Các bảng xếp hạng đã trở thành một trong những nhân tố đánh giá uy tín của các trường đại học và cũng là một trong những lý do khiến sinh viên đưa ra lựa chọn về ngôi trường mà mình theo học. Khi vào trang web của các trường, bao giờ cũng có thông tin “lọt vào Top 100” của một bảng xếp hạng nào đó.
Các bảng xếp hạng đại học xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ (1983) với bảng xếp hạng thường niên các trường đại học của U.S. News and World Report. Bảng xếp hạng toàn cầu đầu tiên – Xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới (Academic Ranking of World Universities), là do Đại học Giao thông Thượng Hải đưa ra vào năm 2003. Và từ đó, các bảng xếp hạng toàn cầu mới bắt đầu bùng nổ với những bảng tiếp theo của Times Higher Education (THE Rankings – 2004), Quacquarelli Symonds (QS Ranking – 2004), Leiden (2007)…
Các bảng xếp hạng này ra đời nhằm phản hồi lại xu hướng toàn cầu hóa giáo dục đại học và nhu cầu chia sẻ thông tin trực tuyến. Tuy nhiên, chúng ta không thể không tự hỏi là thường chỉ có những nhóm nhỏ các trường luôn giữ vững các vị trí đầu bảng, và các bảng xếp hạng luôn “gọi tên” những “gương mặt” quen thuộc. Thật ra điều này cũng không quá khó hiểu. Yếu tố lớn duy nhất trong bảng xếp hạng QS là danh tiếng về học thuật.
Nó được tính bằng cách khảo sát hơn 60.000 học giả trên thế giới về ý kiến của họ đánh giá giá trị của các trường khác chứ không phải trường của họ. Điều này có nghĩa là các trường đại học vốn có tên tuổi và thương hiệu mạnh có nhiều khả năng sẽ được đánh giá tốt hơn. Ngoài ra, còn thêm một yếu tố nữa là số “trích dẫn dựa trên mỗi khoa”, tức là số lần các công trình nghiên cứu được các nhà nghiên cứu khác trích dẫn. Cuối cùng, số lượng đội ngũ giáo viên và sinh viên cũng như tính quốc tế (sự đa quốc tịch của sinh viên, tính quốc tế trong hợp tác trao đổi) cũng ảnh hưởng đến các bảng xếp hạng.
Các bảng xếp hạng này không chỉ tạo nên cuộc ganh đua giữa các trường đại học, mà còn ảnh hưởng đến chính sách giáo dục đại học của các quốc gia, thậm chí cả chính sách nhập cư cũng bị ảnh hưởng. Chính những thất vọng về vị trí trên bảng xếp hạng đã thôi thúc các quốc gia tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục, sáp nhập các cơ sở nhằm tăng quy mô, giúp các trường có được kết quả tốt hơn trên các bảng xếp hạng toàn cầu, đặc biệt là các bảng như ARWU đánh giá thông qua số lượng thay vì bình quân. Các bảng xếp hạng đại học cũng tạo ra nhận thức xã hội rằng một số trường xuất sắc hơn đại đa số các trường khác, và những cá nhân tốt nghiệp từ những trường xếp hạng cao cũng sẽ ưu tú hơn, xứng đáng nhận được đãi ngộ tốt hơn.
Đan Mạch là quốc gia dựa vào xếp hạng của các trường đại học để xem xét những người nộp đơn là sinh viên. Hay như tại Hà Lan, năm 2008 chính phủ nước này đã ra quy định rằng để đạt tiêu chuẩn “Người nhập cư có tay nghề cao”, người nộp đơn phải có bằng thạc sĩ/tiến sĩ từ một cơ sở giáo dục của Hà Lan đã được chứng nhận hoặc từ cơ sở giáo dục không thuộc Hà Lan nhưng được xếp trong Top 200 trường thuộc bảng xếp hạng của THE, ARWU hay QS.
Bên cạnh những mặt tích cực, các bảng xếp hạng đại học có hạn chế rất lớn là: Trở thành áp lực của nhiều trường, đẩy một số trường tới con đường gian dối bằng cách nộp dữ liệu không chính xác. Các chuyên gia về giáo dục cũng đã cảnh báo về những gì đang thực sự được dùng làm thước đo. Liệu các trường đại học không chuyên về nghiên cứu có nên được so sánh trong bảng xếp hạng dành cho các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hay không?
Ông Andreas Schleicher, Giám đốc giáo dục thuộc OECD, người đi tiên phong trong các bài kiểm tra Pisa ở cấp trung học, muốn bắt đầu so sánh giáo dục đại học, bằng cách tìm hiểu thêm về kết quả dưới hình thức của những gì sinh viên đang được học. Bởi điểm yếu của các bảng xếp hạng hiện nay chính là chúng được đo lường bằng các đặc tính của trường đại học chứ không phải của sinh viên của trường. Chúng tạo ra một danh sách chủ yếu gồm một kiểu trường nhất định. Các trường cao đẳng nhỏ, chuyên về nghệ thuật sẽ chịu thiệt thòi bất kể chất lượng của trường như thế nào.
Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ sở giáo dục đại học và các bên liên quan. GS-TS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng: Đại học phải làm chất lượng, còn xếp hạng chỉ làm nhiệm vụ chụp ảnh, chụp được toàn bộ hay được một phần kết quả cũng cần khuyến khích để đối sánh với cái chung của thế giới và nhận diện cho cái riêng của mình. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trước hết phải thực hiện kiểm định chất lượng và minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với cộng đồng; quan tâm giải quyết các vấn đề trong nước, nhưng đồng thời phải hướng đến việc hội nhập với khu vực và nâng cao uy tín quốc tế. Khuyến khích các trường đại học chủ động lựa chọn và tham gia xếp hạng bởi các tổ chức xếp hạng đại học quốc tế có uy tín phù hợp với chiến lược phát triển để góp phần đối sánh và nhận diện đơn vị. Tuần trước, tổ chức xếp hạng QS (London) đã công bố kết quả xếp hạng Top 1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới. Có 85/197 quốc gia được xướng tên, trong đó Việt Nam lần đầu tiên có hai đại học góp mặt là ĐH Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm 701-750 và ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801-1.000.