Một chị kể chuyện, vừa rồi chị tổ chức sinh nhật cho con gái năm nay học lớp 8; lúc cháu mở quà chị thấy nhiều món quà kỷ niệm rất dễ thương nhưng không hề có cuốn sách nào.
Hôm con chị được bạn mời dự sinh nhật, chị chở cháu ra nhà sách mua quà. Cháu chọn những món như: đồng hồ để bàn, cục chặn giấy, đồng hồ cát, nhật ký có chìa khóa, thú bông…
Chị gợi ý cháu mua tặng bạn một cuốn sách nhưng cháu lắc đầu: “Bạn ấy không thích đâu”. Chị biết, bạn bè của con chị rất ít đọc sách.
Rồi chị nhớ lại những năm 1970, học trò chẳng có gì giải trí ngoài sách. Ở các trường tiểu học, những giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết như những ngọn gió mới, đem đến không khí sôi động bằng nhiều phong trào thi đua văn nghệ, học tập, đố vui để học…
Có cô giáo mới ra trường tuổi chừng đôi mươi, hằng ngày bảo học trò lau sạch sẽ hành lang để giờ ra chơi các em cùng nhau mang sách ngồi bệt xuống sàn đọc.
Trong lớp, cô làm một kệ sách, kêu gọi học trò mỗi em đem một cuốn sách ở nhà đến để cả lớp thay phiên nhau đọc, khi các em đọc hết, lại cùng nhau tiếp tục đổi sách khác. Cô cũng kêu gọi các em bớt tiền quà mua sách mới cho lớp. Nhờ đó, tủ sách của lớp thường xuyên có sách mới, lúc nào cũng có sách để đọc.
- Xem thêm: Giúp con yêu thích đọc sách
Chị kết luận, từ những năm tiểu học, học trò đã có thói quen đọc sách nên yêu quý sách. Thói quen này theo các em đến lớn.
Thói quen đọc sách tạo thói quen giữ gìn sách, biết phân loại và tạo thư mục cho tủ sách cá nhân, có sổ ghi “gia tài” mình có những loại sách nào, nếu có người mượn sách thì ghi rõ ai mượn, ngày mượn, ngày trả. Do đó, có những gia đình giữ gìn sách hàng nửa thế kỷ mà sách vẫn còn tốt.
Thật ra, nếu cho rằng giới trẻ ngày nay lười đọc sách cũng chưa thật chính xác. Sách của ngày hôm nay không chỉ là sách in mà còn sách điện tử.
Tất cả những vấn đề cần tra cứu trong sách, giới trẻ có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng với thông tin luôn được cập nhật.
Có người còn cho rằng, trong cuộc sống quay cuồng đến chóng mặt như hiện nay giới trẻ có nhiều việc phải lo toan, họ luôn cảm thấy thiếu thời gian, khó lòng ngồi ôm cuốn sách.
Ngoài học tập nâng cao tri thức, chuyên môn, kiếm sống, đầu tư công sức cho công việc làm (đề khỏi mất việc) còn thời gian dành cho vui chơi, giải trí, du lịch.
Chưa nói với người ham mê đọc sách – phần đông là người lớn tuổi, sinh viên, công chức có thu nhập không cao – thì những sách có giá trị lại vượt khả năng tài chính của họ.
Mà cũng không dễ tìm thấy sách hay, có chất lượng trong thị trường sách hiện nay. Một cô bán sách ở hiệu sách đã gần hai mươi năm cho biết, phần lớn khách mua sách bao nhiêu năm qua là khách quen và khách hàng nào mua sách gì đều đã định hình. Cô bảo, cứ nhìn đối tượng mua sách thì biết họ không phải là giàu có lắm.
- Xem thêm: Đọc sách sao khó vậy?
Nói gì thì nói, trong gia đình có con ham đọc sách là điều rất đáng mừng. Thế nhưng vấn đề là làm sao cho con cái ham đọc sách khi mà chính các bậc phụ huynh cũng đang đánh mất dần thói quen đọc sách ngày nào.
Cứ nhìn cảnh các ông bố bà mẹ ngồi hàng quán với con cái bên cạnh nhưng vẫn chúi mũi vào điện thoại di động, chat và like túi bụi. Khó thật!