Nếu có dịp đến Paris, bạn không nên bỏ qua một công trình xây dựng độc đáo ở một ngôi làng đang gây ngạc nhiên cho nhiều du khách.
Chỉ một giờ rưỡi lái xe từ thủ đô nước Pháp bạn đã đến Yonne, tuy là tỉnh nhỏ nhưng hội tụ rất nhiều di sản văn hóa với lâu đài đá trắng, đá nâu, đá đỏ; những hầm rượu dưới lòng đất bên cạnh các vùng nho nổi tiếng như Chablis, Auxerrois, Joigny.
Trên đường đi, bạn có thể ghé thăm các nhà thờ được trang trí bằng tranh tường của các họa sĩ thuộc nhiều trường phái. Yonne còn là một di sản nông thôn nhỏ thời Trung cổ với những cây cầu xinh xắn, những nơi trú ẩn xây bằng đá kiên cố. Tại đây còn có Vương cung Thánh đường được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa này, gần đây một lâu đài thời Trung cổ – lâu đài Guedelon – được phục dựng hoàn toàn bằng công nghệ và kỹ thuật của thế kỷ XIII, mang ý nghĩa giữ gìn những giá trị văn hóa và kiến trúc một thời cực thịnh.
Những người tham gia dự án đã sinh sống và làm việc tại công trường nhiều năm như một người dân của tỉnh Yonne thời xa xưa. Đúng là một công trình tuyệt vời của người Pháp muốn mang một phần không gian sống của 500 năm trước đặt giữa thời hiện đại.
Đây là một công trình có một không hai trên thế giới mà sức thu hút được minh chứng bằng con số hơn 300.000 du khách mỗi năm đến tham quan lâu đài. Lượng khách này tương đương doanh số 6 triệu euro mang lại cho nhà đầu tư, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 70 nghệ nhân và thợ thủ công.
Ngoài ra công trường còn đón hàng trăm thực tập sinh thuộc các ngành nghề và những người thợ xây dựng tình nguyện đến làm việc mà mục đích chính là được trải nghiệm cuộc sống tại ngôi làng cổ. Tất cả tỏ ra tự hào đã tham gia vào một dự án lãng mạn và đầy tham vọng.
Năm 1995, ông Michel Guyot – chủ lâu đài Saint-Fargeau cùng nhóm cộng sự, bao gồm rất nhiều nhà kinh doanh và các nhà nghiên cứu khảo cổ, đã nảy ra sáng kiến xây dựng độc đáo này.
Việc đầu tiên là tìm một mảnh đất phù hợp. Yêu cầu đặt ra là nơi đó phải hội đủ các yếu tố sau: có mỏ đá sa thạch – nguyên liệu xây dựng chính của thời Trung cổ, gần rừng để lấy củi, gần nguồn nước và đường cái để thuận tiện cho việc vận chuyển. Trời không phụ lòng người, sau hai năm lặn lội, họ tìm được địa điểm lý tưởng nằm tại làng Treigny của tỉnh Yonne thuộc Đông Bắc nước Pháp. Công trình xây dựng lâu đài Guedelon cũng bắt đầu từ đó.
Điểm độc đáo nhất của công trường Guedelon chính là nơi đây không sử dụng bất cứ máy móc hiện đại nào. Tất cả các công đoạn xây dựng được thực hiện bằng tay với dụng cụ của những thế kỷ trước: đá tảng khổng lồ được xẻ bằng dụng cụ thô sơ, được đẽo gọt thành những khối vuông vắn rồi vận chuyển bằng xe ngựa tới các địa điểm khác nhau trong công trường, được đưa lên cao bằng hệ thống thang ròng rọc đồ sộ thay vì dùng cần cẩu nặng nề như hiện nay.
Chỉ sau một năm xây dựng, công trường mở cửa đón du khách tham quan. Tất cả mọi người đều được chào đón khi đến tìm hiểu về dự án và tận mắt chứng kiến những người thợ làm việc. Khách tham quan được sống trong bầu không khí của một ngôi làng cổ thực sự, nơi mỗi người góp phần kiến tạo một công trình chung từ những sản phẩm cụ thể.
Những người thợ rèn chế tạo dụng cụ cho thợ tiện đá, thợ mây tre thì đan những giỏ đựng đồ cho người chuyên chở vật liệu, người thợ mài tạo nên những khối đá để thợ xây dựng lắp ráp… Guồng quay khổng lồ ấy vận hành một cách nhịp nhàng và hài hòa.
Cũng tại Guedelon, những câu chuyện lịch sử còn kết nối dân làng với những du khách có cùng niềm say mê. Người ta tổ chức các khóa dạy ngắn hạn giúp trẻ em và cha mẹ có thể học các phương pháp kỹ thuật cổ xưa, tự mình đục đẽo những khối đá hay làm những hình khắc gỗ. Với Guedelon, hình ảnh về cuộc sống thời Trung cổ không chỉ nằm trong sách giáo khoa mà còn hiển hiện ngoài đời thực một cách vô cùng sinh động.
Lâu đài Guedelon vẫn đang trong quá trình xây dựng và có rất nhiều du khách quay trở lại để được chứng kiến tòa lâu đài đồ sộ dần dần hoàn thiện. Theo dự tính, lâu đài sẽ còn được tiếp tục xây dựng trong ít nhất vài ba năm nữa, nghĩa là du khách vẫn còn thời gian để chiêm nghiệm tại chỗ thế giới cổ tích đầy thú vị này.
Hai mươi năm đã trôi qua, các nghệ nhân, doanh nhân và đặc biệt các nhà khoa học tham gia dự án vẫn nhiệt tình và đầy đam mê, vẫn đang miệt mài góp phần khôi phục những giá trị văn hóa qua việc xây dựng lâu đài cổ Guedelon.