Nhân 10 năm ra đời thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, tọa đàm tháng 7/2010 của Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tại Press Café trước là “ôn cố tri tân”, sau muốn nêu ra một số tồn tại nhằm giúp các nhà điều hành có thêm thông tin để “nhìn lại mình”, và cuối cùng – đưa ra vài dự báo trong thời gian tới.
Ngày 28/7//2000, phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của TTCK Việt Nam mở cửa với một “mô hình đơn giản đến mức khó tin: 2+2+1+1, tức chỉ 2 cổ phiếu (REE và SAM), 2 công ty chứng khoán, 1 trung tâm giao dịch chứng khoán kiêm chức năng trung tâm lưu ký, 1 ngân hàng chỉ định thanh toán”, đó là lời của TS. Hồ Công Hưởng, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Hoàng Gia. Ông là một trong bảy khách mời tọa đàm – những chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức đầu tư, những người đang trực tiếp điều hành các công ty chứng khoán.
Khởi đầu đơn giản là vậy, nhưng 10 năm sau TTCK Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, với 566 công ty và quỹ niêm yết, tổng vốn hóa hơn 700 ngàn tỉ đồng, tương đương 40% GDP.
Từ học đến hành. Nhầm lẫn từ khái niệm đến thực tiễn. Chuyện chỉ có ở Việt Nam
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích “xin phép được bắt đầu trước”, với mong muốn đưa ra vài vấn đề mang tính khơi gợi cho mọi người dễ thảo luận. Ông Bích là người theo dõi TTCK Việt Nam từ khi nó còn… chưa bắt đầu, khoảng năm 1994-1995, từng viết một cuốn sách về TTCK, nên ông tự nhận là đã “ở trong chăn” đủ lâu để “biết chăn có rận” hay không.
Theo ông Bích, khi mở TTCK, những người điều hành biết nhiều về cái xấu, cái hại của TTCK; ít nghĩ đến cái tốt, hay đến lẽ sống của nó. Cái chợ phải thế nào đó mới đông đúc được. Chẳng hạn họ nghĩ bán khống là “cái xấu”, nên cấm. Nhưng dù có cấm thì trên thực tế hoạt động đó vẫn diễn ra, để rồi giờ đây người ta phải âm thầm chấp nhận và tìm cách điều chỉnh bằng luật. Rồi đến sự nhầm lẫn về khái niệm. Từ chính quyền, người làm chuyên môn đến báo giới và công chúng đều nghĩ sàn giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh là sàn giao dịch chứng khoán; còn cổ phiếu nào không giao dịch trên sàn này ắt phải ở “sàn OTC”. Mãi đến tháng 6/2009, chúng ta có sàn giao dịch UPCoM – đó mới chính là OTC. Vì dù bán ở sàn nào thì chứng khoán cũng phải được đăng ký. Rõ ràng danh từ OTC dùng trước đây là sai. Một nhầm lẫn khác, từ “insider trading” dịch là “giao dịch nội gián” cũng sai, đến nghị định thứ hai mới dịch đúng là “mua bán có nắm thông tin nội bộ”. Rồi có từ ngữ chỉ có ở Việt Nam, chẳng hạn từ “lướt sóng”, chữ này khi dịch qua tiếng Anh phải là “speculate”, là liều lĩnh, chứ không phải là đầu cơ. Bởi chúng ta cấm giao dịch đầu cơ, nhưng thực tế buộc phải có, nên giới đầu tư gọi theo cách tượng hình như thế. Đấy là một từ ngữ đặc biệt của riêng TTCK Việt Nam, “surfing” chứ không phải “speculate”.
Ông Nguyễn Ngọc Bích:
“So TTCK của ta với các nước khác sẽ rất thú vị…”
Ông Bích dí dỏm: “Nếu chúng ta so TTCK của ta với các nước khác thì sẽ rất thú vị. Tôi nhớ vào năm thứ ba của TTCK, trong một cuộc tọa đàm tổng kết, một nữ giảng viên dạy môn này ở một trường đại học nói rằng TTCK Việt Nam được điều hành tốt hơn cả TTCK New York, vì chúng ta chưa hề có khủng hoảng!”.
Nếu ông Nguyễn Ngọc Bích là người rành rẽ TTCK từ những ngày đầu, thì cơ duyên đưa ông Alan V. Phan, một Việt kiều Mỹ, Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa tham gia và sau đó là “nghiên cứu” TTCK Việt Nam lại khá ngộ nghĩnh. Đó là vào đầu năm 2007, khi TTCK Việt Nam đang ở đỉnh, ai ai cũng hồ hởi. Nhân gặp ông ở Việt Nam, một người bạn rủ rê quỹ đầu tư của ông hãy bỏ vốn đầu tư vào chứng khoán. Tin và nể bạn, ông đồng ý, cho biết sẵn sàng góp vào 5 triệu USD, tùy bạn mình muốn quản lý sao cũng được. Ông kể: “Sau khi tôi đồng ý, anh ấy đem đến cho tôi một tập hồ sơ dày cộp, và cho biết do tôi là quỹ đầu tư nước ngoài nên phải hoàn tất và chứng thực vào tất cả giấy tờ này. Nhìn tập hồ sơ, tôi suy nghĩ, đắn đo rồi cảm thấy… hãi: Mình đem tiền vào mà đã khó khăn, phức tạp như vậy, lỡ mai kia đầu tư có lãi, chuyển tiền ra chắc sẽ bị hành kinh khủng hơn! Nghĩ vậy nên tôi nói với bạn mình rằng sẽ không đầu tư nữa. Cũng vì chuyện đầu tư bất thành này mà tôi nung nấu ý định phải tìm hiểu kỹ về môi trường làm ăn của đất nước nói chung, TTCK nói riêng và lập công ty chuyên tìm hiểu về TTCK Việt Nam từ khi ấy”.
Ông Alan V. Phan:
“Liệu có thể tin tưởng vào các con số do các công ty đưa ra hay không?”
Chuyện TTCK Trung Quốc, những khởi đầu tương tự. sự khơi nguồn cho tiến trình cổ phần hóa.
Từng sống và làm ăn hơn 12 năm qua ở Trung Quốc, nên ông Alan Phan nắm khá rõ tình hình kinh tế nước này, đặc biệt là TTCK và nhận thấy có những nét tương đồng với Việt Nam, dù TTCK Trung Quốc ra đời trước chúng ta đúng 10 năm. Một năm sau khi ra đời, TTCK nước này chỉ có khoảng 70 công ty niêm yết, rồi cũng lên thác xuống ghềnh, Shanghai Index từng lên tới 6.000, rồi rớt xuống 1.800… Ông kết luận rằng dù luật lệ của TTCK Trung Quốc còn chặt chẽ hơn cả ở Mỹ hay các nước phương Tây, nhưng thi hành luật lệ ấy ra sao lại là chuyện khác. Mà không chỉ trong lĩnh vực TTCK, nhiều lĩnh vực khác cũng vậy, cứ chi tiền ra là tha hồ thao túng thị trường, không lo gì đến cánh tay luật pháp. Rất lâu sau khi TTCK nước này ra đời, muốn được lên TTCK, một công ty vẫn phải được chính quyền địa phương chấp thuận, nên mới có kiểu cấp phép như quota và thường những công ty làm ăn thua lỗ mới được cổ phần hóa, để lấy vốn về cho địa phương sử dụng.
“Những nước chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, khi tiếp nhận những cơ chế mang tính chất thị trường như TTCK thì đương nhiên chưa thể giống các nước phát triển ngay được” – Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lý giải. Ông nói tiếp, rằng luật lệ lúc đầu sẽ chưa hoàn chỉnh, việc áp dụng luật không tốt, không rõ ràng, còn những vùng xám, nhưng rồi mọi thứ sẽ đi vào nề nếp.
Huỳnh Bửu Sơn:
“Trên thực tế, TTCK phải là sòng bạc trước khi có thể làm được chức năng kinh tế”
Là một chuyên gia kinh tế đến từ Công ty chứng khoán VinaSecurities, ông Alan Phạm tỏ ra dè dặt khi so sánh TTCK Việt Nam với các nước phát triển, bởi dường như đã có một sự lệch lạc. Ông đặt câu hỏi: “Về lý thuyết, TTCK là một kênh huy động vốn, vậy TTCK Việt Nam đã đạt được chức năng đó chưa, hay đang còn là một sòng bài, nơi người ta thấy giá cổ phiếu xuống thì mua, thấy giá lên thì bán kiếm lời?”. “Tất nhiên, ai cũng muốn TTCK sẽ có những nhà đầu tư dài hạn. Nhưng trên thực tế, TTCK phải là sòng bạc trước khi có thể làm được chức năng kinh tế” – ông Huỳnh Bửu Sơn khẳng định. Ông Sơn cho rằng nhắc đến đầu cơ, cả luật pháp lẫn đạo đức đều lên án, nhưng điểm tích cực của sự đầu cơ là nhờ vào đó mà tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mới manh nha và được đẩy mạnh, khu vực tư nhân cũng có điều kiện và tiền đề để phát triển. Chính điều này giúp phát triển kinh tế nhiều hơn bản thân TTCK, khi mà tác động của nó lên nền kinh tế còn hạn chế. TTCK cũng là nơi để các công ty có nguồn vốn và chia sẻ nguồn vốn. Điều này rất quan trọng, bởi ở Việt Nam trước đây, cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đều không muốn chia sẻ nguồn vốn của mình với bất kỳ ai. Ông Sơn nói: “Trước khi có TTCK, doanh nghiệp cổ phần hóa, cán bộ công nhân viên mua cổ phần vì họ phải mua, chứ không phải để đầu tư. Phía doanh nghiệp cũng vậy. Chỉ khi có TTCK, như một sòng bạc thực sự, có thể đem lại tiền cho những người đánh bạc, thì công chúng mới hồ hởi tham gia. Theo tôi, TTCK phải là nơi mà công chúng thấy rằng mình có khả năng kiếm tiền được ở đó, hấp dẫn họ tham gia, thì sau đó dần dần mới có chức năng kinh tế như trong lý thuyết”.
Ông Alan Phạm:
“Người nào ký vào bảng số liệu trong báo cáo thường niên thì phải cá nhân chịu trách nhiệm, chứ không phải ký với tư cách đại diện cho công ty…”
Bà Nguyễn Hồng Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán SJC đồng tình với những nhận định này. Từng là công chức nhà nước trước khi tham gia lĩnh vực chứng khoán, bà nhớ lại: “Những năm 1998-1999, Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, vừa có hàng loạt thay đổi về chính sách kinh tế, tài chính, khiến các doanh nghiệp rất khó khăn. Nhà nước, cụ thể là TP.HCM tiến hành kích cầu, sau đó yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa. Đúng như anh Sơn nhận xét, khi ấy cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp này không hề muốn mua cổ phiếu, phải năn nỉ, thậm chí cho họ vay tiền để mua. Phải đến khi TTCK ra đời (năm 2000) và đặc biệt đến năm 2006-2007 khi thị trường bùng nổ, mới có nhiều người muốn tham gia. Chưa thể khẳng định TTCK Việt Nam đã thực hiện được chức năng kinh tế như anh Alan Phạm hỏi hay chưa, nhưng ít nhất nó là động lực, cú hích giúp các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa”.
Bà Nguyễn Hồng Trang:
“TTCK là động lực, cú hích giúp các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa”
Tiếp tục chuyện luật và lệ. Quy trình có trước thực tiễn theo sau.
Trở lại chuyện luật lệ, bà Trang cho rằng ở Việt Nam, TTCK cũng như nhiều lĩnh vực khác, người ta đã quá đặt nặng tiền kiểm mà coi nhẹ hậu kiểm. Cho vào thì như thắt cổ chai, nhưng khi vào chai được rồi thì tung tăng muốn làm gì thì làm, như vậy tạo cơ hội làm trái cho những ai không trung thực. Ở đó, có sự ưu đãi cho những người nắm thông tin trước người khác.
Nhân có những người đang trực tiếp điều hành các công ty chứng khoán, ông Alan Phạm muốn trao đổi thêm về nghiệp vụ. Ông hỏi: “Hai vấn đề mà các thị trường lâu năm coi là bình thường nhưng ở Việt Nam chưa cho phép, là margin trading (một hình thức đòn bẩy, nhà đầu tư được vay một số tiền gấp nhiều lần số tiền ký quỹ ban đầu để mua chứng khoán – P.V) và bán khống, vậy bao giờ chúng ta mới có?”.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích hóm hỉnh đáp: “Tôi nghe đâu đó rằng hợp đồng margin trading đang được “địa phương hóa” trong đó việc ứng khoản tiền được gọi là “hỗ trợ” và ngân hàng dường như đã chấp nhận. Thiên hạ đang tìm một danh từ phù hợp để đặt cho loại giao dịch này”. Ông Bích nhận định: “Theo tôi, những nghiệp vụ này chắc chắn sẽ phải có trong TTCK”. Bà Hồng Trang thì trả lời ý thứ hai: “Về bán khống thì luật đã cho rồi, nhưng do chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn nên chưa đi vào thực tế. Theo tôi, đây là những vấn đề cần đưa vào hành lang pháp lý, bởi đều là những hoạt động phải có của TTCK thì trước sau gì các công ty chứng khoán cũng thực hiện cho khách hàng của mình”. Luật sư Bích nói thêm: “Ở các nước phát triển, tập tục có trước, luật pháp theo sau, nên luật ra là phù hợp ngay vì đã có sẵn tập tục. Còn chúng ta thì luật pháp thiết lập ra cơ chế, theo một quan niệm riêng, đến khi thực thi mà thấy có người vi phạm thì sợ, rồi dẹp luôn”.
Ông Hồ Công Hưởng:
“Trong phiên đầu tiên, công ty chúng tôi thu phí được khoảng 20 ngàn đồng…”
Có lẽ không ai rành chuyện “thiết lập cơ chế trước, thực thi sau” trong TTCK Việt Nam bằng ông Hồ Công Hưởng. Không giấu được vẻ bồi hồi, ông kể: “Tôi nguyên là giám đốc Công ty chứng khoán của Ngân hàng Đầu tư Việt Nam, một trong hai công ty chứng khoán tham gia TTCK từ ngày đầu. Ngày nay, thị trường giao dịch hàng ngàn tỉ đồng một phiên, chứ trong phiên đầu tiên, công ty chúng tôi thu phí được khoảng 20 ngàn đồng, chừng đó tiền cho một bộ máy hơn 20 người. Bây giờ nhìn thị trường phát triển với đầy đủ các bộ phận trong một chỉnh thể, ít ai hình dung những gian nan ngày ấy”.
Khó khăn đầu tiên là khái niệm TTCK còn quá mới mẻ. Tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Việt hầu như không có, tài liệu tiếng Anh nhiều nhưng không dễ áp dụng ngay vào Việt Nam. Vì mới nên có chuyện một đại biểu Quốc hội đề nghị thiết lập ở mỗi địa phương một TTCK.
Khó khăn thứ hai là từ cán bộ cao cấp nhất trong điều hành TTCK đến đội ngũ thực hiện, tư vấn… đều thiếu kinh nghiệm. Ông Hưởng cho biết: “Tôi được ban lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư giao hai nhiệm vụ, một là phối hợp với các bộ phận có liên quan viết quy trình cho ngân hàng chỉ định thanh toán, khi ấy là ngân hàng duy nhất được giao cho chức năng đó, hai là viết đề án và quy trình hoạt động của một công ty chứng khoán. Thường thì phải làm rồi mới đúc kết kinh nghiệm để viết quy trình, còn tôi lại phải đọc sách nước ngoài rồi tưởng tượng, xem thị trường sẽ hoạt động theo kiểu gì để cùng với các cộng sự viết quy trình”.
Khó khăn thứ ba là TTCK Việt Nam ra đời khi chưa được chuẩn bị đầy đủ. Ông Hưởng hồi tưởng: “Do chưa chuẩn bị đầy đủ như vậy nên thị trường phát sinh rất nhiều vấn đề, tiêu biểu nhất là thiếu hàng. Thiếu từ số lượng đến chất lượng. Chúng tôi nhớ như in ngày giao dịch đầu tiên, khi ấy chỉ có hai sàn giao dịch của Bảo Việt và Ngân hàng Đầu tư. Sàn giao dịch của chúng tôi 200m2 không còn chỗ trống. Biên độ lúc đó là ± 7%, cứ mỗi phiên đều tăng kịch trần, người ta thấy cứ mua vào là có lời, nên không ai bán cả, chỉ muốn mua. Tám giờ mới giao dịch mà người ta xếp hàng từ 6g sáng, rồi 5g, 4g… Sau khi Nhà nước cho cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Vifon, Pin Ắc quy Miền Nam, Dầu Tường An… và đưa lên sàn thì thị trường mới đi vào ổn định”.
Những tín hiệu tốt từ việc điều hành. Tương lai TTCK Việt Nam sẽ phát triển.
Có một điều cần ghi nhận, là trong quá trình phát triển, những người điều hành TTCK Việt Nam đã xử lý tình huống thị trường ngày càng tốt hơn. Ông Hồ Công Hưởng nêu một điển hình: “Đó là thời điểm năm 2008, khi thị trường sụt giảm không phanh, VN-Index xuống đến khoảng 230, Ủy ban Chứng khoán ra một quyết định theo tôi là rất đúng, đó là siết lại biên độ (xuống còn ±1%). Tôi nghĩ nếu không tạo một khoảng lặng cần thiết, cho nhà đầu tư ổn định tinh thần, thì có lẽ chúng ta không kỷ niệm được 10 năm TTCK như bây giờ, vì nhà đầu tư tháo chạy hết, nguy cơ sụp đổ là có thật”.
Bà Hồng Trang cũng ghi nhận những điểm sáng trong cách điều hành TTCK và diễn giải thêm: “Năm 2009 TTCK Việt Nam bật lên trở lại cũng gần giống với các thị trường châu Âu, Mỹ, là nhờ vào chính sách kích cầu. Tiền kích cầu đổ vào sản xuất không hết, một phần vào kênh chứng khoán. Rồi khi TTCK lấy được đà thì Nhà nước điều chỉnh lãi suất, xem xét lại kích cầu… Tôi nghĩ guồng máy kinh tế của chúng ta những năm gần đây đã hòa nhập hơn trước kia rất nhiều, dần tuân theo xu hướng, quy luật chung của thế giới”.
Là người lên tiếng sau cùng, ông Mạc Nguyên Hưng, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VinaSecurities khẳng định, công lao của Nhà nước và những người tham gia TTCK từ những ngày đầu là rất lớn. Ông Hưng đánh giá, chỉ sau 10 năm, TTCK đạt được như hiện giờ thật đáng khích lệ, tuy rằng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết. Ông cũng mong chúng ta ghi nhận công sức của các tổ chức tài chính nước ngoài như Nomura Securities, Merrill Lynch,… đã tài trợ hàng triệu USD để đào tạo và tạo điều kiện cho các phái đoàn của nước ta đi nghiên cứu TTCK các nước từ những năm 1993-1994. Ông Hưng nói: “Dĩ nhiên khi mở cửa theo kinh tế thị trường, chúng ta cần phải học nhiều, sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách. Nhưng theo tôi, đa số chính sách của Nhà nước đang rất đúng đắn. Chuyện luật lệ chặt quá dĩ nhiên không tốt, nhưng có thể dùng hình ảnh chúng ta đang mặc nhiều lớp áo, khi thấy nóng sẽ cởi ra từ từ. Như vậy có khi tốt hơn chỉ mặc một áo, lỡ gặp lạnh không biết lấy áo đâu mà mặc thêm!”.
Ông Mạc Nguyên Hưng:
“Đây là lúc nên chuyển đầu tư từ những thị trường khác vào Việt Nam”
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về sự hồi phục cũng như phát triển của kinh tế đất nước, nhưng theo ông Hưng, nhiều tập đoàn tài chính quốc tế đang rất quan tâm đến Việt Nam nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng và cho rằng TTCK Việt Nam trong tương lai gần sẽ phát triển. Ông phân tích: “Ngày nay, với bao vướng mắc, chưa có các nghiệp vụ bán khống, margin trading, giờ mở cửa chỉ 8g30-11g,… mà TTCK đã phát triển được như ngày hôm nay, thì trong tương lai khi những khó khăn được giải quyết, thị trường sẽ còn phát triển mạnh. Một lý do khác, hiện quy mô giao dịch trên TTCK nước ta mới chỉ khoảng 15-20% GDP, so với tỷ lệ 100-200% GDP của các nước thì còn quá thấp, chứng tỏ tiềm năng TTCK nước ta còn lớn”.
Đồng ý với ông Hưng là TTCK sẽ lớn mạnh, vì tiềm năng là có, nhưng ông Alan Phan muốn được nghe đánh giá của VinaSecurities về giá trị các cổ phiếu Việt Nam trong tương lai gần, những loại cổ phiếu ngành nghề có sức tăng trưởng cao, và liệu có thể tin tưởng vào các con số do các công ty đưa ra hay không. Ông Hưng tỏ ra sẵn sàng: “Trong những năm tới, theo tôi, các công ty tốt của Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn các công ty của các nước trong khu vực, mà hiện giá cổ phiếu của các công ty này còn tương đối rẻ. Đầu năm nay, trong một cuộc hội thảo tổ chức ở Hà Nội, tôi cũng phát biểu rằng trong những năm tới đầu tư vào Việt Nam sẽ có lợi, đây là lúc nên chuyển đầu tư từ những thị trường khác vào Việt Nam. Thực tế từ đầu năm đến nay, kinh tế nhiều nước còn trì trệ thì Việt Nam vẫn phát triển tốt, GDP tăng 6,5%. Riêng việc đầu tư vào công ty nào thì câu trả lời là phải nghiên cứu kỹ số liệu và thực tế về công ty đó”.
Nghe vậy, ông Huỳnh Bửu Sơn lên tiếng: “Nhiều nhà đầu tư lâu năm ở Việt Nam cũng có ý kiến tương tự anh Hưng, rằng cổ phiếu hiện khá hấp dẫn. Chuyện số liệu không đáng tin cậy, lãi giả lỗ thật không hiếm, nhưng cũng có rất nhiều công ty làm ăn đàng hoàng. Theo tôi, những công ty đã niêm yết là phải theo quy trình công khai, minh bạch, chưa kể hầu hết đều được các công ty kiểm toán quốc tế thực hiện, nên có thể yên tâm”.
Ông Alan Phan vẫn thể hiện sự chưa tin tưởng, bởi các công ty kiểm toán quốc tế luôn lưu ý rằng “nếu công ty cung cấp cho chúng tôi những thông tin không trung thực thì chúng tôi không chịu trách nhiệm”, nên tiếp tục hỏi: “Là một học giả nghiên cứu kinh tế lâu năm, anh Alan Phạm đánh giá thế nào về phân tích cơ bản dựa trên số liệu của các công ty trên TTCK Việt Nam?”. Ông Alan Phạm trả lời: “Chất lượng dữ liệu thì ngay cả bên Mỹ cũng có những công ty phát hành những báo cáo không trung thực. Quốc hội Mỹ phải ra đạo luật (gọi là “Sarbanes-Oxley law”) rằng người nào ký vào bảng số liệu trong báo cáo thường niên thì phải cá nhân chịu trách nhiệm, chứ không phải ký với tư cách đại diện cho công ty. CEO chứng thực những con số đó là đúng mà sau này phát hiện sai phạm sẽ bị truy tố, và nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Có thể ở Việt Nam rồi cũng phải ban hành một đạo luật như vậy, để những con số công bố ra trở nên đáng tin cậy hơn”.
Hy vọng rằng những luật lệ trong TTCK Việt Nam sẽ ngày càng chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường hơn, để khuyến khích nhiều nhà đầu tư cũng như người dân tham gia vào TTCK. Khi ấy, chắc chắn TTCK sẽ thực hiện được vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Còn trước mắt, quan điểm của ông Mạc Nguyên Hưng cũng đại diện cho sự đánh giá khách quan của nhiều nhà đầu tư: “Đã là nhà đầu tư, hễ thấy chỗ tốt thì đầu tư. Với quan điểm đó, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng sẽ phát triển tốt trong những năm tới”.