Cuộc đời bi thảm, dữ dội của nhà danh họa Hà Lan Vincent van Gogh một lần nữa được tái hiện trong bộ phim mới nhất của đạo diễn danh tiếng Julian Schnabel với tựa đề At Eternity’s Gate (tạm dịch: Ở cổng Thiên đường). Qua diễn xuất của tài tử gạo cội Willem Dafoe, Van Gogh trong phim hoàn toàn bị khuất phục bởi cơn khát vọng vẽ và vẽ không ngừng nghỉ vào những ngày tháng sống ở Arles. Ở đó, ông đã đón Paul Gauguin đến cùng sống và vẽ, để rồi dẫn tới một tình bạn tan vỡ…
Trong một cảnh của bộ phim, khi Van Gogh mở cánh cửa căn phòng màu vàng của mình, ông nhìn thấy Gauguin đang phác họa chân dung bà Ginoux, chủ quán Café de la Gare ở Arles; thế là Van Gogh không chịu kém bạn, ông lập tức dựng giá vẽ rồi tay trái cầm mấy tuýp màu trong khi tay phải vung những nhát cọ cuồng nhiệt, mạnh mẽ lên khung vải. Diễn xuất của Willem Dafoe trong cảnh này thể hiện tài tình cơn mê đắm sáng tạo của Van Gogh đến độ khán giả hoàn toàn quên mất diễn viên người Mỹ 63 tuổi không phải là một họa sĩ “thứ thiệt”.
Thật ra, At Eternity’s Gate không hẳn là “một bộ phim tiểu sử nhân vật, cũng không nhằm diễn giải cuộc đời Van Gogh” như Willem Dafoe phát biểu trong Liên hoan phim New York mới đây (28-9 đến 14-10-2018). Dù phim giúp người xem hình dung những năm cuối đời của Van Gogh thông qua những chi tiết nằm đâu đó giữa sự thật và hư cấu (phần lớn dựa vào kho tàng thư tín mà nhà danh họa đã để lại); và dù khán giả được thấy Van Gogh qua nhiều thời kỳ: những năm sống với nghề ở Paris, rồi giai đoạn ông say mê cảnh sắc và ánh sáng thiên nhiên ở Arles, đến khi bị bệnh tâm thần, kể cả lúc tự cắt tai mình, thế nhưng trước hết và trên hết “đó thật sự là một bộ phim về hội họa” như khẳng định của Dafoe. Đúng hơn, đó là câu chuyện về một họa sĩ được kể bởi một họa sĩ: Julian Schnabel trước khi đến với điện ảnh đã là một tên tuổi của làng hội họa.
Sinh năm 1951, Schnabel tốt nghiệp khoa mỹ thuật tại Đại học Houston, Texas; trong triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1979, toàn bộ tranh của ông được bán hết. Năm 1980 Schnabel đã tham dự Triển lãm lưỡng niên Venice Biennale bên cạnh những tên tuổi lớn như Anselm Kiefer và George Baselitz. Thành công lớn nhất trong sự nghiệp hội họa của Schnabel là loạt “tranh phiến” (plate painting) khổ lớn được thực hiện trên những mảnh gốm vỡ, nhận được sự tán thưởng và đánh giá cao của các nhà phê bình cũng như thành công về mặt thị trường.
Tác phẩm kích thước lớn với nhiều loại chất liệu tổng hợp của ông có trong sưu tập của nhiều bảo tàng danh giá khắp thế giới như bộ ba MoMa, Metropolitan, Whitney Museum of American Art ở New York; Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (MOCA) ở Los Angleles; Bảo tàng Reina Sofia ở Madrid; Trung tâm Pompidou ở Paris, Bảo tàng Tate Modern ở London. Thành công của họa sĩ Schnabel còn được đưa lên màn bạc qua bộ phim The Square, tác phẩm của đạo diễn Thụy Điển Ruben Östlund, được thực hiện năm 2017 với các cảnh quay trong một bảo tàng nghệ thuật hiện đại và diễn viên Dominic West đóng vai Julian Schnabel.
Có khá nhiều cảnh trong phim At Eternity’s Gate khán giả được xem Willem Dafoe vẽ chẳng khác gì như chính Van Gogh vẽ. Tất nhiên Dafoe chưa từng cầm cây cọ vẽ nào trước khi nhận lời vào vai diễn để đời này. Và để đóng tròn vai, ông phải học vẽ, học cách phác thảo một bức tranh chẳng khác nào một họa sĩ thực sự. Ông cũng cần được hiểu về các chất liệu hội họa được dùng trong phim cũng như cách họa sĩ nhìn sự vật trước khi sáng tác. Vậy thì có ai khác hướng dẫn ông những điều đó tốt hơn Julian Schnabel? Nhận định về nhân vật chính, Schnabel khẳng định rằng Dafoe đã tự tin như một họa sĩ.
- Xem thêm: Chân dung Van Gogh của ngày hôm nay
Ngay khi Dafoe ký hợp đồng để đóng phim, có thành viên trong nhóm làm phim nêu yêu cầu phải thuê một chuyên gia hướng dẫn Dafoe về hội họa, nhưng Schnabel nói chính ông sẽ đảm nhận việc đó. Trong bộ phim Basquiat thực hiện năm 1996, đạo diễn Schnabel đã giúp diễn viên Jeffrey Wright vào vai họa sĩ Mỹ Jean-Michel Basquiat, tuy nhiên vì là người cùng thời với Basquiat nên Schnabel hiểu biết tường tận về những gì Basquiat đã vẽ trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nhờ đó ông có thể hướng dẫn cụ thể cho Jeffrey Wright.
Còn trong phim At Eternity’s Gate, đạo diễn đã trang bị cho Dafoe những kiến thức nền tảng mà một họa sĩ cần có, để từ đó diễn viên tự thể hiện vai diễn Van Gogh một cách tốt nhất. Schnabel nói đã chuẩn bị cho vai diễn Van Gogh từ nhiều năm trước, ông quen biết Dafoe đã ba thập niên và đã có vài dịp vẽ chân dung Dafoe. “Anh ấy đã thấy được những gì trông giống như nhân vật (Van Gogh), đã quan sát tôi vẽ tranh và dùng các chất liệu, vì thế đó là sự khởi đầu của vai diễn”, đạo diễn giải thích.
Nhưng chỉ tới khi Dafoe đến trường quay ở Pháp thì bộ đôi đạo diễn – diễn viên mới bắt đầu những buổi thực tập riêng giữa hai người về hội họa, thường diễn ra giữa hai cảnh quay và kéo dài hàng giờ đồng hồ. “Chúng tôi chỉ đơn giản cùng vẽ và cùng nhìn ngắm mọi thứ cũng như làm quen với các chất liệu hội họa”, Schnabel còn nói thêm rằng do thời gian làm phim quá thúc ép nên đó chỉ là một khóa hướng dẫn hội họa cấp tốc dành cho Dafoe.
Để cùng với Dafoe vẽ những bức tranh phong cảnh ở những nơi Van Gogh từng đứng vẽ, Schnabel đã hướng dẫn cho diễn viên về loại sơn dầu được dùng vẽ tranh, có xuất xứ từ cửa hàng Sennelier lịch sử ở Paris, cách pha màu dầu, cách cầm cọ đúng tư thế và cả cách mà Van Gogh xếp giá vẽ để có thể đeo trên lưng khi nhà danh họa bước đi trên đồng quê nước Pháp. “Chúng tôi vẽ những thứ từ cuộc sống, chúng tôi vẽ những đôi giày, những cây cối. Tôi chỉ cho Dafoe vì sao tôi lại vẽ bức tranh như thế, và anh ấy thực hiện bản mô phỏng của bức tranh”.
Khi không vẽ cùng với Schnabel, Dafoe tập vẽ một mình hay cùng với Edith Baudraud, họa sĩ của đoàn phim – người cùng với Schnabel, Dafoe và với một nhóm các họa sĩ khác thực hiện 130 bức tranh theo phong cách hội họa Van Gogh mà khán giả được thấy trong suốt bộ phim. Xem những gì Dafoe vẽ, Schnabel còn chỉ cho ông cách để cải thiện bố cục tranh cũng như cho Dafoe biết những gì ông đã làm tốt. “Anh ấy rất giỏi và nhạy cảm. Tôi nghĩ anh ấy thực sự có thể vẽ được, nhưng biết vẽ cái gì cũng là một phần của vẽ tranh”.
- Xem thêm: Sống cùng thời Van Gogh
Với Dafoe, điều quan trọng là biết cách quan sát sự vật như là một họa sĩ. Trong một cuộc họp báo về bộ phim, Dafoe cho biết ông thường nhìn sự vật, ví dụ như một thân cây như là một hình ảnh đã hoàn chỉnh, đã biết từ trước, thế nhưng Schnabel đã giúp ông phân tích hình ảnh đó thành vô vàn những thành phần làm nên nó. “Tôi hướng Dafoe chú ý đến ánh sáng chạm vào sự vật theo một cách đặc biệt, và nếu bạn vẽ ánh sáng theo cách đó thì hình ảnh của sự vật sẽ ngày càng phát triển”, Schnabel giải thích. Dù thời gian để Dafoe được hướng dẫn về hội họa không nhiều nhưng đạo diễn bộ phim khẳng định: “Nếu bạn xem phim, mọi thứ Dafoe làm đều rất đáng tin cậy”. Như Schnabel đã tin cậy Dafoe khi giao vai diễn chính cho ông dù nhân vật Van Gogh trong phim kém hơn Dafoe tới 26 tuổi.
Trước At Eternity’s Gate đã có hai bộ phim về Van Gogh là Lust For Life (Khát sống) do Vincente Minnelli đạo diễn với Kirk Douglas trong vai Van Gogh, và Vincent và Théo của đạo diễn Robert Altman với Tim Roth vào vai nhà danh họa Hà Lan. Gần đây nhất là bộ phim hoạt hình Loving Vincent, được thực hiện dựa theo một loạt tranh vẽ theo phong cách của Van Gogh.