Mấy tuần lễ qua, thông tin báo chí cho thấy ngành sản xuất xe hơi của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng trước tình hình “tấn công” của các nước sản xuất xe hơi trong khu vực. Minh họa cho thực trạng này là số liệu từ các cơ quan chức năng.
Theo Tổng cục Hải quan, trong sáu tháng đầu năm người Việt đã chi tổng cộng 1,2 tỉ USD mua 49.890 xe hơi nguyên chiếc. Riêng trong tháng 6, lượng xe có xuất xứ Thái Lan vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh với 2.579 chiếc, vượt xa các đối thủ như Hàn Quốc và Trung Quốc với số lượng lần lượt đạt 1.737 và 1.152 chiếc.
Từ đầu năm đến nay, Thái Lan là nước xuất khẩu xe hơi nguyên chiếc sang Việt Nam nhiều nhất với 15.117 xe, đạt kim ngạch 276,5 triệu USD. Đáng chú ý, các loại xe sản xuất tại Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam có giá rẻ hơn nhiều so với xe từ các quốc gia khác trên thế giới. Chẳng hạn mỗi xe Thái Lan vào Việt Nam có giá chỉ chừng 18.290 USD, rẻ hơn so với xe Trung Quốc và Nhật Bản. Các dòng xe nhập từ Thái Lan chủ yếu tập trung vào phân khúc xe bán tải, khi Ford Ranger liên tục đứng số 1 trong danh sách xe bán chạy nhất thị trường.
Chỉ tính riêng năm mẫu xe bán tải nhập từ Thái Lan gồm Toyota Hilux, Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Mazda BT-50 và Chevrolet Colorado đã có doanh số lên tới 11.189 xe, chiếm tới gần 3/4 tổng lượng xe đến từ nước láng giềng này.
Theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu xe hơi từ khu vực ASEAN đã giảm từ 50% về 40%, năm 2017 giảm về 30% và đến năm 2018 về 0%. Đây chính là thời điểm các quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển như Thái Lan, Indonesia, Malaysia trực tiếp được hưởng lợi trên một thị trường mà giới trung lưu có nhu cầu cao. Nhiều dự báo cho rằng xe Thái Lan sẽồạt vào Việt Nam nhiều hơn cả.
Thái Lan là nước có ngành công nghiệp ôtô phát triển và được coi là một công xưởng của thế giới, ôtô từ nước này được xuất khẩu đi toàn cầu với nhiều thương hiệu lớn, trong khi đó ngành xe hơi của chúng ta sinh sau đẻ muộn, suốt 20 năm chỉ chuyên lắp ráp.
Theo thống kê của Tổ chức Các nhà sản xuất Xe hơi Thế giới (OICA), năm 2015 Việt Nam xuất xưởng tổng cộng chỉ 50.000 chiếc, tương đương khoảng 0,055% tổng sản lượng xe toàn thế giới, đứng ở mức thấp trong khu vực nếu so với Thái Lan (1,91 triệu chiếc), Indonesia (1,1 triệu chiếc), Malaysia (615.000 chiếc)…
Đã có nhiều bài viết phân tích nguyên nhân của tình trạng này.
Nguyên nhân trước tiên là quy mô thị trường ôtô của chúng ta quá nhỏ, dẫn đến sự yếu kém đầu tư trong sản xuất linh kiện phụ trợ.
Hiện Việt Nam có đến 17 công ty lắp ráp xe hơi nhưng chỉ có 33 công ty công nghiệp hỗ trợ cấp 1 và 181 công ty cấp 2. Trong khi Thái Lan cũng có số doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ôtô tương đương nhưng có đến 709 doanh nghiệp hỗ trợ cấp 1 với 354 công ty của Thái Lan và 355 công ty có yếu tố nước ngoài.
Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp xe hơi ở nước ta rất thấp, chỉ đạt khoảng 10 – 30% tùy theo dòng xe, trong khi tỷ lệ nội địa hóa tại Thái Lan lên tới 70 – 80%. Muốn tăng tỷ lệ nội địa thì quy mô thị trường phải đủ lớn, doanh số xe đủ cao, và như vậy việc đầu tư lắp ráp mới tương xứng với thị trường, đồng thời hạ thấp giá thành sản phẩm.
Nguyên nhân thứ hai là do chính sách thuế của Chính phủ rất cao đối với mặt hàng này khiến giá bán ra của các hãng cũng rất cao so với các nước trong khu vực, thậm chí có nhiều dòng xe chênh từ 60%. Để sở hữu một chiếc ôtô, người dân phải chi trả nhiều loại thuế, phí trong khi thu nhập bình quân tại Việt Nam chỉ khoảng 2.200 USD/người năm 2015.
Năng lực sản xuất của ngành xe hơi Việt chỉ dừng ở hai loại sản phẩm là xe du lịch và xe thương mại, trong đó xe du lịch chiếm tỷ trọng chủ yếu trên 90%. Thất lợi này sẽ còn nghiêm trọng hơn khi thuế nhập khẩu xe hơi từ khu vực ASEAN về 0%.
Lâu nay, nhằm bảo hộ sản xuất trong nước nên các loại thuế rất cao dẫn đến giá xe hơi ở Việt Nam thuộc vào hàng cao nhất nhì thế giới, gấp đôi ba lần so với giá trung bình của các nước khác.
Thứ ba là sự không nhất quán về chính sách cũng luôn làm khó cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đã hơn 20 năm phát triển ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô nhưng chúng ta vẫn chưa có được quan điểm và chính sách rõ ràng về việc ưu tiên hay hạn chế phát triển ôtô. Do đó thiếu chính sách hỗ trợ để ngành này tăng quy mô, sản lượng và mở rộng thị trường. Mặt khác, muốn dân mua nhiều xe thì phải có chính sách khuyến khích, làm sao để sản phẩm có giá bán phù hợp với thu nhập thấp của người Việt Nam.
Nhận ra những nhược điểm trong điều hành và quản lý, Chính phủ đã có những điều chỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất cũng như tiêu dùng, nhờ vậy nửa đầu năm 2016 tình hình sản xuất ôtô được cải thiện và tăng trưởng ấn tượng với khoảng 112.800 chiếc được xuất xưởng, tăng 127,2% so với cùng kỳ.
Sự đi lên của nền kinh tế và thu nhập đầu người, cùng với chính sách lãi suất vẫn ở mức thấp giúp nâng cao khả năng tiêu thụ xe hơi của người dân. Các chính sách thuế hỗ trợ xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN được nhận định sẽ tác động lớn đến tình hình tiêu thụ ôtô ở Việt Nam.
Thế nhưng, cùng với sự thâm nhập ồ ạt xe hơi giá rẻ từ các quốc gia trong khu vực, có một nỗi lo canh cánh bên lòng lâu nay là thực trạng hạ tầng và phương tiện chuyên chở công cộng, nếu không được cải thiện trong thời gian tới thì tình hình giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rồi đây sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Đó lại là một bài toán khác rất không dễ dàng giải quyết.
Xuân Phát