Các thỏa thuận tự do thương mại lớn mà Mỹ theo đuổi đang gặp phải sự chống đối từ hai nhân vật dẫn đầu cuộc chạy đua trở thành ứng cử viên tổng thống của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, có khả năng tạo tình trạng bế tắc cho Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU.
Các chuyên gia phân tích cho rằng nếu những quan điểm về hai hiệp định này trở thành đường lối của chính phủ Mỹ sau bầu cử, sẽ là một thất lợi lớn cho quá trình lôi kéo đồng minh về phía Washington.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, sau khi nhiệt tình ủng hộ TPP trước đây, thì nay trên cương vịứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đang đòi xem lại hiệp định này. Nguyên nhân là bà bị áp lực của cánh tả trong nội bộ đảng Dân chủ không xem TPP là khuôn vàng thước ngọc về tự do thương mại. Trong khi đó, tỉ phú địa ốc Trump tuyên bố thẳng thừng các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến các nước đang phát triển cướp mất việc làm của công dân Mỹ. Riêng với TTIP, Trump còn cực đoan hơn khi nói rằng đó không phải là thương mại tự do mà là thương mại ngu xuẩn.
TPP sau khi hoàn tất đàm phán vào tháng 10-2015 đã được 12 nước thành viên ký kết với hy vọng sẽ bắt đầu thực hiện vào tháng 4-2018 sau khi các nước hoàn thành bước phê chuẩn. Nhưng dường như tâm lý e ngại chung của Quốc hội Mỹ đang do đảng Cộng hòa lãnh đạo khiến mọi việc khó trôi chảy. Tình hình sẽ tệ hại hơn nếu Tổng thống Mỹ Obama không tranh thủ được sự chuẩn y của Quốc hội trong những tháng ngày còn lại của ông tại Nhà Trắng.
Về TTIP, mọi việc còn khó khăn gấp nhiều lần. Tại Hội chợ Hannover (Đức) hồi cuối tháng 4 vừa qua, khi Tổng thống Obama kêu gọi châu Âu và Mỹ hoàn thành hiệp định này thì hơn 20.000 người Đức đã biểu tình chống đối.
Sau đó trong phiên họp thứ 13 của phái đoàn châu Âu và Mỹ tại New York, người dân Mỹ cũng biểu tình phản đối. Các ứng cử viên tổng thống không thể ngược dòng dư luận nên đã bày tỏ phản đối hiệp định này.
Cả hai hiệp định nói trên không chỉ nhằm vào hạ mức thuế quan hay hạn ngạch, mà còn đòi hỏi nhiều cải cách về cơ chế và luật lệ trong từng nước với ảnh hưởng vượt ra khỏi lĩnh vực ngoại thương.
Giới doanh nhân Mỹở phố Wall tỏ ra kín tiếng khi theo dõi các diễn biến này. Họ tin bà Hillary sẽ thắng dù bà đang lên tiếng đả kích các hiệp định thương mại vì nhu cầu tranh cử. Bà được sự hỗ trợ của họ qua dịch vụ diễn thuyết trả tiền có khi lên đến 500.000 USD cho mỗi lần hội thảo. Trong khi đó tỉ phú Trump là tài phiệt đích thực có thể dùng tiền tác động vào chính trị, loại ảnh hưởng của phố Wall trong cuộc bầu cử. Ông sẵn sàng đả kích giới nhà giàu và đòi tăng thuế. Mới đây, trong một bài diễn thuyết về đối ngoại hôm 27-4, ông Trump đã giương cao ngọn cờ chống toàn cầu hóa.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 2-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đăng trên tờWashington Post bài viết với nội dung khá quan trọng về TPP, trong đó nêu lên những lý do đáng kể nhất cho nhiệm vụ hoàn tất hiệp định này. Theo mạng politcom.ru (Nga) ngày 5-5, việc nhà lãnh đạo Mỹ đăng bài viết trên một trong những tờ báo của nhà nước là có lý do của nó.
Trong bài báo, ông Obama cho biết thế giới thay đổi và cùng với đó các quy tắc cũng thay đổi, và Mỹ và các đối tác phải đề ra những quy tắc đó để Trung Quốc cũng như các nước khác tuân theo chứ không phải ngược lại. Đáng chú ý là một năm trước, ông Obama cũng có một tuyên bố tương tự như vậy trong một bài phát biểu của mình. Trong khi đó ông Obama nhấn mạnh Mỹ không thể cho phép các quốc gia khác như Trung Quốc đặt ra luật chơi cho nền kinh tế toàn cầu.
TPP có thể đề ra những tiêu chuẩn và chuẩn mực thương mại quốc tế cao nhất hiện nay và không có trong quy định của tổ chức thương mại thế giới, bao gồm cả việc quy định đầu tư, các tiêu chuẩn lao động hiện đại, các quy định về môi trường… Việc hiện thực hóa TPP trở thành một trong những điểm cơ bản nhất của chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama. Đồng thời, Washington đã công khai chỉ ra vai trò hàng đầu của mình trong các hiệp định và chỉ ra một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ là kìm hãm Trung Quốc.
Viết Đĩnh tổng hợp (DNSGCT)