Là một người hâm mộ thể thao, đợt này lúc nào tôi cũng dán mắt vào TV xem Olympic 2012 đang tổ chức ở quê nhà. Trên TV, London thật hoành tráng. Còn theo gia đình và bạn bè tôi, những người đang sống ở London, không khí ở đó rất sôi động. Ai cũng cảm thấy tự hào khi nước mình đăng cai một sự kiện lớn cho cả thế giới dõi theo. Chúng tôi quan tâm đến phần thi đấu của tất cả các vận động viên. Tuy nhiên, thật không may là tôi chưa có dịp xem vận động viên Việt Nam nào thi đấu dù tôi biết có 18 vận động viên tranh tài ở 11 môn. Việt Nam cũng từng đoạt hai huy chương bạc trong các kỳ thế vận hội trước. Đó là huy chương bạc của vận động viên Trần Hiếu Ngân môn taekwondo năm 2000 và huy chương bạc của vận động viên Hoàng Anh Tuấn môn cử tạ năm 2008. Các nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan và Malaysia gửi nhiều vận động viên đến thế vận hội London hơn. Thật tiếc là Việt Nam chưa thể làm được như thế.
Khi bạn so sánh người Việt với người Anh, cả về vóc dáng và cân nặng, bạn sẽ thấy nhìn chung người Việt nhỏ nhắn hơn. Thanh niên Việt Nam không uống nhiều rượu và ăn thức ăn nhanh nhiều như thanh niên Anh. Người Việt cũng có vẻ nhanh nhẹn hơn, vì vậy mà tôi ngạc nhiên vì sao người Việt ít thành công ở các đấu trường thể thao quốc tế. Liệu có phải vì thanh niên Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến việc luyện tập thể thao hay vì ít tổ chức các giải thi đấu thể thao? Hoặc do thiếu cơ sở hạ tầng dành cho thể thao? Tôi không rõ là vì lý do nào nhưng hy vọng những điều này sẽ thay đổi trong tương lai. Khi đó, Việt Nam sẽ có nhiều vận động viên tranh tài quốc tế hơn và có thể đăng cai các đại hội thể thao của thế giới bởi việc tổ chức này đem lại rất nhiều lợi ích.
Ở Anh, trong suốt thời gian tổ chức Olympic, ai cũng cảm thấy tình yêu nước của mình rõ rệt hơn và tự hào mình là người Anh. Điều này tạo ra sự đồng thuận và thắt chặt mối quan hệ cộng đồng. Cảm giác này cũng khiến người ta vui vẻ, hạnh phúc hơn. Họ làm việc hăng say hơn và chi tiêu mạnh tay hơn – điều này rất tốt trong lúc nền kinh tế đang suy thoái. Đồng thời, cùng với việc tổ chức thế vận hội, nước Anh có dịp quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới và du lịch của Anh sẽ phát triển mạnh trong cũng như sau kỳ thế vận hội. Du lịch với các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển và bán hàng lưu niệm cũng là một yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế. Khi đăng cai Olympic, chính phủ Anh đã cải tạo hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng. Điều này đem đến lợi ích cho mọi công dân và tạo điều kiện để kinh tế phát triển tốt hơn trong tương lai. Điều thú vị nhất là Olympic khiến tất cả mọi người đều thấy hào hứng hơn với thể thao. Ở Anh lúc này, tất cả đều dõi theo các màn thi đấu, nói về thể thao và thử các hoạt động mới. Mọi người mua giày thể thao để chạy hoặc đi tập ở phòng tập nhiều hơn. Trẻ em say mê chơi đá bóng, giả vờ như mình là cầu thủ của đội tuyển quốc gia. Chúng tôi hy vọng nhờ kỳ thế vận hội này mọi người sẽ quan tâm đến thể thao nhiều hơn và sẽ khỏe mạnh hơn.
Tôi thật sự mong thể thao được đẩy mạnh ở Việt Nam và những ngôi sao thể thao Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn trên đấu trường quốc tế. Không nên xem thể thao chỉ là một thú vui mà nên khuyến khích luyện tập thể thao như một thói quen từ lúc còn đi học. Các giải thi đấu thể thao cần được tổ chức thường xuyên hơn. Nhờ thể thao người ta có thể đoàn kết như tinh thần chúng ta thấy sau giải đá bóng AFF Suzuki Cup 2008, hoặc có cảm giác hạnh phúc và tự hào như tôi đang cảm thấy ngay lúc này.
Mark Jones – Lê Tâm dịch