Có những thứ tài sản quý hơn vàng, đó là tài sản tinh thần mạnh mẽ, niềm tin khi vượt qua thử thách, chông gai. Câu châm ngôn trong cuộc đua thể thao IRONMAN “Anything Is Possible” (Bất cứ điều gì đều có thể) cũng ẩn chứa một tài sản tinh thần như thế.
Hơn 40 năm qua, tinh thần “Anything Is Possible” được lưu truyền trên thế giới IRONMAN ở khắp các quốc gia, một châm ngôn mang sức truyền cảm hứng và động lực lớn. Vậy, vì sao bất cứ điều gì, lại đều có thể làm được? Chúng tôi có dịp gặp gỡ giáo sư Dương Nguyên Vũ – đại sứ IRONMAN Việt Nam để tìm hiểu tinh thần này thông qua trải nghiệm thực tế và những kinh nghiệm đúc kết áp dụng trong cuộc sống.
Giáo sư Dương Nguyên Vũ trước đây là cố vấn khoa học cấp cao kiêm Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu không lưu của châu Âu với 41 nước thành viên (Eurocontrol). Nhớ lại chuyến bay trở về Việt Nam sau hơn thập kỷ dài ở xa, vào khoảnh khắc trên máy bay nhìn xuống Việt Nam, ông đã bật khóc, trong lòng hướng về mong muốn làm gì đó cho quê hương.
“Nếu các nhà khoa học thường tự hào với công trình nghiên cứu để đời, những bài báo có tầm quốc tế, thì với giáo sư Dương Nguyên Vũ, niềm tự hào của ông là trông thấy thế hệ sinh viên trải nghiệm và trưởng thành”, bạn bè thường nói như vậy khi nhắc về chân dung một người thầy Việt. Giáo sư Dương Nguyên Vũ trở thành “cha đẻ” của 2 chương trình đào tạo nhân tài xuất sắc tại Việt Nam.
Có lẽ, trên chuyến bay bật khóc khi trở về quê hương ngày ấy, người thầy Việt không bao giờ kỳ vọng rằng ông sẽ trở thành đại sứ IRONMAN Việt Nam và đón hàng nghìn “Người Sắt” Việt Nam tại vạch đích (Cuộc đua Ba Môn Phối Hợp IRONMAN 70.3 Việt Nam với tổng quãng đường hơn 113 km Bơi, Đạp, Chạy).
Bên cạnh nghiên cứu khoa học, giáo sư dành phần lớn thời gian cho việc giảng dạy. Thầy Dương Nguyên Vũ đã giảng dạy tại các trường Đại Học tại Pháp và các trường thuộc Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu về Quản lý Không lưu tại Đại Học Công Nghệ Nanyang, Singapore.
Khoảng cách gần, mỗi cuối tuần, người thầy Việt đều bay từ Singapore về Việt Nam, giảng dạy tại trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Thành phố Hồ Chí Minh và để luyện tập cùng anh chị em trong cộng đồng thể thao Ba Môn Phối Hợp (Việt Nam Triathlon Club).
Ít ai biết nhà khoa học Dương Nguyên Vũ từng là nghệ sĩ DJ chuyên nghiệp và quyến rũ. Thú vị hơn, nhiều lần giáo sư đạp xe đi dạy học, hay đi giày thể thao màu sắc chói chang lên giảng đường đại học.
Chúng tôi có dịp gặp lại giáo sư “IRONMAN” (Đại sứ IRONMAN và Giáo sư chuyên trong lĩnh vực công nghệ thông tin) vào tháng 5 năm 2022. Đó là thời điểm cuộc đua Ba Môn Phối Hợp được tổ chức trở lại tại Việt Nam sau những tháng năm dài giãn cách đầy thử thách bởi đại dịch Covid-19. Vốn là nhà khoa học rất hiếm khi nhận lời lên báo, trong lần gặp này, người viết ngỏ ý mong muốn ông chia sẻ về trải nghiệm thực của ông và những bài học rút ra. Im lặng hồi lâu…, giáo sư đồng ý.
___
Thưa giáo sư, anh có thể chia sẻ câu chuyện vượt qua khó khăn quá khứ, tái thiết lập lại, cho thấy được tinh thần “Anything Is Possible” (tạm dịch: bất cứ điều gì đều có thể)?
Tôi tập trung câu chuyện trong thể thao Ba Môn Phối Hợp, vì trong cuộc sống, có nhiều điều cho thấy tinh thần này, nhất là trường hợp các bạn vượt được khó, có rất nhiều.
Về trải nghiệm của bản thân tôi, cuộc đua lần đầu tiên tại Đà Nẵng vào năm 2015 là cuộc đua mà tôi trải nghiệm được sự vượt khó, “chạm” vào mốc giới hạn. Năm 2015, ở Việt Nam thời đó không có các câu lạc bộ Ba Môn Phối Hợp như ngày nay, tôi không biết nhiều về IRONMAN, và như vậy, sự chuẩn bị, sự tham gia của tôi rất chủ quan. Chủ quan đến mức tôi thiếu cả nước, thiếu tất cả các đồ dinh dưỡng, tham gia phần đạp xe, chỉ có một bình nước nhỏ xíu lượm được ở bãi biển trước khi vào cuộc đua.
Dẫn đến rất sớm trên đường đua, tôi bị chuột rút. Khi bị chuột rút, rất đau. Đạp xe tới Km số 40, cơn chuột rút tiếp tục đau. Tôi vẫn cố gắng để tiếp tục. Nước vẫn thiếu. Rồi khi bị chuột rút lần thứ 4, tôi đã té xuống.
Các bạn tình nguyện viên hỗ trợ trên đường đua kêu: “Thôi, gọi xe cứu thương!”. Tôi chỉ nghe chữ xe cứu thương, tôi bật dậy! Tôi ráng lấy xe đạp để đạp tiếp.
Bạn biết đấy, khi bị chuột rút, hai chân đều đau. Vừa bị chuột rút, vừa đạp, lại càng đau. Lúc ấy, tôi đạp xe ngược lại với hướng đường đua của mình, vì khi đó, trong đầu tôi bị đảo lộn. Đảo ngược. Nghĩa là mình đi ngược hướng. Trong đầu nghĩ: “Ủa, tại sao mọi người đổi hướng đường rồi?”. Khi đi ngược hướng, và các bạn trong ban tổ chức phải chạy theo: “Không phải, đi ngược đường!”. Tôi đạp xe quay ngược trở lại.
Lúc đó đau lắm, đoạn đạp xe trên cầu Thuận Phước (TP. Đà Nẵng), tôi đạp không nổi nữa, phải đi bộ. Lên tới cây cầu xong, phải ngồi xuống, có một bạn người nước ngoài cũng bị gục ở chỗ đó. Rồi từng bước đạp tiếp của mình khi đó là một cơn đau. Trong đầu mình đau xé, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành về đích.
Sau này ngẫm lại, tôi mới hiểu được điều mà mình trải nghiệm trong lúc đó là rất lớn. Sự trải nghiệm về giới hạn “Hit the wall” (Hit the wall – Đụng tường: khái niệm về trạng thái khi khả năng vượt quá thể xác của bản thân, khiến tinh thần quá tải để nó tiếp tục trong những công việc thông thường mình làm).
Sự khác biệt giữa Khái niệm và Trải nghiệm là điều rất lớn. Tôi đã trải nghiệm được điều gọi là giới hạn “Hit the wall”, khi mà tôi chạm tới vạch đích, vừa kịp trước giờ Cut Off Time (giờ kết thúc). Lúc đó, không còn sức lực nào nữa hết, tôi chỉ nói được một chữ: “Nước…”. Rồi sau đó, trong nhiều tiếng đồng hồ, tôi không nói được, vì bộ não đã hết năng lượng rồi. Trong đầu suy nghĩ vẫn được, nhưng nói không được. Khoảng 3 đến 4 tiếng sau, tôi trải nghiệm được nhận thức vượt qua giới hạn của bản thân mình, vượt qua giới hạn “Hit the wall”. Như vậy, cuộc đua năm 2015 là cuộc đua mà tôi trải nghiệm được việc vượt qua giới hạn bản thân trong thể thao Ba Môn Phối hợp.
Khi tôi trải nghiệm được qua giới hạn của mình vào năm 2015, điều làm cho tôi rõ nhất là: Giới hạn của mình, không phải là một giới hạn được đặt ra. (Thông thường, mốc giới hạn của con người mình là một khái niệm mà mình đặt ra cho chính bản thân). Thế nhưng, khi mình vượt qua, thì sau đó mốc giới hạn đó trở thành một mốc giới hạn mới. Và như vậy, càng ngày càng vượt qua các mốc giới hạn và bản thân mình được nới rộng hơn. Kinh nghiệm này áp dụng trong tất cả mọi điều ở cuộc sống. Đối với thể thao, sau khi vượt qua giới hạn của mình trong cuộc đua năm 2015, các cuộc đua những năm sau đó, tôi chinh phục tốt hơn lần đầu nhiều.
Cho nên, khi mình tham gia tham gia luyện tập thể thao Ba Môn Phối Hợp này, càng ngày mình càng vượt qua bản thân của mình. Mỗi ngày luyện tập, mỗi ngày vượt qua bản thân. Và như vậy, giới hạn của mình càng ngày càng lớn. Rồi mốc giới hạn đó, đến một lúc, không còn giới hạn nào nữa. Vì bất cứ điều gì, mình cũng có thể tập trung, nỗ lực, học hỏi để mình vượt qua được điều đó.
Vì vậy, câu “Anything Is Possible” không phải là “Không gì là không thể” trong nhiều bản dịch trước đây, châm ngôn này hiểu là: Tất cả mọi sự việc, đều có thể cả.
Sự khác biệt giữa ý nghĩa của “Không gì là không thể” và “Tất cả đều có thể” là khác nhau. “Tất cả đều có thể” nghĩa là cái gì mình làm cũng được, vấn đề là mình hiểu được cái giới hạn của bản thân, mình sẽ nới cái giới hạn của mình, tới cái mức mà mình có thể, cho những điều gì đó mà mình muốn.
Khi muốn bứt phá giới hạn, vấn đề mình cần hiểu được cái giới hạn của bản thân là vấn đề cần thiết. Nghĩa là khi mình biết mỗi giới hạn có một mục tiêu, mình muốn bước qua khỏi giới hạn đó, thì thực tế đòi hỏi mình cần phải học tập, tập luyện từng bước phù hợp, dày công sức làm, rồi mới bứt phá tốt được.
Câu chuyện này là câu chuyện của riêng bản thân mà tôi xâu chuỗi qua được. Lý do tôi muốn chia sẻ trải nghiệm cho mọi người vì trải nghiệm đó thật sự tuyệt vời, một trải nghiệm về nỗi đau trong cuộc đua và niềm vui khi về đích. Những điều này, mang đến cho chúng ta cảm xúc bùng nổ đặc biệt trong cuộc sống. Có thể thấy ví dụ khi các vận động viên ôm lấy tôi ở vạch đích cuộc đua, họ bật khóc. Vì họ đạt được giới hạn, họ vượt được giới hạn chính bản thân của họ. Khi bản thân mỗi chúng ta vượt lên giới hạn như vậy, niềm vui đó đặc biệt lớn, “Trước đó, mình cứ nghĩ mình chỉ vậy thôi, nhưng thực sự, mình hơn những điều như vậy rất nhiều”.
Có rất nhiều bạn tham gia cuộc đua ba môn phối hợp tại Việt Nam, thành ra không chỉ có một người, mà cả một cộng đồng cùng xây dựng với nhau tinh thần “Tất cả đều có thể”.
___
Chúng tôi trông thấy anh có quá trình luyện tập thể thao đều đặn trong suốt nhiều năm, với nhiều bộ môn thể thao khác nhau. Nếu rút ra 2 điều rèn luyện được từ việc tập thể thao Ba Môn Phối Hợp để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày, thì 2 điều đó là gì, thưa giáo sư?
Đó là sự Kỷ luật và Kiên nhẫn. Điều đầu tiên là sự kỷ luật. Tự kỷ luật. Tôi cũng thường nói với sinh viên của tôi, nếu chúng ta không có sự tự kỷ luật cho chính bản thân của mình, thì không thể nào chúng ta trở thành những người xuất sắc được.
Việc tham gia thể thao Ba Môn Phối Hợp là hành trình rèn luyện sự kỷ luật rất rõ ràng. Chúng ta phải đi ngủ sớm và thức sớm để tập luyện mà không ảnh hưởng cho những người khác trong suốt cả ngày. Không thể viện lý do: “À, tôi bận việc phải làm, tôi bận gia đình, nên không có thời gian tập”. Lý do này không phải, tất cả đều có cách, chúng ta cần phải thu xếp thời gian, bằng cách chúng ta ngủ sớm, dậy sớm.
Đối với tôi, kỷ luật đó là 9h15 tối đi ngủ. 4h30 sáng thức dậy. Đó là sự kỷ luật và tôi ứng dụng trong cuộc sống của mình, vào bất cứ khi nào, cũng kỷ luật với chính bản thân mình. Không bao giờ trễ khi có hẹn với ai đó. Trong việc giảng dạy, không lên lớp trễ 1 phút nào cả. Đó là kỷ luật.
Điều thứ 2 là sự kiên nhẫn. Có thể thấy, trong việc luyện tập môn chạy bộ. Nhiều khi đường chạy bộ nơi mình sống là những con đường rất nhỏ, phải chạy đi chạy lại hàng chục vòng trên đường đó. Đối với nhiều người kêu: “ồ, chạy hoài nhức đầu, chóng mặt, chán”, nhưng tôi thấy nó không có chán. Mình cứ tập miết, mình sẽ không thấy sự chán nản, bởi cái gì mình cũng bình thản với nó, vì tâm thế của mình là “số Không” mà.
___
Tâm thế là “số Không”…? Vì sao khi ở tính Không, lại mang đến sự kiên nhẫn và giúp mình rất nhiều trong các công việc mình làm?
Nói về sự kiên nhẫn, tôi lấy ví dụ trong việc luyện tập thể thao, tương tự mọi thứ khác trong cuộc sống cũng vậy. Trong hành trình luyện môn đạp xe, đường tập đạp gần nơi mình chỉ có 2.5 km (khu Sala, TP.HCM), mà chúng ta cần luyện 90 km để tham gia cuộc đua, như vậy mình phải đạp xe lặp đi lặp lại nhiều lần trong một cung đường nhỏ. Hoặc trong môn bơi, có những buổi phải bơi đi bơi lại đến khoảng 80 vòng, thậm chí 100 vòng, chỉ trong một cái hồ bơi nhỏ. Thực chất, việc tập như vậy có thể không ngán, không chán, không mất kiên nhẫn. Bởi vì tâm thế trong đầu của mình trở thành là “trống không” rồi. Khi “trống rỗng” thì trong đầu mình không còn gì về khái niệm giới hạn nữa, tất cả ngoài vật của mình đều không còn gì ảnh hưởng. Trong đầu mình lúc đó chỉ còn tập trung vào việc luyện tập bơi, đạp, chạy mà thôi.
Có thể bạn nghe thấy hơi mơ hồ về tính Không, nhưng có thể hiểu: Khi mình làm, mình không bị một thứ ảnh hưởng nào hết, thì sự tập trung của mình rất cao, nghĩa là sự kiên nhẫn của mình làm cho mình tập trung. Chính điều đó, khi tập luyện càng nhiều, thì khả năng tập trung càng cao. Đối với việc làm, sự tập trung rất quan trọng. Vì vậy, tâm thế ở “số Không”, giúp mình rất nhiều trong các công việc mình làm.
Trải nghiệm trong cuộc sống nói chung của mình, tôi thấy rằng, vì tâm thế mình là “số Không” rồi, thì bất kỳ điều gì mình làm, mình đều có thể dành sự tập trung cho điều đó. Bất cứ điều gì. Tập trung nghiên cứu khoa học. Tập trung chơi nhạc. Tập trung Bơi, Đạp, Chạy.v.v…
Từng bước học hỏi, tập trung, nỗ lực để nới rộng điều giới hạn ban đầu. Cho đến khi bất cứ điều gì, đều có thể, không còn giới hạn nào nữa. Khả năng con người vô cùng lớn. Cũng như trong truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” ví dụ về các mốc giới hạn. Khi ngồi đáy giếng, chú ếch cứ ngỡ rằng giới hạn bầu trời chỉ có thể thấy được một khoảng trời rất bé như cái vung vậy, nhưng khi chú ếch vượt qua giới hạn bản thân, nhảy ra khỏi đáy giếng, sẽ thấy vùng trời bao la, rộng lớn vô cùng…
___
Cảm ơn giáo sư đã chia sẻ trải nghiệm.