Những năm gần đây, sự lên xuống của giá vải trong mỗi mùa vải thiều luôn nhận được sự quan tâm của cả nước. Khi tốc độ mở rộng thị trường không theo kịp mức tăng của sản lượng, cảnh được mùa rớt giá gần như đã thành nỗi ám ảnh với nông dân và những ai quan tâm đến nông nghiệp nước nhà.
Sau 12 năm đàm phán, năm 2015 trái vải Việt Nam được phép thâm nhập thị trường nước Úc. Thương vụ Việt Nam tại Úc khi đó dự đoán: mỗi mùa vụ Việt Nam có thể xuất khẩu được ít nhất 200 tấn theo như dự kiến trong năm năm đầu cấp phép, vì chỉ riêng doanh nghiệp Pan Asia Fresh dự kiến ký hợp đồng cung cấp 15-25 tấn vải/tuần với Công ty Dragon ngay trong năm đầu tiên để cung cấp tại hệ thống siêu thị Úc. Tuy nhiên, ngay sau năm đầu tiên hợp đồng giá trị lớn này đã bị tạm dừng để xem xét lại vì chất lượng hàng không đạt yêu cầu.
Nếu như mùa vải xuất khẩu sang Úc đầu tiên có chín doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thì sau ba năm, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chỉ còn lại chưa đến một phần ba. Giám đốc một công ty từng tham gia xuất khẩu vải thiều từ năm 2015 sang Úc cho biết sau năm đầu tiên xuất khẩu thử nghiệm và được đối tác Úc đánh giá cao, vụ vải năm 2017, công ty tiếp tục ký hợp đồng với nhiều đối tác Úc để xuất khẩu vải. Sau khi biết dây chuyền công nghệ sơ chế, bảo quản quả vải tại huyện Lục Ngạn đi vào hoạt động, công ty lập tức mở rộng nguồn cung đưa quả vải vào sơ chế, bảo quản và đóng gói tại đây. Sau khi bảo quản đóng gói, các lô vải này được chuyển về Hà Nội để chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, trước khi chuyển sang Úc. Tuy nhiên, khi tới được Úc, các lô hàng này hầu hết bị thối và hỏng nên bị bạn hàng chuyển trả lại, phải đổ bỏ hàng chục tấn vải, khiến công ty lao đao và đành chia tay trái vải.
Ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm nhận xét: “Khó khăn đầu tiên là nguyên liệu đầu vào không ổn định. Nhiều doanh nghiệp thực hiện thu mua theo đúng hợp đồng và hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật chăm sóc song sản phẩm nông dân sản xuất ra không đồng đều, chất lượng không bảo đảm. Thậm chí nhiều nông dân, vì lợi ích trước mắt sẵn sàng phá hợp đồng khi thương lái trả giá cao hơn. Điều này khiến doanh nghiệp bị động khi ký hợp đồng với đối tác”.
Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Úc, giá vải của Việt Nam cao hơn hẳn vải của Úc, Thái Lan và Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu do giá chiếu xạ của Việt Nam ở mức từ 0,5-0,8 USD/kg trong khi giá chiếu xạ của Thái Lan khoảng 0,3 USD/kg; Ngoài ra, giá vận chuyển bằng hàng không của Việt Nam cao hơn các nước khác, ví dụ vận chuyển vải từ Thái Lan có giá là 1,6 USD/kg thì vận chuyển từ Việt Nam là 2,6 USD/kg (đây là giá đã được giảm 20%); Nguyên nhân thứ ba là khâu thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển của vải Việt Nam chưa chuẩn, do vậy hầu hết các lô hàng đều vướng kiểm dịch, bị giữ lại vài ngày để xử lý dẫn đến chi phí lưu kho, lưu bãi, kiểm dịch chưa kể chi phí hao hụt, giảm giá do vải bị hỏng.
Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng cho biết bên cạnh một số lô hàng vào tới Úc vẫn giữ được chất lượng tốt và bán được giá cao, còn có một số lô hàng có vấn đề về bảo quản nên khi sang tới Úc bị hỏng rất nhiều, và phải bán dưới giá thành nhập khẩu để thu hồi vốn. Việc này dẫn đến hậu quả là hình ảnh trái vải của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phá giá thị trường làm ảnh hưởng đến giá của hàng có chất lượng cao, và doanh nghiệp Úc có ý định chuyển hướng nhập khẩu vải từ Trung Quốc nếu doanh nghiệp Việt Nam không cải thiện được chất lượng bảo quản.
Để khắc phục tình trạng trên, Thương vụ Việt Nam tại Úc đưa ra một số kiến nghị các công việc cần chuẩn bị cho những mùa vụ tiếp theo: Cục Bảo vệ thực vật cử cán bộ sang Cơ quan Kiểm dịch Úc để nắm rõ quy trình kiểm dịch để hướng dẫn doanh nghiệp cũng như để kiểm soát chất lượng các lô hàng trước khi rời Việt Nam.
Chính phủ cần xem xét việc đầu tư kho lạnh, cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại vùng trồng để giảm chi phí cho doanh nghiệp; Hàng không Việt Nam cần có chính sách trợ giá cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc doanh nghiệp cần tính phương án vận chuyển bằng đường biển (với điều kiện đáp ứng được các yêu cầu về bảo quản và giữ lạnh) để giảm chi phí; Cục Bảo vệ thực vật hoặc địa phương cần hướng dẫn nông dân cách làm mới hiệu quả và tuân thủ quy định của nhà nhập khẩu (ví dụ như cắt sát, kiểm tra từng quả để phát hiện sâu trước khi đóng thùng, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trước khi thu hái…). Phương pháp bảo quản để giữ được quả vải tươi lâu cũng cần được nghiên cứu và đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.