Bức thư bày tỏ quan điểm về tôn giáo của nhà vật lý học viết một năm rưỡi trước khi ông qua đời. Bức thư có đoạn: “Chữ Chúa Trời, với tôi, chỉ là một từ ngữ không hơn không kém, và sự yếu đuối của con người, quyển Kinh Thánh, bộ sưu tập những truyền thuyết đáng kính nhưng vẫn còn khá nguyên thủy. Không có lời giải thích nào, dù tinh tế đến đâu, sẽ thay đổi được quan điểm này của tôi dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhất”.
Bằng lời lẽ kiên định trong thư viết một năm rưỡi trước khi chết năm 1955, nhà vật lý học đoạt giả Nobel năm 1921 giải thích mối quan hệ của ông đối với tôn giáo, đặc biệt là Do Thái giáo. Bức thư nổi tiếng từ đó và được gọi là “bức thư về Chúa”, đươc tổ chức đấu giá ngày 4 tháng 12 năm 2018 tại New York. Christie’s, đơn vị tổ chức đấu giá, dự kiến sẽ bán được giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu USD. Cuối cùng, giá bán tăng lên đến 2,89 triệu USD vào cuối ngày đấu giá.
“Sự mê tín nguyên thủy”
Bức thư, viết bằng tiếng Đức, gởi cho triết gia Eric Gutkind, tác giả quyển Chọn cuộc sống: lời kêu gọi đổi mới Kinh thánh, trong đó tác giả nhiều lần trích dẫn nhiều công trình nghiên cứu của Einstein. Nhiều tài liệu cho rằng cha đẻ của thuyết tương đối có rất ít sở thích, đến độ viết về sự hiệu chỉnh gởi Gutkind, rất lịch sự nhưng thẳng thắng, liên quan đến mối liên hệ của ông đối với tôn giáo.
“Đối với tôi, Do Thái giáo, cũng giống như những tôn giáo khác, là hóa thân của sự mê tín nguyên thủy. Và những người Do Thái, mà tôi tự hào có mình trong đó và cảm thấy gắn bó sâu sắc về mặt tâm lý, lại không vì thế mà có một phẩm chất khác với các dân tộc khác”, ông viết.
- Xem thêm: Hiện tượng Do Thái một lý giải
Nhận xét này là kết quả của hành trình trí tuệ của nhà vật lý học. Khi còn là một đứa trẻ, Einstein rất sùng đạo. Simon Veille, nhà sử học, thuật lại với đài phát thanh France Culture:“Sùng đạo đến độ đôi khi ông còn phê bình cả cha mẹ thiếu niềm tin và ăn thịt heo. Sự tôn sùng này kết thúc năm ông 12 tuổi, khi ông tiếp cận với điều mà ông gọi là ám ảnh, đó là khoa học, thông qua một sinh viên y khoa”. Simon Veille kể tiếp: “Chàng sinh viên ấy đã giới thiệu với Einstein những cuốn sách vật lý, hình học, những quyển sách về thiên nhiên, và thế là cậu bé Albert Einstein đã từ bó tất cả tín ngưỡng của mình”.
Bức thư xuất hiện lần đầu tiên trong các phòng đấu giá năm 2008. Lúc bấy giờ, bức thư được bán với giá 404,000 USD.
“Spinoza tuyệt vời”
Mặc dù từ bỏ tôn giáo với tư cách là một thể chế mà đại diện là Chúa Trời như một quyền lực trong cuộc đời của các cá nhân, người trừng phạt kẻ ác và ban thưởng cho những người tốt. Tuy vậy, Eisntein không tự nhận mình là người vô thần. Trong bức thư, ông đã đề cập đến một “Spinoza tuyệt vời của chúng ta”. Theo Spinoza, triết gia người Hà Lan thế kỷ XVII, thiên nhiên và sự cần thiết tuyệt đối chỉ là một.
Rebecca Newberger Goldstein, nữ triết học gia, tác giả quyển Plato At The Googleplex: why Philosophy Won’t Go Away (Plato ở Googleplex: Tại sao triết học không biến mất?), giải thích với tờ New York Times:”Nói một cách cụ thể, tôi tin vào Chúa của Spinoza, giống như Einstein, điều này có nghĩa là bạn tin rằng quy luật của thiên nhiên tạo ra một tổng thể và chứa tất cả những câu trả lời cho các câu hỏi mà bạn đưa ra. Nhiều nhà vật lý học sử dụng từ Chúa. Điều này đánh lừa nhũng người nghĩ rằng họ là tín đồ, nhưng thật ra đó là một cách nói ẩn dụ về chân lý tuyệt đối”.
Nhiều nhà sưu tầm tìm mua bức thư
“Bức thư được công bố ra chông chúng vào năm 2008 tại một cuộc đấu giá ở London. Cho đến lúc đó, bức thư dường như nằm trong tay của những người thừa kế của Gutkind mất năm 1965”, tờ The New York Times giải thích. Trong cuộc bán đấu giá đó, bứa thư được bán với giá 404,000 USD như nêu trên.
Người mua yêu cầu được ẩn danh. Năm 2012, ông ta muốn bán lại bức thư này với giá 3 triệu USD trên trang mạng trực tuyến eBay. Nhưng không thành công, theo lời của phát ngôn viên của Christie’s. Christie’s cũng xác nhận rằng người mua bức thư vào năm 2008 cũng chính là người bán nó vào năm 2018.
Bức thư này không phải là bức thư đầu tiên được Einstein viết đã làm choáng váng những cái đầu của các nhân viên đấu giá: tháng 10 năm 2017, một bức thư viết tay khác của nhà vật lý thiên tài về bí mật của hạnh phúc đã được bán đấu giá ở Jérusalem với giá 1,56 triệu USD trong khi giá bán ước tính ban đầu chỉ là từ 5000 đến 8000 USD !
Bức thư về Chúa của Einstein chứa nội dung gì mà bán được giá cao đến vậy ? Xin được giới thiệu đến quí bạn dưới đây.
“Princeton, ngày 3 tháng 1 năm 1954,
Thưa ông Gutkind,
Thúc giục liên tục bởi Luitzen Egbertus Jan Brouwer, nhà toán học và lôgic học Hà Lan, tôi đã nghiền ngẫm quyển sách của ông những ngày gần đây. Xin cám ơn ông đã gởi nó đến cho tôi.
Điều đặc biệt làm tôi ngạc nhiên là hai chúng ta có nhiều điểm tương đồng trong cách tiếp cận thực tế đối với cuộc sống và cộng đồng nhân loại. Lý tưởng vượt xa lợi ích của chúng ta, khát vọng vượt qua những ham muốn ích kỷ, khát vọng cải thiện và củng cố cuộc sống bằng cách nhấn mạnh vào yếu tố con người thuần túy mà theo đó những thứ vô tri vô giác cần được nhận ra như là một phương tiện mà không một chức năng nổi trội nào được trao cho (đặc biệt là cách tư duy này hợp nhất hai chúng ta và làm cho cách suy nghĩ của chúng ta trở thành một thái độ khác với người Mỹ).
Tuy nhiên, nếu không có sự khuyến khích của Brouwer, tôi sẽ không bao giờ vùi đầu vào quyển sách của ông bởi nó được viết bằng một ngôn ngữ mà tôi không thể hiểu thấu. Chữ Chúa Trời, với tôi, chỉ là một từ ngữ không hơn không kém, và sự yếu đuối của con người, và quyển Kinh Thánh, bộ sưu tập những truyền thuyết đáng kính nhưng vẫn còn khá nguyên thủy. Không có lời giải thích nào, dù tinh tế đến đâu, sẽ thay đổi được quan điểm này của tôi dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhất. Những diễn giải tinh tế này rất đa dạng một cách tự nhiên và hầu như không có liên quan gì đến văn bản gốc.
Đối với tôi, Do Thái giáo, cũng giống như những tôn giáo khác, là hóa thân của sự mê tín nguyên thủy. Và những người Do Thái, mà tôi tự hào có mình trong đó, và cảm thấy gắn bó sâu sắc về mặt tâm lý, lại không vì thế mà có một phẩm chất khác với các dân tộc khác. Theo kinh nghiệm của tôi, người Do Thái không thông minh hơn những nhóm người khác, ngay cả khi họ được bảo vệ khỏi sự bạo hành tồi tệ nhất do thiếu quyền lực. Ngoài ra, tôi không thấy gì “nổi trội” nơi họ.
Nói chung, tôi cảm thấy tổn thương khi đòi hỏi một ví trí đặc biệt và khi cố gắng bảo vệ nó bằng 2 bức tường tự hào, bức tường bên ngoài với tư cách là một con người và bức tường bên trong với tư cách là một người Do Thái. Như ông xác nhận, con người được miễn trừ hệ nhân quả mà ông sẽ chấp nhận theo cách khác, và với tư cách là người Do Thái, ông yêu cầu một quy chế ưu đãi cho chủ nghĩa độc thần (monothéisme). Nhưng thuyết nhân quả hạn chế sẽ không còn là thuyết nhân quả nữa như ngài Spinoza tuyệt vời của chúng ta là người đâu tiên đã nhận ra nó với sự sáng suốt tuyệt đối. Và quan niệm về thuyết vật linh (animiste) của các tôn giáo tự nhiên, về nguyên tắc, không thể bị xóa bỏ bởi chủ nghĩa độc thần. Với nhiều rào cản như vậy, người ta chỉ còn biết tự che mắt lại, và những nỗ lực đạo đức của chúng ta cũng vô ích, thậm chí còn phản tác dụng.
Bây giờ, tôi công khai bày tỏ những khác biệt của chúng ta về niềm tin trí tuệ. Tôi luôn thấy rõ rằng, về cốt lõi, suy nghĩ của chúng ta rất giống nhau. Ý tôi muốn nói là sự đánh giá của chúng ta về hành vi của con người. Điều khác biệt giữa chúng ta chính là những “công cụ” trí tuệ hay “sự hợp lý hóa” (rationalisation), theo ngôn ngữ của Freud. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hiểu nhau rất sâu sắc nếu chúng ta cùng bàn thảo các vấn đề cụ thể.
Kính gởi đến ông lời cảm ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất.
Albert Einstein,