Tháng 1-2016, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu năm 2016 là 2,9%, nhưng đến nay, tổ chức này đã hạ mức dự báo trên còn 2,4%. Các nhà phân tích đã đưa ra nhiều lý do cho sự thay đổi này: tăng trưởng chậm của những nền kinh tế tiên tiến, sự sụt giảm giá cả hàng hóa, mậu dịch toàn cầu suy yếu, các dòng vốn đầu tư không còn chảy đều hòa như trước…
Trong dự báo của WB, các nền kinh tế đang lên và các nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng 3,5%, nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Các nền kinh tế đang lên dựa chủ yếu vào xuất khẩu hàng hóa sẽ chỉ tăng trưởng 0,4%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,6% vào tháng 1-2016. Mặt khác, các nền kinh tế đang lên dựa chủ yếu vào nhập khẩu hàng hóa sẽ tăng trưởng đến 5,8% trong năm 2016 nhờ giá cả hàng hóa thấp và sự hồi phục nhẹ của các nền kinh tế tiên tiến (dự kiến tăng trưởng 1,7% trong năm nay). Theo Phó chủ tịch WB Kaushik Basu, khi các nền kinh tế tiên tiến cố gắng vượt qua thử thách, phần lớn các nền kinh tế ở Nam và Đông Á vốn dựa nhiều vào nhập khẩu hàng hóa, sẽ tăng trưởng bền vững. Trong số những nền kinh tế này, Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,7%, giảm nhẹ so với mức 6,9% của năm trước; Ấn Độ vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 7,6%, Nam Phi ở mức 0,6%, còn Brazil và Nga tiếp tục suy thoái ở mức trầm trọng hơn so với dự báo tháng 1-2016.
Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, kinh tế toàn cầu trong năm nay còn đương đầu với nhiều thách thức khác. Bên cạnh sự hồi phục chậm của các nền kinh tế tiên tiến, tình trạng giá cả hàng hóa giảm, mức đầu tư suy yếu, các nguy cơ về địa chính trị, các chính sách thuế khóa và tiền tệ bị hạn chế cũng góp phần làm cho sự thịnh vượng toàn cầu bị ảnh hưởng bất lợi. Ở những nước nhập khẩu hàng hóa, giá cả giảm khiến mức lạm phát cũng giảm theo, nhưng họ cần có chính sách tái cân bằng giữa thu và chi. Riêng về chính sách tiền tệ, sự cách biệt giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa vẫn tồn tại. Các nước xuất khẩu hàng hóa bị tác động của lạm phát phải chấp nhận một chính sách tiền tệ thu hẹp, gia tăng lãi suất để ổn định giá cả và ngoại hối; trong khi đó, các nước nhập khẩu hàng hóa sẽ áp dụng chính sách giảm lãi suất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Theo Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm viễn cảnh phát triển kinh tế thuộc WB, Trung Quốc là nền kinh tế đang lên lớn nhất, có ảnh hưởng mạnh đối với các nền kinh tế đang lên khác, nhất là những nước xuất khẩu hàng hóa. Một chính sách tiền tệ và thuế khóa phù hợp của Trung Quốc sẽ giúp nhiều nước khác đạt được các mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2016 này.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)