Việt Nam lần thứ ba tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD, nhưng không có tên trên bảng xếp hạng toàn cầu công bố ngày 3/12.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia PISA 2018 – bài đánh giá ở ba môn Đọc hiểu, Toán và Khoa học dành cho học sinh 15 tuổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi Việt Nam – quốc gia có thứ hạng cao ở hai lần tham gia trước, lại không có tên trên bảng xếp hạng.
Theo báo cáo chi tiết, dữ liệu của Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quốc tế hoặc các báo cáo “không đầy đủ” do thiếu tính nhất quán trong mẫu phản hồi. Vì vậy OECD chưa đưa Việt Nam vào xếp hạng toàn cầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố kết quả của Việt Nam trong lần tham gia này.
Năm 2012 lần đầu tiên tham gia, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và 19 về Đọc hiểu trong số 65 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 8/72 về Khoa học, 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu. Kết quả này từng khiến GS Paul Glewwe (Đại học Minnesota, Mỹ) ngạc nhiên bởi xếp hạng PISA thường tỷ lệ thuận với GDP của mỗi quốc gia.
Kết quả PISA 2018 cho thấy Trung Quốc đứng đầu thế giới cả về Đọc hiểu, Toán và Khoa học. Đây là sự thăng hạng vượt bậc khi ở lần công bố năm 2015, quốc gia này không lọt vào top 5. Tuy nhiên, bài đánh giá chỉ được thực hiện bởi học sinh tại bốn tỉnh, thành phố gồm: Thượng Hải, Giang Tô, Bắc Kinh và Chiết Giang. Điều này có nghĩa là kết quả sẽ không thể hiện chính xác trình độ của hàng chục triệu học sinh ở các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là vùng nông thôn.
- Xem thêm: Lý giải vì sao chỉ số PISA cao
Singapore xếp hạng đầu trong khảo sát ba năm trước, nhưng năm nay tụt xuống vị trí thứ hai. Ông Sng Chern Wei, phụ trách quản lý giáo dục thuộc Bộ Giáo dục Singapore chia sẻ hài lòng với kết quả PISA 2018. “Chúng tôi không tham gia khảo sát để cạnh tranh với các quốc gia khác mà để tìm hiểu lĩnh vực và cải thiện khả năng. Khi các quốc gia khác làm tốt, chúng tôi sẽ cố gắng học hỏi từ họ và củng cố hệ thống giáo dục nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn cho học sinh”, ông nói.
Các tác giả của báo cáo PISA 2018 nhấn mạnh kết quả khảo sát không phải để các quốc gia cạnh tranh với nhau mà để “cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà giáo dục và nhà hoạch định chính sách phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu trong hệ thống giáo dục của đất nước họ”.
Bên cạnh đó, tư duy phê phán và khả năng đọc hiểu là nội dung quan trọng được đề cập trong báo cáo mới nhất của PISA. Trong thời đại công nghệ hiện nay, học sinh có thể tìm hiểu và kiểm tra tính chính xác của thông tin từ việc đọc sách.
- Xem thêm: Xếp hạng đại học từ hạn chế đến cải tiến
“Trước đây, học sinh có thể tìm thấy câu trả lời rõ ràng và duy nhất trong sách giáo khoa được Chính phủ phê duyệt và các em có thể tin tưởng câu trả lời là đúng. Ngày nay, các em có thể tìm kiếm thông tin trực tuyến và phải nhận ra thông tin đúng hoặc sai. Từ đó, đọc không còn là việc trích xuất thông tin mà là xây dựng kiến thức, suy nghĩ rõ ràng và đưa ra lập luận, đánh giá có căn cứ”, báo cáo viết.
Tại các quốc gia được khảo sát, cứ 10 sinh viên có ít hơn một em có thể phân biệt giữa sự thật và quan điểm dựa trên các dấu hiệu ngầm trong nội dung hoặc nguồn thông tin. Các quốc gia có nhiều hơn một trong bảy học sinh có khả năng phân biệt sự thật và quan điểm là Trung Quốc (gồm bốn tỉnh thành phố được khảo sát), Canada, Estonia, Phần Lan, Singapore và Mỹ.