“Không có tuyết, cũng không có mưa hay nóng, cũng không có bóng đêm đối với những người đưa thư về việc hoàn thành nhanh chóng hành trình của họ”. Câu này nghe có vẻ quen? Đó là phương châm của Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) phải không? Thực ra thì USPS không có phương châm, nhưng nó được trích dẫn từ quyển 8 Những cuộc chiến ở Ba Tư của sử gia Herodotus được khắc tại trụ sở làm việc của Tổng cục Bưu điện ở thành phố New York, là một đánh giá công bằng về độ dài mà các hãng vận chuyển bưu chính đã đi và vẫn đi để chuyển phát thư từ cho chúng ta.
Công ty Pony Express
Vào năm 1860, William H. Russell tin chắc rằng Trung tâm chuyển phát nhanh California và Pike của mình có thể đánh bại thời gian chuyển thư của những chiếc xe ngựa, làm cho chuyến đi từ Missouri đến California chỉ mất khoảng 24 ngày. Công ty đã xây dựng các trạm dừng cách nhau mỗi 10-15 dặm và cho đăng quảng cáo tuyển dụng như sau:
Tuyển nhân viên: Trẻ, gầy, dẻo dai, không quá 18 tuổi.
Phải giỏi cưỡi ngựa, sẵn sàng đối mặt với các rủi ro có thể chết người mỗi ngày.
Xuất thân mồ côi được ưu tiên.
Tiền lương, 25 đôla/mỗi tuần.
Johnny Fry và Sam Hamilton là những người đầu tiên đăng ký. Họ đã phải ký vào bản cam kết theo đó họ không được chửi thề, đánh nhau, ngược đãi động vật hoặc nói dối. Công ty Pony Express được khai sinh với những kỳ vọng lớn. “Không có nguy hiểm hay khó khăn nào có thể làm giảm tốc độ của nhân viên hoặc thay đổi lộ trình của anh ấy vì thế giới đang đợi tin tức anh ta sẽ mang đến bằng tốc độ của loài ngựa Pony và những chàng trai!”. Dự đoán của Russel đã được chứng minh là chính xác: lần chạy đầu tiên đã hoàn thành sau 10 ngày – chưa đến một nửa thời gian theo kế hoạch. Các nhân viên Pony Express cưỡi ngựa đi 75-100 dặm mỗi ngày, dừng lại tại các trạm chỉ để thay đổi ngựa.
Giá dịch vụ của Công ty Pony Express không hề rẻ: 5 đôla cho 0,5oz (aoxơ = 28,35g), so với giá bưu chính tiêu chuẩn của Hoa Kỳ là 10 cent. Nhưng nếu bạn đang vội thì sẽ không có lựa chọn nào tốt hơn. Năm 1861, trong lễ nhậm chức của Tổng thống Lincoln, Công ty Pony đã thực hiện chuyến đi xuyên lục địa nhanh nhất cho đến thời điểm đó: từ St. Joseph, Missouri đến Sacramento, California trong 7 ngày và 17 giờ. Nhưng cũng trong năm đó, đường dây điện báo xuyên lục địa đã hoàn thành và vào ngày 26 tháng 10 năm 1861, Công ty Pony Express đã giải thể chỉ sau 18 tháng hoạt động.
Thư tín tên lửa
Chúng ta đã biết rằng thư tín từng được vận chuyển bằng ngựa, thuyền, giày trượt, ván trượt, xe tải, xe máy, ôtô, thuyền, máy bay, thủy phi cơ, xe trượt tuyết do chó kéo và xe trượt tuyết có động cơ. Nhưng không có gì lạ hơn việc vận chuyển thư từ bằng tên lửa.
Vào năm 1936, hai tên lửa đã vận chuyển thư từ ở khoảng cách 600m qua hồ nước đóng băng Greenwood (New York) về phía Hewitt (New Jersey). Các tên lửa đã hạ cánh và nằm trên mặt băng. Người đưa thư ở Hewitt sẽ đi bộ trên băng và kéo túi thư trong suốt quãng đường còn lại.
Tổng cục trưởng bưu điện Arthur Summerfield sau đó đã cố gắng để bắn thư một lần nữa. Vào ngày 8-6-1959, Summerfield tuyên bố: “Trước khi con người tới được mặt trăng, thư sẽ được chuyển chỉ trong vòng vài giờ từ New York đến California, tới Anh, tới Ấn Độ hoặc tới Úc bằng tên lửa dẫn đường”.
Chiếc tàu ngầm USS Barbero đã bắn một tên lửa dẫn đường có chứa 3.000 bức thư về phía trạm không quân của hải quân ở Mayport, Florida. Các tên lửa, mà vận tốc tối đa lên đến 600 dặm/giờ, đã bay qua khoảng cách 100 dặm trong 22 phút. Tuy nhiên, chi phí quá lớn để có thể biện minh rằng tên lửa là một phương thức gửi thư tiêu chuẩn.
Vận chuyển bằng la
Ở Supai, bang Arizona, có một tấm biển trong quán cà phê địa phương như sau: “Không có khoai tây chiên cho đến thư từ”. Thị trấn Supai ăn nhiều thư hơn là đọc nó.
Nằm ở phía dưới cùng của rìa phía nam hẻm vực Canyon và là nhà của 525 người Mỹ bản địa Havasupai, Supai là nơi cuối cùng ở Hoa Kỳ nhận được thư của mình bằng cách sử dụng những con la để vận chuyển. Việc vận chuyển bằng máy bay trực thăng và thả hàng xuống là không thực tế tại đây. Vì vậy, các chuyến đi trong vòng từ 3-5 giờ được thực hiện bởi các con la trong 5 ngày của một tuần, mỗi con la mang tới 100kg các loại hàng cung cấp qua đường bưu điện.
Chuyển phát món hàng trị giá hàng triệu đôla
Khi Harry Winston, người thợ kim hoàn ở New York, quyết định tặng viên kim cương Hy Vọng huyền thoại cho Viện Smithsonian, ông đã chọn dịch vụ thư tín hạng nhất. Ông phát biểu: “Đó là cách an toàn nhất để gửi đá quý qua đường bưu điện”.
Chi phí bưu chính cho việc giao hàng từ thành phố New York đến thủ đô Washington, D.C. là 2,44 đôla. Nhưng việc bảo hiểm cho món hàng trị giá 1 triệu đôla đã lấy thêm của Winston 142,85 đôla.
James Todd là người nhận viên kim cương tại bưu điện thành phố và lái xe đến tòa nhà Lịch sử Tự nhiên, nơi ông bàn giao nó cho người phụ trách. Sau đó, Todd nói với phóng viên tờ Washington Post rằng ông cảm thấy “một chút run rẩy”, không phải vì giá trị to lớn của viên kim cương nặng 45,52 carat, mà bởi vì ông không quen với việc chú ý nhiều vào công việc của mình.
Vận chuyển thú cưng
Vào tháng 12 năm 1954, giám đốc bưu điện ở Orlando (Florida) đã nhận được một bức thư với nội dung như sau:
Xin chào ngài;
Tôi đang gửi con tắc kè hoa của mình về Orlando vì tôi sống ở Fostoria Ohio và ở đây quá lạnh đối với nó. Xin ngài vui lòng để nó tự do.
Trân trọng,
David
P.S. Ngài có thể cho tôi biết mọi chuyện có ổn với nó không? Cảm ơn ngài rất nhiều. Tôi rất lo lắng cho nó.
Vào ngày 7 tháng 12 năm 1954, David đã nhận được bức thư phản hồi như sau:
David thân mến,
Tôi đã nhận được con tắc kè hoa của anh vào hôm qua và nó được thả ra ngay lập tức trên sân bưu điện. Xin gửi đến anh lời chúc tốt đẹp nhất cho một Giáng sinh vui vẻ!
Trân trọng,
L.A. Bryant, Jr.
Giám đốc Bưu điện
Vận chuyển trẻ em
Năm 1914, một cô bé 4 tuổi tên May Pierstorff sống cùng bố mẹ ở Grangevillle (Idaho) muốn đến thăm bà ngoại ở Lewiston. Cha mẹ cô tính toán rằng chi phí gửi bưu kiện sẽ rẻ hơn đi xe với giá vé đầy đủ. Chỉ cân nặng ở mức 48,5lbs. (1lb khoảng 450g), cô bé đáp ứng được yêu cầu trọng lượng ký gửi phải dưới 50lbs. Việc này được công nhận là hợp pháp và vẫn còn giá trị đến ngày nay khi gửi gà, và cha mẹ cô bé được bưu điện tính tiền theo mức giá của gà.
Các nhân viên đã ghim 53 xu bưu chính vào áo khoác của cô bé và đặt May ngồi vào trong xe hành lý, dưới sự chăm sóc của nhân viên bưu điện. Mặc dù theo thông lệ thì nhân viên sẽ để lại các gói hàng trong bưu điện qua đêm, nhưng khi May đến Lewiston, giám đốc bưu điện đã chở cô đến nhà bà của mình. Đến năm 1920, việc gửi con người mới bị xem là bất hợp pháp, mặc dù trước đó không lâu, một người mẹ trong cơn tức giận đã gửi một đứa bé cho người chồng đã bỏ rơi cô.
Vận chuyển bằng các ống hơi
Bên dưới thành phố New York, công nhân vẫn thỉnh thoảng bắt gặp tàn dư của những gì đã từng là một hệ thống chuyển phát thư ngầm. Được hỗ trợ bởi máy thổi và máy nén khí hoạt động bằng pit-tông, các ống thư chạy bằng khí nén này có thể vận chuyển thư với tốc độ lên đến 100 dặm/giờ, bất kể tuyết rơi hay tiếng ồn ào của hệ thống giao thông trên cao. Đã có lúc có đến 136 nhà khai thác tại thành phố New York, và họ được gọi là rocketeer. Họ có thể gửi một ống sau mỗi 12 giây. Vào những năm 1950, 55% thư từ của NYC được gửi bằng ống.
Tuy nhiên, có một số vấn đề phát sinh. Mỗi container chỉ có thể chứa 5 pound (1 pound = 0,454kg) và không thể mang nhiều hơn một loại thư. Quá trình này rất tốn kém, một phần vì mỗi container cần được sắp xếp hai lần. Thời gian tiết kiệm được trong việc “bắn” thư qua các ống lại bị mất cho việc phân loại và giao nhận. Hệ thống này sau đó đã bị đình chỉ từ những năm 1919-1922, hồi sinh trong một thời gian ngắn tại New York và Boston và cuối cùng đã ngừng hoạt động vào năm 1953.
Phân phát thư miễn phí ở nông thôn
Giao hàng miễn phí ở nông thôn, Rural free delivery (RFD), được khai sinh khi Tổng cục trưởng bưu điện John Wanamaker nghĩ rằng việc một người chuyển thư đến các căn nhà ở nông thôn sẽ là điều hợp lý hơn việc 50 người phải đến thị trấn để nhận thư. Cho đến thời điểm đó, các bưu điện thường sẽ thuê một cậu bé để phát thư; các giáo viên đã chuyển thư về nhà với các sinh viên của họ, và bưu điện vẫn mở trong một giờ sau buổi lễ ở nhà thờ vào chủ nhật, nhưng không có hệ thống nào trong số này có vẻ thỏa đáng.
Tuy nhiên vấn đề với việc phân phát thư tận nhà là hộp thư. Chẳng mấy chốc, những con đường đã xuất hiện những thùng cam, lon mỡ, hộp đựng thức ăn và nhiều thứ khác để chứa thư. Điều này vừa mất vệ sinh và làm phát sinh nhiều vấn đề không thể nói hết.
Đến năm 1901, Quốc hội đã hành động và quyết định sau cuộc tranh luận kéo dài rằng các hộp thư ở nông thôn cần phải có kích thước tiêu chuẩn, có cờ hiệu để hiển thị khi thư được đặt bên trong, có độ cao và gần đường để thuận tiện cho việc vận chuyển thư. Hộp thư tiêu chuẩn có giá 50 xu, nhưng có một số hộp thư có khóa có giá vài đô la. Do chi phí này, một số khách hàng đã từ chối mua hộp thư, và bưu điện đã từ chối phân phát thư của họ, dẫn đến một số trao đổi gây tranh cãi.
- Xem thêm: ‘Bức thư về Chúa’ của Albert Einstein
Khi Sears, Roebuck và Montgomery Ward bắt đầu nhận danh mục đặt hàng định kỳ, họ đã gặp một “mỏ vàng” bán lẻ. Nhưng các hộp thư cần phải được thay đổi kích thước, và trong những năm 1920, Quốc hội đã phê duyệt các hộp thư với kích thước lớn hơn và chúng vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Những bức thư đầu tiên vận chuyển bằng đường hàng không
Chuyến bay lịch sử vận chuyển thư tín bằng đường hàng không đầu tiên là vào ngày 17-8-1859 trên chiếc khinh khí cầu Jupiter. John Wise, người lái khí cầu, đã được trao 123 lá thư ở Lafayette (Indiana) để gửi đến thành phố New York.
Khinh khí cầu phải bay lên cao 14.000 feet (4.267m) để đón bất kỳ cơn gió nào; nhưng thật không may, cơn gió đó đã mang khí cầu bay về phía Nam. Sau khi bay chỉ được 30 dặm trong 5 tiếng đồng hồ, Wise đáp xuống ở Crawfordsville (Indiana) và chuyến đi của ông được dán nhãn là một chuyến bay “xuyên quận”. Wise đưa thư cho một nhân viên bưu chính, và anh ta đã đưa nó lên một chuyến tàu để đưa đến New York.
Gửi tới… tự do
Henry Brown, một nô lệ đã thấy vợ con bị bán đi, đã gửi chính mình đến tự do vào ngày 29-3-1849. Với sự giúp đỡ của một thủ kho ở hạt Louisa, Virginia, Brown đã tự đóng gói chính mình vào một cái thùng có kích cỡ 1m x 0,6m x 0,8m và được dán nhãn là “hàng dễ vỡ”, được gửi đến nhà của người theo chủ nghĩa bãi nô ở Philadelphia, James Miller McKim.
Với chiều cao 1,75m và nặng khoảng 80kg, Brown cuộn mình vào chiếc hộp chỉ với một thùng nước nhỏ và ngồi trong thùng suốt 27 giờ. Thùng được chất lên một toa xe, sau đó chuyển đến xe chở hành lý của một chuyến tàu, rồi một toa xe khác, rồi một chiếc xe ngựa khác, rồi một chiếc xe chở hành lý thứ hai, rồi một chiếc phà, rồi một toa xe lửa thứ ba và cuối cùng là một toa xe đưa Brown đến nhà của McKim. Khi không nghe thấy âm thanh nào từ chiếc hộp được giao đến nhà, McKim đã hỏi: “Bên trong có ổn không?” và Brown trả lời: “Ổn”. Khi chiếc hộp được mở ra, Brown đứng dậy và ngã lăn ra bất tỉnh.
Sự phẫn nộ của công chúng đối với câu chuyện của ông đã dẫn đến việc thông qua đạo luật Nô lệ bỏ trốn năm 1850, khiến cho việc nô lệ trốn thoát trở nên bất hợp pháp. Khi luật được thông qua, Brown chuyển đến Anh, nơi anh ở lại cho đến năm 1875.