Một ngày cuối tháng tư mùa đại dịch Covid 19, anh Phan Chánh Dưỡng gửi cho tôi đọc bản thảo “Ký ức theo dòng đời” in ấn khá đẹp. Anh nói ban đầu anh không định viết nhưng sau khi một số thân hữu và học trò có ý định thay anh làm chuyện này, anh nghĩ thôi thì chuyện riêng tư mình tự lo lấy vẫn hơn. Biết đâu cũng là cơ duyên mà mục đích chính là lưu niệm, để cho con cháu sau này biết cha ông của chúng lớn lên như thế nào trong một thời kỳ khá dài đất nước nhiều biến động.
Đúng là một ký ức bởi nhớ chuyện gì thì anh ghi lại chuyện đó, không có sự sắp xếp như những người chú tâm viết hồi ký đời mình với nhiều cung bậc thăng trầm sôi nổi. Anh lại không phải là một nhà văn hay nhà báo cho nên ngôn ngữ mộc mạc và chân tình như bạn bè thường nghe anh kể chuyện đời trong những lúc trà dư tửu hậu. Và giờ đây hơn 300 trang viết lẫn lộn bao nhiêu buồn vui, mà trong chừng mực như có lần anh nói “đó là nỗi éo le của thân phận và con người tôi”. Anh có hai người mẹ phải báo hiếu, có hai cộng đồng văn hoá phải tôn thờ, phấn đấu vào đời từ một đứa trẻ nghèo, thiếu cơ hội học hành. Anh lớn lên trong bom đạn của chiến tranh, từ quê nghèo Cà Mau phải chạy giặc lên Sài Gòn cố gắng thích nghi để tồn tại. Và đã xây dựng nên một nhân sinh quan, một lối sống nghiêm túc theo đạo lý Nho giáo và Phật giáo mà anh nghiên cứu khá sâu. Anh thường nói con người bằng xương bằng thịt của tôi cũng có đủ tham sân si, có những lúc sôi nổi quyết đoán; nhưng còn có một con người tinh thần khác luôn luôn lèo lái mình nhận dạng được chân thật và hư vọng của thế giới vật chất. Nhờ đó mà anh thoát hiểm nhiều lần để giữ mình sống trung thực, không bị mê muội bởi giàu sang hay quyền lực của đời này.
Nhân vô thập toàn nhưng anh vẫn nghiêm túc giữ một châm ngôn là điều gì mình không muốn thì cũng đừng gieo cho người khác. Đó là công đức tâm của Nho gia và là bình đẳng tâm của nhà Phật.
Đọc “Ký ức theo dòng đời” chúng ta hiểu và chia sẻ với anh nhiều chuyện nhưng dòng đời của Phan Chánh Dưỡng lại quá phong phú, đến mức dường như anh khiêm tốn chưa nói hết bao nhiêu biến cố đã trải qua. Nhất là trong giai đoạn tham gia vào đời sống kinh tế xã hội sau năm 75 vừa với tư cách một người năng động vừa là chứng nhân của thời kỳ đầu đổi mới, tranh tối tranh sáng lẫn lộn cái tốt cái xấu đan chen khiến việc đánh giá tình hình là vô cùng phức tạp.
Ngày anh bắt đầu vận động đối tác Công ty CT & D của Đài Loan tham gia đầu tư hai dự án Khu chế xuất Tân Thuận và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng mà sau này anh có vai trò chủ yếu, thì có người xấu miệng nói anh “cõng rắn cắn gà nhà”.
Ngày anh được cử đi theo học Chương trình Fulbright ở Mỹ, người ta lại cho rằng đó là kế hoạch bồi dưỡng cán bộ. Nhưng anh hiểu hơn ai hết thực chất của vấn đề là mình đã hết vai trò lịch sử và nên chuẩn bị cho một cuộc thay ngựa giữa dòng. Sau khi hoàn thành chương trình học, anh chẳng chút bận lòng, xin về hưu trước thời hạn, rồi tham gia điều hành Quỹ từ thiện Lawrence S. Ting tại Việt Nam và tiếp tục chọn con đường giảng dạy tại chương trình đào tạo thạc sĩ Fulbright VN tại TPHCM. Hẳn trong suy nghĩ của anh đầy ắp những kinh nghiệm cay đắng về cái tài- cái tâm, về năng lực và lòng tham của con người có quyền lực.
Qua hồi ức này, phần “tự sự” tác giả đã ghi lại rất ngay tình về bản thân, phần “thế sự “lại rất khách quan trong mọi hoàn cảnh và các mối quan hê xã hội, đồng thời đề cập nhiều giải pháp mà người viết kỳ vọng là bài học cho lớp trẻ sau này.
Đọc hết “Ký ức theo dòng đời” tôi hiểu rõ thêm về tác giả. Những chia sẻ khiêm tốn của Phan Chánh Dưỡng giúp tôi quí anh hơn.
Tôi nhớ có lần đọc đâu đó một giai thoại thú vị:
Có người hỏi vị tăng sĩ:
“Ngài tu hành bao nhiêu lâu nay, vậy thông qua tu hành, cuối cùng ngài đạt được cái gì?”
Vị tăng sĩ trả lời: “Cái gì cũng không đạt được”.
Người này lại hỏi: “Vậy ngài tu hành làm gì?”,
Vị tăng sĩ mỉm cười nói: “Thế thì tôi cũng có thể nói với thí chủ những thứ tôi mất đi. Tôi từ từ mất đi tâm oán hận, ỷ lại, hẹp hòi, xoi mói, chỉ trích, bi quan và cầu vọng. Mất đi sự nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp, mất đi hết thảy những thứ vô tri, can nhiễu và chướng ngại.
Chân lý của tu hành không phải vì muốn đạt được mà chính là biết vứt bỏ hết thảy những ích kỷ, chấp chước, quan niệm bất thiện bao đời hình thành”
Tất nhiên tác giả tập ký ức này không phải là nhân vật tăng sĩ như giai thoại trên đây, nhưng trong cách nhìn của tôi, anh cũng là một người tu hành theo đạo Trời Đất.
Đây cũng là điều tôi đang học ở anh.
(22/5/2022)