàng này ngấp nghé bờ vực sụp đổ và được chính phủ Ireland dùng tiền thuế của dân để giải cứu.
Sau đó, xhính phủ Ireland giành quyền kiểm soát Anglo Irish Bank, mở đầu cho một loạt rắc rối pháp lý mà gia đình Quinn và ngân hàng này vướng vào.
- Xem thêm: 20 vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ
Quinn mất gần hết số tài sản 2,8 tỉ USD. Tháng 11-2011, ông tuyên bố tài sản của ông còn chưa đầy 50.000 bảng và nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Jocelyn Wildenstein
Với ngoại hình khác biệt, Jocelyn Wildenstein được nhiều tờ báo lá cải ở thành phố New York đặt cho biệt danh “miêu nữ”.
Bà là vợ cũ của tỉ phú quá cố Alec Wilderstein, người làm trong lĩnh vực kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật. Sau khi ly dị, bà được chia số tài sản lên tới 2,5 tỉ USD.
Jocelyn từng được cho là chi 1 triệu USD mỗi tháng cho việc mua sắm và 5.000 USD cho hóa đơn điện thoại. Năm 2018, bà tuyên bố phá sản và cho biết không còn một đồng nào trong tài khoản séc.
Bernard “Bernie” Madoff
Bernard “Bernie” Madoff là “đạo diễn” của vụ lừa đảo kim tự tháp (ponzi) lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Trong suốt nhiều thập niên, các nhà đầu tư rót tiền cho Madoff đã mất tổng cộng 65 tỉ USD. Năm 2008, ông này bị cáo buộc 11 vi phạm trong các tội danh lừa đảo, rửa tiền, khai man và trộm cắp.
Với các tội danh như vậy, Madoff lĩnh án 150 năm tù giam trong nhà tù liên bang. Trước khi vụ lừa đảo bị phát giác, ông ta và vợ đã sở hữu khối tài sản cá nhân gần 1 tỉ USD.
Elizabeth Holmes
Elizabeth Holmes từng là một “ngôi sao đang lên” ở Thung lũng Silicon, sở hữu khối tài sản 5 tỉ USD. Công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ thử máu Theranos của Holmes khi đó được định giá ở mức 9 tỉ USD.
Không lâu sau, công nghệ của Theranos bị phát hiện là không cho kết quả chính xác. Đầu năm 2016, cơ quan chức năng kết luận rằng công nghệ này thậm chí đặt ra rủi ro về an toàn cho bệnh nhân.
Holmes bị kết tội gian lận vào tháng 6-2018, và hiện tài sản của cô đã giảm về 0. Theranos đóng cửa vào tháng 9-2018, dù không phá sản.
Hiện Holmes và đối tác Sunny Balwani đang chờ ngày hầu tòa vào năm 2020.
Björgólfur Gudmundsson
Björgólfur Gudmundsson từng là người giàu thứ nhì ở Iceland và là cổ đông chính của Ngân hàng Landsbanki. Ông giàu lên trong lĩnh vực sản xuất bia và từng sở hữu câu lạc bộ bóng đánh Anh West Ham.
Do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế ập xuống Iceland, Landsbanki sụp đổ vào tháng 10-2008. Năm 2009, Gudmundsson cũng nộp đơn xin phá sản, với số nợ 759 triệu USD, đánh dấu vụ vỡ nợ lớn nhất lịch sử Iceland ở thời điểm đó. Tài sản của ông theo ước tính của tạp chí Forbes đã giảm từ 1,2 tỉ USD về 0.
Một tin vui là Gudmundsson kể từ đó đã vực lại được công việc kinh doanh, và được Forbes đánh giá là “sự trở lại tuyệt vời”.
Eike Batista
Eike Batista từng là người giàu nhất Brazil, với khối tài sản ròng 30 tỉ USD vào năm 2012. Khi đó, ông còn ước mơ sẽ trở thành người giàu nhất thế giới.
Tự tay làm nên tài sản và nổi tiếng với lối sống xa hoa, ông một thời là niềm cảm hứng cho thế hệ trẻ Brazil.
Batista mất gần hết tài sản khi công ty dầu lửa OGX của ông phá sản vào năm 2013. Tháng 7-2018, ông lĩnh án 30 năm tù vì tội hối lộ cựu Thống đốc Sergo Cabral của Rio de Janeiro.
Allen Stanford
Allen Stanford hiện đang thụ án 110 năm tù giam trong nhà tù liên bang Mỹ, vì tội vận hành vụ lừa đảo kim tự tháp (ponzi) lớn thứ nhì trong lịch sử Mỹ.
- Xem thêm: Cuộc đua vào vũ trụ của các tỉ phú
Vụ lừa đảo này được cho là gây thiệt hại 7 tỉ USD cho các nhà đầu tư. Đến nay, nhiều trong số 18.000 nạn nhân của Stanford vẫn chưa thể lấy lại tiền.
Tạp chí Forbes ước tính tài sản của Stanford hiện là 0, dù ông từng là một tỉ phú.
Donald Trump
Cá nhân Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ tuyên bố phá sản, nhưng sáu trong số các công ty của ông đã từng nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Sòng bạc Taj Mahal của ông Trump ở Atlantic City tuyên bố phá sản vào năm 1991. Hai sòng bạc khác của ông cũng phá sản, cùng với Khách sạn Plaza Hotel ở New York.
Truyền thông Mỹ còn phá hiện ra rằng hai công ty khác của ông Trump cũng phá sản nhưng ít được biết tới. Đó là Trump Hotels and Casinos Resorts phá sản năm 2004 với 1,8 tỉ USD tiền nợ, và Trump Entertainment Resorts phá sản năm 2009.
Tuy nhiên, những vụ phá sản này có vẻ không khiến ông Trump buồn phiền. Trong một cuộc tranh luận thuộc khuôn khổ bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2016, ông Trump đã được hỏi làm sao ông đáng tin cậy để điều hành đất nước sau chuỗi vụ phá sản như vậy.
Ông đáp: “Tôi đã vận dụng luật của đất nước này, giống như những người thông minh tuyệt vời khác… Nhờ đó, tôi làm được điều tốt cho công ty của tôi, cho bản thân tôi, nhân viên của tôi và gia đình tôi”.